Mùa trung thu của Thóc

Chia sẻ

Mấy hôm nay mỗi lúc ngồi sau xe mẹ Thóc hay dán mắt vào những chiếc đèn Trung thu đủ các hình thù, màu sắc trên đường phố. Hình ông sao lấp lánh giấy bóng kính, hình mèo Đô-rê-mon to bằng chiếc mâm con, đèn giấy xếp hình con mèo, con thỏ… lung linh hoa cả mắt.

Có khi đêm về Thóc còn mơ thấy mình cùng anh Sóc cầm đèn lồng chạy cười khúc khích dọc bờ đê. Hai anh em đuổi bắt trăng cho đến khi mệt nhoài thì nằm ra cỏ. Cỏ triền đê xanh mướt, những bông cỏ may như chọc lên tận đỉnh trời. Bừng tỉnh khỏi cơn mê Thóc lại càng nhớ anh, thút thít khóc một mình. Lũ chuột trên trần nhà dồn đuổi nhau suốt đêm kêu chin chít. Bố mẹ thường ngủ say sau một ngày làm việc vất vả trong nhà máy. Xóm công nhân chỉ có những đứa trẻ hay thức giấc nửa đêm, khóc thé lên trong một cơn khát sữa. Thóc ngồi dậy, mở cửa sổ nhìn ra ngoài khiến mấy con chuột đang bới rác giật mình bỏ chạy. Ánh điện vàng vọt từ ngoài cổng xóm trọ hắt vào làm Thóc không biết hôm nay có trăng không. Thằng nhỏ ngoẹo đầu nhìn nghếch lên cao, một khoảng trời hình tam giác hiện ra giữa những ngôi nhà cao tầng. Trăng kìa! Một vầng trăng mỏng manh yếu ớt thấp thoáng sau mây. Giờ này mà ở quê thì thỏa thuê ngắm trăng, chẳng vướng víu gì. Đứng ở sân nhà bà có thể nhìn thấy cả bầu trời đêm lấp lánh dải ngân hà. Anh Sóc ở với bà sướng thật, chẳng chật chội như thành phố mà Thóc đang sống cùng bố mẹ. Còn vài ngày nữa đến Trung thu rồi mà chưa thấy mẹ nhắc gì đến chuyện về quê thăm anh. Phải mua bánh nướng hình con cá và cả đèn ông sao cho anh nữa chứ…

- Sao chẳng năm nào anh em con được đón Trung thu cùng nhau vậy mẹ?

- Vì bố mẹ còn bận đi làm. Có năm nào được nghỉ ca vào ngày Trung thu đâu chứ.

- Thế còn năm nay thì sao ạ?

- Mẹ cũng chưa biết nữa, Rằm tháng Tám năm nay vào đầu tuần chắc là khó nghỉ. Cứ để mẹ tính xem.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Để mẹ tính”, cái câu ấy Thóc quen quá ấy mà. Mẹ từng nói để mẹ tính đưa anh lên thành phố chơi ít ngày nhưng rồi mẹ lại kêu bận quá. Mẹ tính mua cho anh xe đạp mới nhưng rồi lại hết tiền. Mẹ tính sẽ cho Thóc về quê ở hẳn với bà nhưng lại bảo “nhớ con không chịu nổi”. Rồi mẹ tính đón anh Sóc xuống thành phố ở để cả nhà quây quần nhưng rồi lại băn khoăn “bà ở quê một mình tội lắm. Đêm hôm trái gió trở trời biết phải kêu ai. Mà phòng mình chật quá, anh con xuống đây ăn ngủ cũng chẳng được thoải mái như ở quê. Học hành đóng góp đắt đỏ, mình con thôi mà bố mẹ xoay xở đã hết hơi rồi”. Mẹ luôn có lý do của mình giống như tất cả những bà mẹ khác trong xóm trọ công nhân này. Mua một mớ rau còn nâng lên đặt xuống thêm bớt một hai nghìn. Mua sữa cho con tìm cả buổi tối trên mạng xem chỗ nào bán rẻ mà miễn phí vận chuyển. Mua quần áo cho con là phải chọn bộ rộng để năm sau còn mặc được. Thóc không dám đòi mẹ tiền quà sáng như các bạn. Cũng chẳng bao giờ mè nheo mua đồ chơi, quần áo. Vì Thóc biết bố mẹ làm vất vả mà đồng lương cũng chẳng được nhiều. Bố mẹ phải chi trả đủ thứ, tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền học hành của Thóc. Đi chợ dưới thành phố cũng tốn kém lắm, ngày nào mẹ cũng kêu “sao rau cỏ, thịt thà càng ngày càng tăng giá quá trời”. Đã vậy bố mẹ còn phải gửi tiền về quê cho bà. Bà tám mươi tuổi rồi, chỉ trồng rau nuôi gà nuôi vịt. Có mùa sương, vịt gà lăn ra chết, bà ngồi khóc hu hu ở thềm nhà lo lúc đau ốm không có đồng nào “thì lại tội vợ chồng thằng cả lo toan”. Mỗi lần thấy mẹ giở ví ra đếm đi đếm lại tệp tiền lẻ rồi thở dài là Thóc thấy thương. Cả năm nay Thóc chưa từng thấy mẹ mua gì cho riêng mình cả. Chiếc cặp tóc gắn đá lấp lánh trong cửa hàng gần cổng trường Thóc mẹ thích mê. Nhưng mẹ chỉ ngắm thôi, “tiền ấy để cóp vào mua cho anh con hộp bút lông dầu, có thể vẽ trên mọi chất liệu. Anh con chắc sẽ vui lắm đấy. Kể cũng lạ, nhà chẳng ai có năng khiếu nghệ thuật mà tự nhiên lại sinh ra anh con thích vẽ và vẽ đẹp”.

