Chăm con tự kỷ tại nhà: Thử thách gian nan của nhiều gia đình

Chia sẻ

Việc phải ở nhà giãn cách dài ngày, không thể đến các trung tâm chuyên biệt để theo dõi, học tập là một trở ngại cho sự phát triển của các em nhỏ tự kỷ. Phải xoay sở 2 vai vừa làm thầy, vừa làm cha mẹ các em, với các bậc phụ huynh – cũng là một thử thách gian nan.

“Vật vã” chăm con mùa dịch

Thời gian Hà Nội giãn cách, bố mẹ vẫn phải đi làm, trung tâm dạy trẻ tự kỷ đóng cửa, Hưng quanh quẩn cả ngày với những trò chơi tự nghĩ: lúc thì ném đồ qua cửa sổ, khi thì xả nước trong nhà tắm, lúc lại chạy ra bấm thang máy...

Điều lo nhất là việc học tập của Hưng gián đoạn quá lâu, học online gần như không hiệu quả. Để duy trì những kỹ năng, thói quen mà con đang học, chị Lan – mẹ Hưng buộc phải mời giáo viên đến kèm tại nhà 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi 2 tiếng để giảm thời gian ở nhà một mình. Chi phí lớn, tăng khoảng gấp rưỡi trong đúng thời điểm giãn cách khó khăn khiến chị Lan rất lo.

Một buổi học tại trung tâm chuyên biệt dành cho các em nhỏ tự kỷMột buổi học tại trung tâm chuyên biệt dành cho các em nhỏ tự kỷ

Đang theo học tại trung tâm chuyên biệt và có nhiều tiến bộ thì phải nghỉ dịch ở nhà dài ngày, bé Bon, con trai chị Nhung (Long Biên, Hà Nội) gần như quên hết các bài học trên lớp. Cũng từ ngày Trung tâm thông báo cho con nghỉ học, chị Nhung phải xin nghỉ việc không lương để ở nhà trông con. Do không có nhiều kỹ năng để chăm sóc, can thiệp cho con tại nhà nên con chị chạy nhảy mất kiểm soát và ném đồ đạc lung tung. Chị Nhung sốt ruột, mong hết dịch để con đi học trở lại, con vừa được can thiệp để cải thiện hội chứng tự kỷ, vừa có chỗ yên tâm gửi gắm con để đi làm kiếm tiền lo cho gia đình, bởi dịch bệnh cũng khiến lương 2 vợ chồng bị cắt giảm nhiều.

Lo lắng về công việc, dịch bệnh, thu nhập rồi chăm sóc con... trong thời gian này khiến không ít phụ huynh có con tự kỷ cảm thấy căng thẳng, thậm chí bất lực, tuyệt vọng.

Nhiều gian nan với bố mẹ

Không phải đến những ngày giãn cách, mà kể cả ngày thường, cũng có lúc đã vào khuya, Thầy thuốc Ưu tú, bác sỹ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai (đơn vị đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực phát hiện sớm- can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ & tự kỷ ở Hà Nội) vẫn nhận được những cuộc gọi của phụ huynh xin được trợ giúp. Khi là vấn đề thuốc thang, khi là chuyện không kiểm soát được hành vi của con, “cháu nó cứ thế này, thế kia bà ạ”, hay là những lời đề nghị khẩn thiết của phụ huynh: “Hay bà cứ mở một lớp tạm thời đi, con đưa cháu đến học chứ ở nhà không trông nổi”… “Thực tế ấy cho thấy rằng, trẻ tự kỷ có một đặc điểm là nghe cô hơn nghe bố mẹ - đây chính là trở ngại đầu tiên khi các bậc phụ huynh, trong thời điểm dịch bệnh, gần như phải tự chăm sóc các con tại nhà”, cô Lan bày tỏ.

