Xây dựng hạnh phúc gia đình từ những điều nhỏ bé

Chia sẻ

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, phức tạp như hiện nay, mỗi gia đình hãy là một “pháo đài” vững chắc để chống dịch bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, gắn kết, yêu thương, chia sẻ lẫn nhau, cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Gắn kết gia đình bằng “những việc làm chung”

Vận động 4 cháu nội tham gia các hoạt động trực chốt tại địa phương là cách để bà Nguyễn Thị Cúc (70 tuổi, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dạy các cháu bài học về sống có trách nhiệm với cộng đồng. Bà Cúc có 8 cháu thì 4 cháu nội xung phong cùng bà chống dịch. Các cháu đều là đoàn viên, sinh viên ưu tú, tình nguyện ghi tên vào danh sách đoàn viên tham gia tuyến đầu chống dịch của phường. Bà mỉm cười: “Giặc đến nhà thì đàn bà, trẻ nhỏ đều đánh!”. “Giặc” Covid-19 tuy “mắt thường không thể thấy” nhưng có sức huỷ hoại rất lớn, do đó, mỗi gia đình hãy là những “pháo đài” vững chắc để bảo vệ các thành viên trong gia đình mình”.

Hàng ngày, bà Cúc trực tại điểm trực chốt ngõ 546 Trần Cung. Từ 6h30 sáng, bà cùng các cháu đã ra đường. Người trực chốt đầu ngõ, người đi rà soát danh sách hộ nghèo và lao động đang mắc kẹt tại khu dân cư, người đến điểm tiêm hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm… Tối muộn về nhà, ai cũng tuân thủ nguyên tắc 5K, bỏ khẩu trang, găng tay vào thùng rác, khử khuẩn toàn thân và tắm rửa sạch sẽ để đảm bảo an toàn cho các thành viên khác. Các con của bà đã bị ngừng việc, giảm thu nhập nhưng cũng cùng mẹ quyên góp ủng hộ quỹ vắc-xin, các quỹ hỗ trợ người nghèo... Ai cũng động viên, chia sẻ với nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Cùng nhau cống hiến cho xã hội đã khiến cho ai cũng cảm thấy mình sống ý nghĩa, từ đó, gắn kết tình cảm gia đình hơn” – bà Cúc nói.

Là Tổ trưởng Tổ tán trợ của Hội Chữ thập đỏ phường Cổ Nhuế 1, bà Cúc có “thâm niên” 10 năm làm từ thiện, nấu hàng nghìn suất cháo cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện E, quyên góp hàng trăm tấn quần áo cho trẻ em vùng cao… “Tuy tuổi đã cao nhưng tôi vẫn còn khoẻ mạnh. Tôi làm được việc gì cho cộng đồng thì sẽ cố gắng hết sức làm để làm gương cho con cháu” – bà Cúc nói. Nhiều năm liền, đại gia đình bà Cúc đều được mọi người khen ngợi, được đạt danh hiệu là gia đình văn hoá tiêu biểu của khu dân cư.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Suốt 4 tháng từ khi dịch bệnh bùng phát, vợ chồng chị Ngô Thị Xuyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công ty may Thiên Phúc chưa lúc nào được ngơi tay. “Chúng tôi bảo nhau: Mình còn làm được gì cho người khác thì cùng nhau làm. Vì vậy, nhiều năm qua, chúng tôi luôn đồng hành cùng nhau trên con đường thiện nguyện của mình” – chị Xuyên nói. Đều đặn mỗi ngày, vợ chồng chị dùng xe tải chở vải của gia đình để chở quà đi phát cho từng hộ dân. Chồng bê túi gạo, vợ xách túi gia vị, rau củ quả, ân cần đưa đến tay những người gặp khó, không quên động viên họ cố gắng và dặn “nếu thiếu thì cứ gọi điện, chúng tôi sẽ mang đến”. Có lẽ vì cùng chung chí hướng, đồng lòng, nên dù bất cứ hoàn cảnh nào, vợ chồng chị cũng luôn dành cử chỉ âu yếm, quan tâm nhau. Vợ chồng chị cùng Hội LHPN xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì đã nấu và tặng hàng nghìn suất cơm cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng y bác sỹ tham gia xét nghiệm Covid-19 tại các điểm tiêm trên địa bàn.