Mỗi lần nhắc đến anh là Thóc thấy buồn. Mẹ nói từ khi sinh Thóc ra thì anh phải về quê ở với bà. Tháng nào bố mẹ cũng thay nhau về thăm hai bà cháu, có khi cho Thóc đi cùng có khi không. Vì bố mẹ làm ca khác nhau nên ít khi được nghỉ cùng ngày, càng hiếm khi nghỉ vào ngày Chủ nhật. Hai anh em Thóc chỉ hay trò chuyện qua điện thoại vào buổi tối sau khi học bài xong. Anh kể chuyện đi bắt cua đồng về nấu canh chua. Chuyện tổ chim sâu trước nhà đẻ được ba quả trứng “đêm qua bão to thế may mà cây không đổ”. Chuyện anh đã thôi không bắt cóc bán nữa vì cô giáo bảo để cóc còn bắt muỗi trong vườn. Chuyện đêm đến bà hay khóc một mình vì đau khớp chân và “chắc bà nhớ ông nhiều quá”. Thóc không có nhiều chuyện để kể, đi học rồi về nhà chơi loanh quanh ở góc sân xóm trọ chẳng có ai ngoài cái bóng của chính mình. Tha thẩn với bộ đồ chơi xếp hình, hoặc đứng trong cửa cổng nhìn hàng quán bên ngoài nhộn nhịp người qua lại, bán mua. Con chim anh Sóc tặng nhốt trong lồng cũng bị ai đó bắt đi mấy tuần trước rồi. Đối với Thóc mỗi lần được về thăm quê là hạnh phúc nhất. Được cùng anh chạy chơi khắp xóm, lên đồi bắt chim, xuống mương mò cá. Tối nằm ngoài chõng tre nghe con chim quốc kêu ngoài bụi, đoán xem nó gọi bạn đến bao giờ thì tắt tiếng.

- Báo cho con một tin vui này. Năm nay cả nhà mình được đón Tết trung thu cùng nhau. Bố mẹ đã xin nghỉ làm rồi. Tối mai ăn cơm xong cả nhà mình sẽ đi sắm đồ.

- Ôi! Thích quá. Mình sẽ mua đèn lồng bố nhé. Một cái thôi cũng được, cho anh Sóc.

- Mai về quê bố sẽ trổ tài làm đèn lồng cho hai anh em. Mình chỉ cần mua giấy bóng kính thôi là đủ. Con thích màu gì?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thóc không nghe thấy câu hỏi của bố vì thằng bé đã chạy vọt ra sân nhảy chân sáo vui mừng. Tối đó Thóc được đi lượn phố, đi qua những hàng bánh trung thu, những lồng đèn lủng lẳng và cả đống đồ chơi xanh đỏ bày khắp các gian hàng. Mẹ chọn mua cặp bánh trung thu, bộ bút màu cho anh Sóc và chiếc khăn nhung cho bà quàng trong mùa rét sắp tới. Mẹ kéo Thóc vào cửa hàng quần áo định mua một bộ đồ. Nhưng Thóc nói “con vẫn còn nhiều quần áo mà. Mẹ mua cho anh thôi”. Thóc chẳng cần quần áo đẹp, được về đón Tết Trung thu với anh đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Cả đêm Thóc nằm mãi vẫn không ngủ được. Hết xoay bên phải lại trở mình bên trái. Chỉ mong đến ngày mai đi học về là cả nhà lại cùng bon bon trên chiếc xe máy cũ trên con đường quen thuộc. Đường về nhà dài gần trăm cây số qua mấy con sông và mấy cây cầu. Anh Sóc chắc là cũng đang nóng lòng chờ đợi…

