Các bạn gái hãy kiến tạo môi trường an toàn, hạnh phúc cho mình

Chia sẻ

Tôi được sinh ra trong một gia đình thuộc vùng ngoại ô của thành phố Hà Nội. Nhà tôi có bốn người, bố mẹ tôi sinh được hai con gái là tôi và em gái tôi. Chắc hẳn đọc đến đây, nhiều người sẽ có ý nghĩ sao bố mẹ tôi không cố để kiếm thêm “thằng cu” nhỉ?”.

Đó cũng là câu nói ám ảnh cả tuổi thơ của tôi. Dù ở Hà Nội nhưng lại thuộc vùng ngoại ô nên xung quanh tôi vẫn còn những định kiến, hủ tục về chuyện sinh con trai, sinh con gái, hay con gái phải như thế này, thế kia. Bố tôi vốn là một người dễ tính, nhưng sống trong môi trường còn những hủ tục, những định kiến làm suy nghĩ của một người đàn ông thuần nông của bố dần thay đổi. Những lúc còn nhỏ, chuyện sinh con trai được bố nhắc nhiều và liên tục với mẹ đến nỗi nó ăn hằn sâu tiềm thức của cả tôi và đứa em gái kém tôi 5 tuổi. Gánh nặng việc sinh đẻ con trai càng đè nặng lên vai mẹ tôi khi các anh em của bố đều sinh được con trai.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc sống của gia đình tôi bắt đầu nặng nề và ít tiếng cười dần vì ý định sinh thêm con trai của bố tôi. Ở quê tôi, cứ cuối năm tất cả các con trai trong họ sẽ tập trung lại rồi ăn uống, các ông các bà gọi đó là “ăn họ”. Buổi tụ họp cuối năm này cũng là nỗi ám ảnh của bố. Bởi lẽ, những ai sinh được con trai thì sẽ được ngồi một mâm riêng. Điều này được bố tôi coi là nỗi xấu hổ của ông với cả họ. Nếu cuối năm là lúc cả nhà sum vầy, ấm cúng để cùng nhau đón năm mới thì bố tôi lại mặt nặng, mặt nhẹ vì vấn đề con cái khi đi ăn họ về. Với suy nghĩ của đứa trẻ còn học cấp 1, cấp 2 lúc ấy bản thân tôi không biết diễn tả cảm giác của mình ra sao, chỉ biết là nó rất buồn, thật sự là rất buồn và tôi đã khóc rất nhiều. Lớn hơn 1 tí thì tôi biết lúc đó mình khóc vì tủi thân, vì giận hờn, tự hỏi tại sao bố phải cần thêm một đứa con trai nữa? Chính vì điều đó mà bố tôi bắt đầu trở nên khó tính, cáu gắt và lạnh lùng với cả ba mẹ con tôi.

