Hợp đồng mua bán nhà có được ủy quyền?

Chia sẻ

Dì tôi ở thành phố Hồ Chí Minh có một căn nhà ở Hà Nội. Cách đây bốn tháng, dì tôi có thỏa thuận bán căn nhà này. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên dì tôi không ra được Hà Nội để ký hợp đồng mua bán.

Câu hỏi
Dì tôi ở thành phố Hồ Chí Minh có một căn nhà ở Hà Nội. Cách đây bốn tháng, dì tôi có thỏa thuận bán căn nhà này. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên dì tôi không ra được Hà Nội để ký hợp đồng mua bán. Xin hỏi tòa soạn, dì tôi có thể ủy quyền cho tôi ký hợp đồng với người mua hay không? Xin cảm ơn quý Báo!

Minh Hồng (Cầu Giấy)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời
Theo khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở năm 2014, “việc mua bán nhà ở phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 121 của Luật này. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bán thực hiện bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở đó trong một thời hạn nhất định cho bên mua theo quy định của Chính phủ”.

Nếu căn nhà và các bên tham gia đáp ứng điều kiện giao dịch nhà ở theo quy định của pháp luật, việc mua bán nhà ở do các bên thỏa thuận, được ghi nhận bằng hợp đồng, có công chứng hoặc chứng thực.

Nội dung hợp đồng mua bán nhà ở bao gồm các nội dung như

- Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

- Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó;

- Thời hạn và phương thức thanh toán; Thời gian giao nhận nhà ở;

- Quyền, nghĩa vụ, cam kết của các bên;

- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

- Các thỏa thuận khác;

- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên.

Về nguyên tắc, dì của bạn có quyền định đoạt, ký hợp đồng mua bán căn nhà thuộc quyền sở hữu của dì cho người mua. Trường hợp không trực tiếp thực hiện, dì của bạn có thể ủy quyền cho người khác theo cơ chế đại diện.

Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện như sau:

“1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện”.

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Đại diện theo ủy quyền như trường hợp bạn cần tư vấn được quy định tại Điều 138 của Bộ luật này như sau:

“1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện”.

Thêm nữa, theo khoản 1 Điều 139 của Bộ luật này, “giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện”.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, nếu đáp ứng điều kiện có liên quan, dì của bạn có thể ủy quyền cho bạn ký hợp đồng mua bán căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình trong quá trình mua, bán. Giao dịch này có hiệu lực pháp luật như trường hợp dì bạn trực tiếp ký tên.

Luật sư Hồng Hải

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.