* * *
Bảy giờ tối bà phẩy cái quạt mo cau ới gọi “mấy bố con thằng Sóc vào ăn cơm đi thôi. Canh nguội hết cả rồi. Nhanh cho lũ trẻ đi phá cỗ Trung thu ngoài nhà văn hóa”. Cũng vừa lúc chiếc đèn ông sao được hoàn thành. Ba bố con chụm đầu vào nhau chỉnh sửa những chi tiết cuối cùng. Thóc giơ chiếc đèn lên cao nhìn ngắm ánh trăng qua màu đỏ của giấy bóng kính, nhoẻn cười. Cơm của bà ngon quá, có cà pháo chua giòn và tép sông kho tương béo ngậy. Thóc thèm những bữa cơm cả nhà sum họp như thế, ăn gì cũng thấy ngon. Anh Sóc bảo: “Thóc phải ăn nhiều vào mới to khỏe được. Để mùa hè năm sau về quê kéo cá với anh”. Thóc ngẩng lên nhìn anh, lòng trào dâng một thứ tình thương khó tả. Anh ở với bà vất vả từ rất nhỏ. Đi học về là phải kiếm củi, nấu cơm và làm biết bao việc khác. Nhà bà dột, bố chưa về kịp cũng là anh trèo lên thay ngói. Cây trước nhà chết ngọn cũng là anh vác dao đẵn cụt. Củi sau nhà anh bổ, rào trước nhà anh đan. Da anh sạm đen, trên cánh tay lúc nào cũng thấy vài vết sẹo. Ngay cả cái dáng ngồi ăn cơm của anh trông cũng khổ. Thóc ở với bố mẹ chỉ ăn với học vậy mà có lúc còn mè nheo nhõng nhẽo. Còn tị nạnh với anh được sống ở quê với bà tha hồ rộng rãi. Mẹ nói, anh lớn lên như cái cây, tự nhiên và tốt lành. Đúng vậy…

Bà và mẹ trải chiếu ngồi giữa sân bày cỗ trung thu. Mấy quả bưởi ngọt vườn nhà, hồng cũng vừa chín cây bà hái hồi chiều. Nải chuối chín còn vương mùi lá xoan bà ủ. Cặp bánh trung thu mẹ mua được cắt ra thành từng miếng nhỏ “để lát nữa chia cho các bạn nhỏ trong xóm sang chơi”. Gió mát quá, ngửa cổ lên là nhìn thấy trăng tròn vành vạnh treo trên ngọn cau già. Tiếng trống múa lân vọng lại rộn ràng. Thóc đút vội quả hồng vào túi quần rồi cầm đèn chạy theo anh Sóc đi ra cổng. Bờ đê hút gió, anh em Thóc đi đến đâu là trăng cũng đi theo không rời một bước. Thóc hát theo tiếng nhạc từ xa:“Đèn ông sao với đèn cá chép/ Đèn thiên nga với đèn bướm bướm/ Em rước đèn này đến cung trăng/ Đèn xanh lơ với đèn tím tím/ Đèn xanh lam với đèn trắng trắng/ Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu/ Tít trên cao dáng tròn xinh xinh…” (*) Ôi ánh trăng quê vằng vặc cưỡi mây gió đưa chị Hằng, chú Cuội ngao du theo khắp những dấu chân trẻ thơ trên mọi miền đất nước. Trăng nghe thấu tiếng lòng của ước vọng sum vầy, của tình thân gắn kết, của trong trẻo hồn nhiên. Sau này còn nhiều mùa Tết Trung thu nữa nhưng Thóc sẽ mãi mãi lưu giữ khoảnh khắc này khi được cùng anh trai rước ánh trăng quê đi dọc triền đê lộng gió…

Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Chú Thích: (*) Bài hát “Rước đèn tháng tám” của tác giả Đức Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.