Anh chị hãy buông bỏ định kiến

Chia sẻ

“Vợ chồng tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà ông trời bắt tội, bằng này tuổi đầu, đáng ra phải được sống vui vầy cùng con cháu. Cũng may trời còn cho khoẻ mạnh, tự làm, tự ăn, tự chăm sóc nhau, chứ không thì chẳng biết sống ra sao”.

Nhưng vấn đề của chúng tôi nó “khổ tâm” lắm chú ạ. Chúng tôi cũng có con, có cháu, nhưng giờ coi như “có cũng như không”. Rất mong chú cho chúng tôi xin ý kiến xem vợ chồng tôi nên sống ra sao? Tôi biết chú ít tuổi hơn chúng tôi, nhưng chú là người có ăn, có học, chắc chắn suy nghĩ sẽ thấu đáo hơn chúng tôi…

Trên đây là lời mở đầu câu chuyện của một đôi vợ chồng ngoài 60 tuổi đến văn phòng tư vấn của chúng tôi. Chị kể rằng chị là giáo viên tiểu học, chồng chị là “chú bộ đội”, lấy nhau khi cả hai mới ngoài hai mươi tuổi. Anh chị cũng chỉ có một cậu con trai, năm nay cũng gần 40 tuổi, cũng là sĩ quan quân đội, nối nghiệp của người cha. Tuy nhiên, đường tình duyên của người con trai lận đận, khiến anh chị vẫn còn chưa được yên lòng.

Năm 2007, con trai anh chị lấy vợ. Cậu con trai khi ấy mới tốt nghiệp sĩ quan, ra trường được ba năm, đang công tác xa nhà. Mọi việc liên quan đến cuộc hôn nhân đều do anh chị quyết định, thu xếp. Cưới được con dâu ưng ý, lại sinh cháu đích tôn ngay năm sau, khiến anh chị thấy cuộc đời tràn đầy hạnh phúc. Thời gian, tâm huyết anh chị dành cho mảnh vườn nhỏ trồng hoa và việc chăm sóc cháu nội. Hai năm sau, đứa cháu nội thứ hai ra đời, niềm vui lại nhân lên gấp đôi. Tuy con trai đi công tác xa gia đình, nhưng anh chị không thấy buồn vì có con dâu và hai đứa cháu nội quấn quýt bên mình. Khi hai đứa cháu đã lớn, con dâu anh chị gần như “bàn giao” con cho ông bà chăm sóc, đưa đón đi nhà trẻ, mẫu giáo. Cô con dâu chỉ tập trung vào mỗi việc buôn bán ở cái ki ốt thuê ở cổng chợ làng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Đùng một cái có người báo con dâu tôi có nhân tình. Nhiều người chứng kiến buổi trưa hai người đóng cửa hàng và nghỉ trưa trong đó. Lúc đầu tôi không tin, bởi tôi biết anh chị thông gia giáo dục con rất tốt, con dâu tôi không thể là người có tính lẳng lơ được. Tôi nghĩ, chắc họ thấy gia đình tôi hạnh phúc nên bịa chuyện để bôi nhọ gia đình tôi mà thôi. Nhưng đến khi cô em dâu tôi, tức là thím của con tôi kể chi tiết những điều thím ấy biết, tôi mới ngã ngửa rằng cả làng đều biết con dâu tôi theo trai, nuôi trai, mỗi vợ chồng tôi bận một nách hai cháu là không biết. Thím ấy bố trí cho tôi theo dõi, bắt quả tang con dâu tôi đóng cửa ngủ với trai lạ vào một buổi trưa. Tôi đau đớn, nhưng không dám làm ầm ĩ, sợ cả làng biết thì chúng tôi còn mặt mũi nào mà sống ở làng nữa. Tôi chỉ gọi điện cho con trai tôi xin phép đơn vị “về ngay, nhà có việc gấp”. Con trai tôi về, tôi họp gia đình, kể sự tình và muốn lắng nghe ý kiến của con trai và con dâu. Tôi cũng chỉ nghĩ con trai tôi sẽ mắng mỏ, răn đe con dâu tôi, con dâu thì xin lỗi, rút kinh nghiệm.

