San sẻ yêu thương, vượt qua dịch bệnh

Chia sẻ

Ở thời điểm khó khăn bộn bề trong dịch bệnh, các gia đình trong khu cách ly, các bệnh nhân luôn đón nhận sự đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ tự nguyện của những người hàng xóm, của cộng đồng trao gửi. Đó là những nghĩa cử nhân văn tràn đầy tình người để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Bữa cơm yêu thương dành cho em bé nghị lực

Liên quan đến chùm ca bệnh ở 132 phố Bùi Thị Xuân, gia đình chị H ở phố Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng có 4 thành viên là F0 gồm 2 vợ chồng, người giúp việc và một cháu nhỏ được chuyển lên viện điều trị. Thành viên còn lại của gia đình là bé gái 5 tuổi qua xét nghiệm tại khu vực cách ly có kết quả âm tính và được về nhà. Do ông bà và người thân không có ai ở gần nên việc trông nom, chăm sóc bé hàng ngày được bố mẹ nhờ cậy một người quen. Cuối tháng 7, cháu bé được trở về nhà một cách an toàn với nỗi nhớ khôn nguôi cha mẹ và anh trai.

Chị Tống Thị Minh - giáo viên, hội viên chi Hội Phụ nữ trường mầm non Ánh Sao và gia đình đang thuê nhà ở cùng phố. Bé gái 5 tuổi là cô học trò ngoan ngoãn của trường mầm non Ánh Sao. Thương cháu bé, xót xa hoàn cảnh éo le của gia đình chị H, chị Minh chủ động liên hệ với mẹ bé, vừa thăm hỏi, động viên vừa ngỏ lời để được hỗ trợ gia đình trong lúc khó khăn và thiếu thốn này. Hai người phụ nữ, hai người mẹ đang nuôi con nhỏ trò chuyện với nhau trong nghẹn ngào, trong sự sẻ chia và đồng cảm sâu sắc. “Người mẹ nào cũng vậy, phải xa con trong hoàn cảnh này đều rất lo lắng. Nhà bị phong toả, mọi nhu cầu thiết yếu của gia đình đều nhờ bên ngoài tiếp tế. Các gia đình khác còn có người thân hỗ trợ, nhà cháu chỉ nhờ được bà con xóm giềng. Người lớn thì thế nào cũng xong nhưng cháu nhỏ cần chăm lo, quan tâm. Vì thế, tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là được giúp đỡ gia đình vượt qua lúc khó khăn và thiếu thốn. Mấy tháng nay nghỉ dạy, không vướng bận công việc nên tôi có điều kiện nấu cơm, đến bữa mang sang cho cháu bé cùng người thân. Gia đình cần mua sắm thêm gì, tôi sẽ hỗ trợ tối đa, mong sao bố mẹ cháu yên tâm, không phải lo lắng, suy nghĩ quá nhiều cho các con, giữ sức khoẻ và tinh thần thật tốt để điều trị nhanh khỏi” - chị Minh chia sẻ.

Các thành viên của nhóm “Rau O đồng” đang thu hái rauCác thành viên của nhóm “Rau O đồng” đang thu hái rau

Là cô giáo, chị Minh hiểu thói quen ăn uống của các con nên khi chế biến các món ăn, chị lựa cách phù hợp như miếng thịt nấu canh được băm nhỏ, miếng bí được xắt vừa… để bé tự phục vụ như ở trường. Bát cơm, bát canh, đĩa thịt… đều được chế biến sạch sẽ, ngon lành. Chị Minh còn cẩn thận xới riêng từng âu, đậy nắp, đặt vào túi giấy và treo cửa nhà rồi nhắn người trong nhà ra lấy. Cứ vài bữa, trong túi đồ ăn có thêm ít hoa quả, lốc sữa tươi, sữa chua để bé ăn thêm cho đủ chất. Các bữa tối, chị Minh để kèm gói mỳ hoặc miếng bánh cho bữa sáng hôm sau. “Đến bữa, mình nấu cơm cho ba bố con thì thêm bơ gạo, thêm thực phẩm để nấu món canh, món mặn, cùng một công nấu, không vất vả gì đâu” - chị Minh cho biết.
Sau hơn một tuần, bố cháu bé có kết quả âm tính, được về nhà với con gái; còn mẹ cháu đang tiếp tục điều trị. Những ngày thử thách đang dần trôi qua. “Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, được chia sẻ với gia đình bé, làm việc theo mong muốn từ tâm, tôi rất hạnh phúc. Người mẹ nào khi biết hoàn cảnh của bé cũng đều làm như tôi”- chị Minh cho hay.

Những mớ rau 0 đồng đặc biệt

Hơn 1 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội là thời điểm nhiều cán bộ, nhân viên, người lao động, hộ kinh doanh hàng hóa không thiết yếu… hoạt động cầm chừng. Thay vì thời gian trôi qua lặng lẽ, một nhóm các bạn trẻ sinh năm 1981 tại Hà Nội có tấm lòng thiện nguyện, sẵn lòng hỗ trợ các hoạt động xã hội vì cộng đồng đã khởi xướng thực hiện việc làm cần thiết và ý nghĩa với những gia đình bị cách ly, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau vượt qua đại dịch. Đó là thành lập nhóm “Rau 0 đồng”.