“Việc phải ở trong nhà nhiều, không gian chật hẹp khiến trẻ em dễ cảm thấy bức bối. Với trẻ tự kỷ, các con càng thấy khó chịu hơn. Trẻ dễ cuồng chân tay, hay bức xúc, nghịch ngợm leo trèo, gây ra nhiều “thách thức”, chống đối bố mẹ hoặc người chăm sóc”, cô Lan cho biết. Một khó khăn nữa trong chăm sóc các trẻ đặc biệt tại nhà là các con chậm nhớ nhưng quên nhanh, ở nhà lâu không đến trường, các kỹ năng được các cô huấn luyện, dạy dỗ gần như quên hết, “kể cả thầy cô có kèm cặp qua online hay các nhóm zalo các bố mẹ cũng không thể hiệu quả bằng dạy trực tiếp được”. Đây là một sự nan giải cho cả phụ huynh và giáo viên, bắt buộc sau này khi các con đến trường trở lại, sẽ phải giảng dạy, huấn luyện lại từ đầu.

Ở nhà để giãn cách xã hội, không được đi lại cũng có thể ảnh hưởng tới giai đoạn phát hiện và can thiệp cho trẻ. Theo BS Đỗ Thúy Lan, giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là dưới 36 tháng tuổi, nếu qua giai đoạn này, các biện pháp can thiệp sẽ khó khăn hơn nhiều, các triệu chứng tự kỷ càng đi sâu và khó giải quyết. “Rất nhiều phụ huynh có con 2 tuổi rưỡi hoặc ngấp nghé 3 tuổi gọi cho tôi và lo “sốt vó”, vì không tìm được phòng khám nào mở cửa để đưa con đi can thiệp. Còn với chúng tôi, tư vấn can thiệp từ xa hoặc tại nhà cũng rất khó. Trẻ tự kỷ không thể tư vấn vài ngày là xong, các con có một thế giới rất riêng và để tương tác cần một thời gian dài và kỹ lưỡng.

Không phải là quá khi nói nghỉ ở nhà quá lâu là một thiệt thòi với các em nhỏ tự kỷ. Không được học các kỹ năng đúng cách, bài bản, bố mẹ nhiều khi còn chưa thấu hiểu tình trạng của các con khiến cả nhà cùng khổ.

Phụ huynh phải rèn tâm lý chấp nhận, kiên nhẫn 

Cô Đỗ Thúy Lan cho rằng, không có giải pháp nào là tuyệt đối thành công đối với chăm sóc nhóm trẻ đặc biệt này. Phụ huynh của các em cần rèn cho chính mình tâm lý chấp nhận, cố gắng chơi, chăm sóc và quản lý hành vi của con. “Một chút thay đổi cũng là thành quả lớn, đừng vì thế mà cảm thấy tiêu cực hay buông bỏ”, cô Lan phân tích.

Với trẻ đã theo học các trung tâm chuyên biệt và được phát hiện từ lâu, thời gian này, bố mẹ nên trao đổi thường xuyên với giáo viên về giáo án, các bài học kỹ năng cho con. Với trẻ mới phát hiện, cần nhớ rõ rằng mỗi trẻ có một cách biểu hiện khách nhau, phụ huynh cố gắng không chiều theo sở thích của con, như thế sẽ tạo thành tập tính không tốt. Nên tìm hiểu nhiều qua internet về cách ăn, chơi, tương tác cùng con.

Khó nhất khi chăm trẻ tự kỷ là dạy nói. Các con thường biết nói chậm, “đôi khi trẻ 2 tuổi nhưng tuổi ngôn ngữ mới là 8 – 9 tháng”, cô Lan cho biết. Nhiều phụ huynh chưa hiểu, thấy gì cũng dạy con nói mà không biết rằng khả năng ngôn ngữ và nhận biết của con còn chậm so với tuổi. Vì vậy, không nên dạy quá nhiều, sự tiếp thu phải dần dần từng chút một thì mới có hiệu quả.

“Tôi vẫn khuyên rất nhiều lứa phụ huynh có con học tại trung tâm rằng, không gì bằng bố mẹ cùng con kiên trì vượt qua các thử thách, giai đoạn can thiệp khó khăn. Các thầy cô sẽ luôn đồng hành cùng các gia đình trong cả hành trình phát triển của con, chứ không chỉ mỗi mùa dịch”, cô Lan nhắn nhủ.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.