Ai ngờ, con dâu tôi thú nhận nó yêu cậu thanh niên kia thật, có tình cảm sâu đậm, chứ không chỉ là bồ bịch. Nó còn đề xuất ly hôn. Con trai tôi tím mặt, ngồi nghe, rồi đồng ý ly hôn ngay theo đề nghị của vợ. Chúng tôi ra sức phân tích thiệt hơn, rằng con dâu tôi cần phải biết mình là phụ nữ có chồng, có 2 con rồi, lấy gì để đảm bảo “cậu kia” yêu thật lòng và muốn tiến tới hôn nhân? Có phải do chồng đi công tác xa mà thèm khát tình cảm trai gái quá, nên trót dại làm liều? Nếu đúng như thế, chỉ cần thật thà xin lỗi, chân thành hối cải, gia đình sẽ bỏ qua để vợ chồng hàn gắn với nhau, để nuôi con, chứ đừng để con cái “có bố không mẹ, có mẹ không bố”. Nhưng kết quả vẫn là lá đơn ly hôn được “thuận tình cùng ký”. Vợ chồng con trai chúng tôi ly hôn rất nhanh, hai đứa con cũng để vợ nuôi, con trai tôi có trách nhiệm đóng góp tài chính nuôi con.

Thế là tan nát một gia đình. Con trai chúng tôi chán nản, cứ ở lì đơn vị, cả năm cũng không về thăm bố mẹ và các con, chỉ thỉnh thoảng gọi điện. Con dâu và hai đứa cháu đưa nhau về nhà ngoại ở. Sau khi ly hôn, cậu thanh niên “tằng tịu” với con dâu tôi cũng bỏ rơi cô ấy, nên gia đình bên ngoại có ý đánh tiếng mong con trai tôi và gia đình tôi cho phép con dâu cũ của tôi “nối lại tình xưa”, để hai đứa trẻ không bơ vơ nếu một mai mẹ chúng đi lấy chồng. Chúng tôi cũng mong muốn như thế vì nghĩ “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Nhưng con trai tôi kiên quyết không tha thứ, không bỏ qua, nó nói “bát nước đổ xuống đất, không thể hốt lên được nữa”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hai năm sau, con trai chúng tôi đưa về một cô gái, giới thiệu là người yêu của con và thông báo sẽ kết hôn cuối năm nay. Nhìn hình thức thì cô gái cũng khá ưa nhìn, lại nhanh nhẹn, nên chúng tôi cũng mừng. Nhưng sau này biết lai lịch, gốc tích cũng như hoàn cảnh hiện tại của cô ấy, chúng tôi kiên quyết phản đối. Cô ấy không có bố. Mẹ quan hệ với một người đàn ông lạ, rồi sinh ra cô ấy. Đến khi cô ấy được 5 tuổi, mẹ bỏ cho bà ngoại nuôi, để đi lấy chồng. Sau này cô ấy lấy chồng, cũng có đứa con gái bằng tuổi thằng cháu nội lớn nhà tôi. Không may chồng cô ấy bị tai nạn giao thông, nằm liệt một chỗ mấy năm nay rồi. Không chịu được vất vả, cô ấy đã ly hôn chồng để bám lấy con trai tôi. Chúng tôi phân tích mọi điều, nhưng con trai tôi nói giờ thì không nghe bố mẹ nữa, nó phải “tự lấy vợ”. Lần lấy vợ trước là do bố mẹ chọn nên nó bị dang dở. Chúng tôi giận con trai và ghét cô gái có quá khứ không mấy tốt đẹp, lại còn nhẫn tâm vứt bỏ người chồng tàn tật và đứa con gái còn chưa trưởng thành để đi lấy chồng. Làm sao con trai chúng tôi có thể hạnh phúc với loại người như thế? Tuy nhiên, chúng vẫn lấy nhau bất chấp sự can ngăn của chúng tôi.

