Một dự án làng nghề dở dang gần 14 năm

Chia sẻ

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lương, làng nghề mây tre đan xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên nhiều năm xuất khẩu sản phẩm trực tiếp đi các nước châu Âu, Mỹ… Do nhu cầu về mặt bằng sản xuất, gia đình bà đã làm thủ tục để thực hiện dự án “Sản xuất và kinh doanh mây, tre, cói và guột xuất khẩu”.

Trình bày với báo Phụ nữ Thủ đô, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương cho biết: Do nhu cầu mở rộng quy mô phát triển rất cần mặt bằng sản xuất, năm 2008, tôi đã làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho thực hiện dự án “Sản xuất và kinh doanh mây, tre, cói và guột xuất khẩu”, đứng tên con trai là Trần Văn Hiện, địa điểm tại cánh đồng 17 mẫu, thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên (khi đó là tỉnh Hà Tây). Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân và đại diện ban, ngành. Qua đó, thống nhất đồng ý, làm các văn bản, trích nghị quyết và làm tờ trình lên UBND huyện Phú Xuyên chấp thuận dự án.

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mây tre đan của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Lương giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao độngDoanh nghiệp sản xuất sản phẩm mây tre đan của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Lương giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động (Ảnh: Vân Nga)

Ngày 19/2/2008, liên ngành huyện (Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, NN-PTNT, chi cục thuế, ban GPMB huyện, Ban Quản lý dự án và UBND xã Phú Túc) đã có văn bản thẩm định, đề nghị chấp nhận và đồng ý cho thuê đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau đó nhà nước có dự án làm đường Đỗ Xá-Quan Sơn chạy qua phần đất dự án này nên phải tạm dừng. Nhưng đến đầu năm 2009, đất dự án lại không thuộc dự án làm đường nữa do có thay đổi.

Vì vậy, ngày 3/9/2009, các cấp chính quyền huyện, xã và thôn đã họp và thông qua cho gia đình bà Lương tiếp tục thực hiện dự án để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề. Sau khi hoàn thiện hồ sơ theo quy định, dự án lại tiếp tục được UBND huyện phê duyệt đồng ý ngày 16/9/2009 (tại Quyết định số 2992/QĐ-UBND), trong đó ghi rõ: “Phê duyệt chấp nhận và đồng ý cho thuê đất thực hiện dự án của hộ sản xuất kinh doanh do ông Trần Văn Hiện làm chủ, với diện tích là 7.000m2”.

Theo bà Lương, thời điểm đó, do khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, UBND huyện Phú Xuyên đã hướng dẫn gia đình tự đi thỏa thuận với các hộ dân có đất trong khu vực thuộc dự án. Vì vậy, gia đình đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc đi thỏa thuận với các hộ có ruộng nằm trong dự án và được các hộ đồng thuận chuyển nhượng, tổng diện tích 2.400m2 (trong đó có 720m2 đất của gia đình). Tuy nhiên, ngày 20/6/2010, bà Nguyễn Thị Xuyến, Bí thư chi bộ thôn Lưu Thượng và chính quyền thôn Lưu Thượng chia 402m2 đất đã được cấp sổ đỏ đã nằm trong dự án của bà Lương cho gia đình ông Nguyễn Văn Tha để cấy lúa. Bà Lương cho rằng: “Đây là cái sai đầu tiên đã cản trở dự án thực hiện. Vì thế, hơn 1 năm sau, ngày 4/7/2011, UBND huyện Phú Xuyên có công văn số 94 yêu cầu trả lại diện tích đất của gia đình bà Lương và kiểm điểm cán bộ thôn Lưu Thượng”.

Tiếp theo, gia đình bà Lương làm đầy đủ hồ sơ theo quy định, xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngày 12/12/2011, UBND huyện Phú Xuyên ban hành Quyết định số 7184/QĐ-UBND với diện tích là 7.000m2, giao giai đoạn 1 là 2.400m2 đất của gia đình đã chuyển đổi và chuyển nhượng của các hộ có ruộng nằm trong dự án. Cuối năm 2012, khi UBND xã Phú Túc dồn ô đổi thửa, gia đình bà Lương gửi rất nhiều đơn xin thực hiện dự án và giữ nguyên hiện trạng đất của 2.400m2 trong dự án, nhưng lại không được giải quyết. 