Nhiều người nói với mẹ “Sao không đẻ đi?”, “Còn trẻ thì cố nốt lấy thằng cu nay mai về già nó còn hầu hạ”… hay vô vàn những lời nói với mẹ mà lúc đấy có cả bố ngồi đấy. Bố thấy mọi người đều khuyên mẹ như vậy thì ông luôn cho rằng việc ông đòi hỏi 1 đứa con nữa là điều hiển nhiên và luôn đúng. Ấy vậy mà có ai chịu hiểu cho mẹ tôi – cho người đàn bà nhỏ bé đấy đâu. Mẹ vất vả sinh hai chị em tôi bằng phương pháp mổ đẻ. Mẹ kể đợt đẻ tôi bà vỏn vẹn chỉ 39kg, vết mổ đau đớn làm bà tưởng chừng sẽ không bao giờ mang thai nữa. Đến khi mang thai em tôi, vì đã mổ lần 1 nên đứa con thứ 2 bắt buộc phải đẻ mổ tiếp, lại phải đau đớn tiếp. Nghe mẹ kể mà tôi nhói tim vì thương mẹ vô cùng. Mẹ còn phải chịu đựng rất nhiều lời nói ra nói vào khi mẹ siêu âm em tôi là em gái, thậm chí người trong gia đình nội tôi còn chẹp miệng: “Thế là đẻ được một lũ con gái”. Tất cả những gì mẹ chịu đựng liệu có ai thật sự thấu cho nỗi đau của mẹ. Chính vì thế mẹ sợ phải sinh thêm lần 3, vì mẹ biết sức khỏe của mẹ không cho phép. Chính vì bất đồng quan điểm đó mà đỉnh điểm có 1 lần bố mẹ tôi đã cãi nhau rất lớn, bố đánh mẹ và hai người đã nhắc đến việc ly dị…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với những quan điểm của các bà “con gái giỏi giang đến mấy thì vẫn về nhì” hay “con trai không có học thì không lo không lấy được vợ”... tôi nhận thức rõ về giá trị con gái với mọi người quanh tôi là con số 0. Chính vì những gì diễn ra trong ngôi nhà đã từng rất hạnh phúc của tôi đã giúp tôi biết mình cần phải chứng minh được vị trí của mình trên cương vị là 1 đứa con gái. Nếu trước đây tôi ham chơi và nghịch ngợm thì tôi đã bắt đầu thay đổi: tôi chăm chỉ học, tìm tòi những kiến thức giúp trau dồi vốn sống và tận dụng mọi cơ hội để thể hiện thế mạnh của bản thân. Tôi bắt đầu tham gia vào các hội thảo, tọa đàm về các chủ đề như “Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ”, bản thân tích cực đóng góp các ý kiến, các sáng kiến... Tôi đã được đóng góp ý kiến về việc: Lắp thêm đèn ở các đoạn đường tối để các bạn nữ đi an toàn, đưa ra các biện pháp bảo vệ các bạn nữ... Tôi vinh dự được hội LHPN huyện Đông Anh tin cậy trao cơ hội làm đại diện tham gia một số sự kiện. Sau đó còn được lên truyền hình, được nhận giấy khen, được làm việc cùng các bạn ở Indonesia và Úc về vấn đề “An toàn trên không gian mạng”. Tôi dần chứng minh bản thân, có vị trí và tiếng nói nhất định ở trường học và các hoạt động mà tôi tham gia.

Những chương trình mà tôi tham gia, tôi đều mở cho cả nhà tôi xem, qua đó tôi như thầm khẳng định giá trị của mình. Tham gia hoạt động là thế nhưng bản thân luôn được học sinh giỏi, 3 năm cấp ba chưa bao giờ thứ hạng của tôi tụt khỏi top 3 của lớp. Và tôi chứng minh được tôi giỏi hơn nhiều bạn nam. Quả ngọt cũng đến ngày hái, thành tích của tôi được nhiều ông bà trong họ biết đến, và khi bố tôi đi ăn cỗ, hội họp đây đó thì bố đều được khen có 2 cô con gái xinh gái mà giỏi giang. Thái độ của bố dần thay đổi, và khi ngồi viết những dòng này tôi nhận ra lâu lắm rồi tôi chưa nghe thấy bố phàn nàn vì không có con trai nữa. Bố không còn đặt nặng vấn đề sinh con lên mẹ, bố lại quay trở về quan tâm mẹ như ngày nào. Bản thân tôi là nhân chứng sống cho mọi người thấy con trai hay con gái đều như nhau: đều bình đẳng, đều có thể giỏi giang, có tiếng nói và là niềm tự hào của gia đình. Tuy bản thân không có gì quá nổi bật nhưng tôi thấy bản thân cũng là động lực cho các em gái xung quanh tôi tự tin khoe tài năng của mình hơn, tự tin tham gia các hoạt động chung để thể hiện bản thân của các bạn ấy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Qua câu chuyện của bản thân tôi, thật sự tôi muốn truyền cảm hứng cho tất cả các bạn nữ. Để thay đổi một quan niệm, một định kiến từ xưa không dễ dàng. Nhưng chúng ta không thể để cuộc sống của mình bị những thứ đó trói buộc, chúng ta phải hành động để thay đổi từ những việc nhỏ nhất trước. Hãy trở thành cô gái rạng ngời sức sống trong thời đại công nghệ 4.0. Khi đó mọi người tự nhận thấy con gái cũng rất giỏi giang, có vị thế trong xã hội. Vì nếu có được bình đẳng thì chắc chắn chúng ta sẽ được sống trong hạnh phúc, trong sự an toàn và lành mạnh. Hãy cố gắng! Cố gắng vì tương lai của mình, vì môi trường sống của mình. Tôi làm được thì chắc chắn các bạn cũng làm được!

Ngô Thị Linh Chi
trường THPT Vân Nội, Đông Anh

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.