Anh Hoàng Ngọc Tùng - Trưởng nhóm “Rau 0 đồng” chia sẻ: Do giãn cách xã hội nên ở nhiều huyện ngoại thành, bà con nông dân không thể ra ruộng thu hoạch rau xanh, nếu có không thể vận chuyển vào nội thành tiêu thụ. Tiếc những mảnh vườn, thửa ruộng trồng rau xanh non mơn mởn đến kỳ thu hoạch có nguy cơ bị bỏ hoang, trong khi bà con ở các khu cách ly, các bếp ăn thiện nguyện ở nội thành không có nguồn rau dồi dào. Để làm cầu nối giữa nơi cần và nơi có, nhóm “Rau 0 đồng” ra đời và liên hệ để mua lại cho các hộ nông dân.

Ở nhiều địa phương, bà con không thể ra ruộng mà các thành viên của nhóm phải tự xuống ruộng, cầm liềm cắt rau. Với phần đông các bạn trẻ thế hệ 8X, không quen với công việc đồng áng nên những ngày đầu xuống ruộng không thể tránh được những lóng ngóng, vụng về. Hơn nữa, hoàn cảnh của các gia đình cũng không dư dả gì nhiều, nhưng những người bạn của anh Tùng đã đồng lòng mỗi người một tay, người góp công, người góp sức lập nên nhóm “Rau 0 đồng” để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Rau O đồng phát miễn phí cho các gia đình cách ly y tế tại phường Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội)Rau O đồng phát miễn phí cho các gia đình cách ly y tế tại phường Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội)

Theo anh Tùng, may mắn, nhóm được sự hỗ trợ nhiệt tình của các hội đoàn thể, nhất là chị em phụ nữ ở các quận, huyện và các mạnh thường quân nên ngày ngày những chuyến xe chở rau xanh chất đầy vẫn lăn bánh về các điểm ở nội thành. Chia sẻ với việc làm ý nghĩa của nhóm, anh em bạn bè đã gửi tặng dao, liềm chuyên dụng để việc thu hái được thuận lợi, ủng đi mưa để những ngày thời tiết không thuận lợi, anh chị em đi trên đất ruộng không bị trơn trượt.

Khởi đầu chỉ là những xe rau nhỏ, khi nhóm được biết đến nhiều hơn, nhu cầu rau xanh hàng ngày cung cấp cho bếp ăn thiện nguyện, khu dân cư cách ly, bệnh viện ngày càng lớn. Số lượng rau cung cấp nhiều hơn, nhóm cần thêm tình nguyện viên cắt rau và lời đề nghị hỗ trợ của nhóm luôn nhận được sự hưởng ứng của các bạn trẻ. Có nhiều bạn sau khi được nhóm hỗ trợ rau xanh, cảm kích với việc làm và sự hỗ trợ thiết thực của các anh chị đã tự nguyện tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ thu hái, phân phát rau. Ngoài ra, không chỉ bà con nông dân ở ngoại thành Hà Nội mà từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh… bà con cũng ngỏ ý hỗ trợ, tặng rau để qua nhóm gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội. Vì thế, các thành viên của nhóm luôn tất bật, từ việc thu hái trực tiếp tại ruộng, tiếp nhận rau ủng hộ, phân loại và chuyển đến các nơi.

Một ngày của nhóm đều bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào chiều muộn, những chiếc xe ô tô liên tục lăn bánh. Theo anh Tùng, trung bình mỗi ngày nhóm vận chuyển và cung cấp từ 1-2,5 tấn rau củ quả, ưu tiên các bếp ăn 0 đồng cung cấp bữa ăn cho người khó khăn, lao động tự do…; bếp ăn phục vụ tại các khu cách ly; các điểm dân cư bị phong tỏa… Tuy nghiệp dư, chỉ có ít ngày làm quen với ruộng nhưng ai nấy đều trân trọng từng mớ rau củ quả, nhẹ tay xếp gọn gàng, bó lạt hoặc bao gói cẩn thận, để sau quãng đường vận chuyển dài từ ngoại thành đến các hộ gia đình, những rau xanh vẫn tươi ngon, không để dập nát, mất ngọn... Số lượng rau cung ứng hàng ngày cũng phong phú và đa dạng, ngoài rau ăn lá (rau muống, rau cải, rau mùng tơi) còn có bắp cải, mướp, su su và các loại củ quả có thể bảo quản lâu như khoai tây, cà rốt, bí; các loại hoa quả như đu đủ, chuối…

Trong nhóm, các anh chị em đều tham gia hoạt động thiện nguyện nhưng ở đợt dịch lần thứ 4 này, tác động của dịch bệnh quá lớn. Tại các khu vực có đông lao động tự do, khu dân cư bị cách ly, thực phẩm nói chung và rau xanh nói riêng rất cần thiết. Vì vậy, đón nhận sự hỗ trợ miễn phí của nhóm, tuy giá trị không lớn nhưng không ít người đã bật khóc khiến các thành viên càng ý thức được trách nhiệm và công việc của mình hơn. Chị Trang - một thành viên của nhóm tâm sự: Có nhiều thời gian tham gia các hoạt động vì cộng đồng trong thời kỳ giãn cách xã hội tôi mới thấy thêm trân quý những điều tốt đẹp mà mình và gia đình đang có. Những tác động sâu sắc của dịch bệnh khiến ai cũng đều khó khăn nhưng với những người ở khu cách ly, người lao động tự do, cuộc sống của họ còn thiếu thốn hơn nhiều. Vì vậy, dù có dậy sớm ra đồng hay chuyển rau đến người cần lúc tối muộn, tôi không nề hà hay ngại ngần gì. Được làm điều tốt, điều có ích cho cộng đồng, tôi thấy vui, hạnh phúc và có động lực để tiếp tục những việc làm “vác tù và hàng tổng”.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.