Chúng đưa nhau đi đăng ký kết hôn, rồi về ở với nhau. Con trai tôi mua một mảnh đất nhỏ, làm nhà ở gần doanh trại nơi con tôi công tác. Hiện nay vợ chồng nó đã có đứa con gái 2 tuổi, nhưng chúng tôi giận, chẳng thèm thăm nom. Cậu con trai tôi cũng ít về nhà thăm bố mẹ, chủ yếu chúng tôi phải gọi điện hỏi thăm. Nó bảo cuộc sống của nó yên ổn, bình thường, bố mẹ không phải lo. Nhiều lúc vợ chồng tôi định ra thăm vợ chồng con trai và thăm cháu, nhưng hai đứa cháu nội, đang sống với ông bà ngoại và mẹ chúng, nói rằng nếu ông bà chấp nhận “đứa kia” là cháu nội, thì ông bà sẽ “không có chúng cháu” nữa. Cũng vì thế mà chúng tôi nấn ná, đến giờ không con, không cháu, sống hai thân già “chòng chọc” với nhau. Nghĩ nó chán…”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy chuyện của đôi vợ chồng không quá phức tạp. Chúng tôi đã chia sẻ và góp ý với hai vợ chồng giúp họ thay đổi cách nghĩ, thay đổi thái độ và hành động để tháo gỡ vấn đề của gia đình mình. Trước tiên, chúng tôi nhắc vợ chồng người khách rằng con trai họ là sĩ quan quân đội, đã là trung niên, anh ấy có quyền tự quyết định các vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình, anh chị cần “buông tay” cậu con trai gần 40 tuổi ra, để anh ta được sống như mình mong muốn. Thứ hai, cần khép lại quá khứ, cuộc hôn nhân lần đầu đổ vỡ của con trai anh chị ấy cũng coi như xong. Hiện tại hai đứa cháu được mẹ cháu và ông bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng và con trai anh chị cũng đóng góp tài chính thêm, coi như tạm ổn. Nếu một mai con dâu cũ của anh chị đi lấy chồng, họ sẽ bàn bạc để có thể thay đổi quyền nuôi con hoặc giải quyết thế nào là do chính họ thực hiện. Việc con trai và con dâu mới của anh chị kết hôn đúng pháp luật, trai không vợ, gái đã ly hôn chồng, nên anh chị có đồng ý hay không cũng không có ý nghĩa gì. Họ đang là vợ chồng, có cuộc sống yên ổn, có con với nhau, vậy có điều gì đáng nói? Anh chị không chấp nhận con dâu, không thăm cháu nội, chúng cũng “không cần”.

Anh chị coi thường con dâu, không chấp nhận đứa cháu nội mới 2 tuổi, người thiệt thòi chính là anh chị. Giá suy nghĩ thoáng một chút, bớt những định kiến, hẹp hòi, đồng ý cho con trai lấy người vợ mà cậu ấy yêu thương, thì giờ anh chị có mọi thứ: con trai, con dâu, 2 cháu trai, một cháu gái. Thỉnh thoảng sang thăm cháu nội ở gần, rồi đến thăm con trai, con dâu, cháu nội ở xa, muốn ở lại chơi ít ngày cũng được. Ngày lễ, ngày Tết, gọi điện mời con cháu về chơi, gia đình sum họp đông vui. Cẩn thận với hai đứa cháu nội, được mẹ “giáo dục”, nên đã học cách mặc cả với ông bà nội, chúng nghĩ chúng là con trai nên mới là “cháu đích tôn”, coi thường em gái, không muốn ông bà nội nhận thêm đứa cháu gái nữa. Trẻ con nông cạn thì phải chịu, chứ người lớn cũng “sợ” chúng mà không dám làm những điều đúng với lương tâm mình thì hơi tiếc. Hạnh phúc hay bất hạnh là do chính chúng ta tạo nên. Mong anh chị suy nghĩ lại và có những việc làm tích cực để cuộc sống gia đình trở nên yên vui…

Hai vợ chồng người khách ra về với câu hỏi: “Vợ chồng chúng tôi nghe lời chú, tuần tới sẽ ra thăm con trai và con dâu, có khi phải xin lỗi nó chú nhỉ?”. Chuyên viên tư vấn cười, nói rằng: “Mất gì câu xin lỗi, cha mẹ xin lỗi con cháu là bình thường, nếu mình thấy điều ấy cần thiết thì anh chị cứ làm nhé!”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.