Trông trăng

Chia sẻ

Cũng vì muốn cảm nhận lại không khí náo nức của đêm Rằm trung thu mà tôi tìm đọc bài thơ này của thi sĩ Trần Đăng Khoa. Càng đọc, người viết càng thấm thía một điều, mọi minh triết đều khởi đầu từ sự hồn nhiên. ấy vậy mà viết về tuổi thần tiên sao thật khó. Bởi, phải rất “trẻ con” như thế này.

Đêm nay trăng đang rằm
Trăng như cái mâm con
Ai treo ông cao thế
Ông nhìn đàn em bé
Muốn khoe có mặt tròn

Dưới sân em trông trăng
Có quả thị thơm lừng
Nải chuối tiêu thơm mát
Ông trăng nhìn thấy xôi
Là ông nhoẻn miệng cười
Áng chừng ông thích lắm
Trăng nở vàng như xôi

Em chạy nhảy tung tăng
Múa hát quanh ông trăng
Em nhảy, trăng cũng nhảy
Mái nhà ướt ánh vàng

Khuya, không trông trăng nữa
Trăng thập thò ngoài cửa
Muốn rủ em đi chơi
Bồng bềnh...
Trăng trôi...
                                                                                              1966
(Rút từ tập Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hóa dân tộc, 1999)
                                                                            Trần Đăng Khoa

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Cũng vì muốn cảm nhận lại không khí náo nức của đêm Rằm trung thu mà tôi tìm đọc bài thơ này của thi sĩ Trần Đăng Khoa. Càng đọc, người viết càng thấm thía một điều, mọi minh triết đều khởi đầu từ sự hồn nhiên. Ấy vậy mà viết về tuổi thần tiên sao thật khó. Bởi, phải rất “trẻ con” như thế này:

“Đêm nay trăng đang rằm/ Trăng như cái mâm con/ Ai treo ông cao thế/ Ông nhìn đàn em bé/ Muốn khoe có mặt tròn”

“Ông trăng”- nhân vật trung tâm của bữa tiệc Rằm trung thu hiện ra chẳng có vẻ gì là nghiêm nghị, đạo mạo như một quyền năng, tạo ra lịch pháp như với người lớn mà trăng rất hồn nhiên trong cách thắc mắc (Ai treo ông cao thế), để rồi tác giả đưa ông trăng xuống ngang tầm với lũ trẻ: “Ông nhìn đàn em bé/Muốn khoe có mặt tròn”.

Khi tất cả đã đông đủ, cả bé và trăng cùng hướng vào mâm cỗ mùa thu:

“Dưới sân em trông trăng/ Có quả thị thơm lừng/ Nải chuối tiêu thơm mát/ Ông trăng nhìn thấy xôi/ Là ông nhoẻn miệng cười/ Áng chừng ông thích lắm/ Trăng nở vàng như xôi”

Mùa thu là mùa của thơm thảo vườn nhà. Những trái thị, nải chuối, trái hồng, trái na và xôi dẻo thơm… làm bé vui thích náo nức. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ, nhà thơ đã đặt điểm nhìn vào đôi mắt bé, để bé cảm, bé tả về trăng bằng tư duy trẻ thơ. Có lẽ chỉ có bé mới biết “áng chừng” ông trăng cũng “thích lắm” nên “nở vàng như xôi”. Có một đĩa xôi trên mâm cỗ mùa thu, một đĩa xôi của ánh sáng trên bầu trời. Trăng dưới này và trăng trên kia tuy hai mà một:

“Em chạy nhảy tung tăng/ Múa hát quanh ông trăng/ Em nhảy, trăng cũng nhảy/ Mái nhà ướt ánh vàng”.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Với trẻ em, khi vui thích nhất đôi chân sẽ luôn nhảy nhót, và cũng không gì vui hơn khi có người lớn cùng chơi. Khi đó, các em như có thêm bạn, thấy ai cũng là bạn. “Ông trăng” đêm nay cũng mang tâm hồn thơ trẻ hồn nhiên, ngộ nghĩnh (Em nhảy, trăng cũng nhảy) trong một đêm vàng ánh mùa thu.

Thế rồi, cuộc vui nào cũng có hồi kết, bé phải đi ngủ để mai còn thức dậy đón ngày mới, bé còn phải đến trường:

“Khuya, không trông trăng nữa/ Trăng thập thò ngoài cửa/ Muốn rủ em đi chơi/ Bồng bềnh…/Trăng trôi...”

Giờ đây không còn là “ông trăng” lạ lẫm ban đầu nữa mà đã là người bạn thân “thập thò ngoài cửa”, muốn rủ em đi chơi. Và, trăng cứ thế bồng bềnh trôi vào giấc mơ êm đềm của bé, bài thơ cũng khép lại như thế…

Từ góc sân nhà, Trần Đăng Khoa mở ra những khoảng trời thơ ca thần tiên. Trước ánh trăng Rằm trung thu đọc lại bài thơ “Trông trăng”, ta như được trở về tuổi thơ hồn nhiên của mình bằng những câu thơ giản dị mà sâu lắng như thế.

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.