Theo Ths Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, trong những ngày giãn cách xã hội này, nhiều tấm gương gia đình cùng nhau làm việc tốt, vì cộng đồng như những ngôi sao sáng lấp lánh, làm xúc động lòng người. “Mỗi gia đình hãy một “pháo đài” vững chắc, mỗi người dân là một chiến sỹ, cùng nhau đồng tâm, nhất trí bảo vệ, trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ ấm của mình. Đây không chỉ phát huy tốt vai trò tương thân tương ái trong truyền thống Việt Nam mà còn thể hiện sự gắn kết, lan toả những giá trị đẹp trong gia đình, vai trò làm gương của thế hệ trước đối với thế hệ sau, sự sẻ chia đồng cảm cùng nhau trong cuộc sống… Những ngày khó khăn vẫn đang còn ở phía trước, nhưng việc làm ý nghĩa của họ sẽ giúp cộng đồng cư dân có thêm tình đoàn kết và là hành trang quý báu cho nhiều bạn trẻ vững tin bước vào đời” – Ths Hoa Hữu Vân phân tích.

Bình tĩnh, động viên nhau vượt qua dịch bệnh

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Tuý, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến vấn đề về việc làm, kinh tế và cả đời sống hạnh phúc của mỗi gia đình. Sự khó khăn về kinh tế, bí bách trong cuộc sống, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội nhiều cặp vợ chồng gần như 24/7 ở nhà khó tránh khỏi sự khắc khẩu, tranh luận không đáng có. Họ bị stress bởi áp lực tài chính, mâu thuẫn càng dễ xảy ra, khiến cho tổ ấm khó bền vững. Do đó, mỗi người cần phải có biện pháp để thích nghi với cuộc sống khi có những thay đổi ngoài dự kiến. Mỗi người cần hạ “cái tôi” xuống, cần thay đổi những thói quen xấu, thông cảm nhau trong cuộc sống, nắm tay nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh mang lại.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Để hoá giải mâu thuẫn vợ chồng, cả hai cần chấp nhận sự khác biệt về tính cách của nhau; biết tổ chức cuộc sống gia đình, hỗ trợ lẫn nhau, chủ động khuyến khích nửa kia tham gia vào công việc chung của gia đình. Trong mọi cuộc tranh cãi, vợ/chồng cần biết thỏa hiệp và thỏa hiệp đúng lúc, đừng chăm chăm nhìn vào mặt tiêu cực về đối phương để cố gắng giành chiến thắng cho mình. Đặc biệt, người vợ cần chia sẻ, cảm thông với chồng nếu chẳng may chồng mất việc. Người chồng hỗ trợ việc nhà giúp vợ. Vợ chồng cùng nhau gồng gánh kinh tế, san sẻ việc nhà, chăm sóc con, tạo ra những bữa cơm gia đình ấm cúng… sẽ giúp giải toả căng thẳng, áp lực trong giai đoạn giãn cách xã hội” – bà Tuý phân tích.

Còn đối với trẻ em, chuyên gia tâm lý trị liệu về trẻ em Trần Thị Mạnh Linh cho rằng, mỗi đứa trẻ đều cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc, yêu thương. Trong bối cảnh dịch bệnh, bố mẹ có thể tạo ra những trải nghiệm tích cực cho con trong điều kiện phải ở nhà và giãn cách. Một vài cách để giúp trẻ không căng thẳng, khó chịu, thoải mái hơn như tăng cường các hoạt động tương tác giữa cha mẹ và con cái thông qua nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, chơi các trò chơi… Tiến sỹ giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con thì cho rằng, thời điểm này, ông bà, cha mẹ hãy trở thành “thủ lĩnh” của con, tạo ra trào lưu đọc sách trong gia đình để định hướng, giáo dục, kết nối tình cảm, hạnh phúc gia đình. Cả gia đình có thể cùng nhau chơi các trò chơi như vượt chướng ngại vật bằng dây gai, ruy băng, đọc một số câu chuyện, cùng xem phim, thử nghiệm món ăn mới…

Nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em trong đại dịch Covid-19, Hội LHPN Việt Nam vừa có công văn gửi đến Ban thường vụ Hội LHPN các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Công văn nêu rõ, để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm liên quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN Việt Nam đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành phố tiếp tục bám sát các chủ trương, chỉ đạo của TW Hội trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đồng thời thực hiện nghiêm túc trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em theo hướng phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ.

Theo đó, Hội LHPN Việt Nam đề nghị các Hội LHPN cấp tỉnh/ thành phố cần tiếp tục chỉ đạo, chủ động phát hiện, tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tại địa bàn; phối hợp với các cơ quan liên quan, gia đình, nhà trường và xã hội trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại, bảo đảm các vụ việc được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật; Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân tố giác và lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em…

AN TÚ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.