Năm 2015, gia đình bà Lương có đơn kêu cứu và được UBND TP ra nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết. Đến năm 2017, UBND TP Hà Nội đã làm rõ việc dồn điền đổi thửa là sai phạm. Vì vậy, ngày 4/7/2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội có Nghị quyết số 15-NQ/TU giao cho Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên trực tiếp chỉ đạo giải quyết dự án này, theo Quyết định số 7184/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 của UBND huyện Phú Xuyên, nhưng UBND huyện lại không giải quyết dự án về đúng vị trí cũ. 

Bà Lương cho biết: “Sau chừng ấy những khó khăn đã vượt qua, chúng tôi tiếp tục gặp thêm trắc trở vì tại quyết định số 2954/QĐ-UBND ngày 15/06/2018, UBND TP Hà Nội lại cho chủ đầu tư thực hiện Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc chùm lên đất dự án của gia đình tôi”.

Song đến ngày 18/10/2018, UBND huyện Phú Xuyên đã tổ chức cuộc họp 3 cấp (huyện, xã, thôn) và chủ đầu tư dự án CCNLN Phú Túc. Tại đây, đã thống nhất được vị trí dự án gia đình bà Lương được chuyển về giáp sau công ty Phú Tuấn và nêu rõ: “UBND huyện, các ngành chức năng, UBND xã Phú Túc và Chủ đầu tư CCNLN Phú Túc phối hợp với gia đình bà Nguyễn Thị Lương hoàn thiện hồ sơ dự án riêng. Thời gian quyết định bàn giao mặt bằng cho hộ bà Lương là 2 tháng”. Từ đó, gia đình bà Lương đồng ý chuyển về vị trí mới. 

Tuy nhiên, đến ngày 20/2/2019, UBND TP Hà Nội có văn bản số 1360/VP-ĐT đồng ý chủ trương kiến nghị của Thanh tra TP tại công văn 347/TTTP-P2 ngày 18/1/2019 có đề xuất gia đình bà Lương được thực hiện một dự án riêng, chỉ chung hạ tầng. Gia đình bà Lương đã làm đầy đủ hồ sơ chuyển đổi mục đích dự án mới. Thế nhưng, dự án vẫn chưa được triển khai. 

Hơn 1 năm sau, ngày 27/03/2020, UBND TP Hà Nội có văn bản số 2649/VP-KT đề nghị công ty Phú Minh liên hệ với Sở Công Thương điều chỉnh Quyết định 2954/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 15/6/2018.

Bà Lương cho biết: “Từ năm 2021, UBND TP lại không cho tách dự án này ra, yêu cầu gia đình tôi phải bỏ cả 2 dự án và ký thu hồi đất, thu hồi sổ đỏ của gia đình giao cho chủ đầu tư và thuê lại đất qua chủ đầu tư. Trong khi, theo Điều 45, Điều 52, Điều 57, Điều 59 của Luật Đất đai 2013 thì 2 dự án của gia đình tôi đều được phép chuyển đổi mục đích và đang có hiệu lực”. Vì vậy, ngày 18/5/2021, gia đình bà Lương tiếp tục gửi đơn lên UBND huyện Phú Xuyên, UBND TP Hà Nội rằng không đồng ý ký thu đất, nhận tiền đền bù và thuê qua chủ đầu tư.

Như vậy, gần 14 năm nay, để có mặt bằng sản xuất sản phẩm thủ công mây, tre, cói và guột xuất khẩu, gia đình bà Lương đã làm rất nhiều thủ tục, thành phố, huyện và các ngành đã có nhiều văn bản nhưng đến nay dự án này vẫn mắc kẹt, đang rất cần được giải quyết thỏa đáng và dứt điểm.

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Xử lý “nửa vời" vi phạm ở bãi tập kết than, cát

Xử lý “nửa vời" vi phạm ở bãi tập kết than, cát

(PNTĐ) - Liên quan đến vấn đề vi phạm trong sử dụng đất đai và tự ý thành lập bến, bãi trung chuyển cát, than, vật liệu xây dựng tại xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm (Hà Nội), ngày 27/6/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài: “Siết chặt quản lý đất nông nghiệp vùng bãi ở Gia Lâm”. Gần đây, người dân tiếp tục phản ánh bãi than lại có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

Làng hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Người dân tiến thoái lưỡng nan

(PNTĐ) - Hàng chục hộ dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế nhà lạnh bảo quản hoa xây dựng trên đất nông nghiệp. Các hộ dân ở đây mong muốn được cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ tạo điều kiện cho giữ lại những cơ sở thiết yếu nhất để được ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản hoa khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?

(PNTĐ) - Dù chưa được cấp phép hoạt động, nhưng tại khu vực bãi sông thuộc thôn Hoà Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (còn được gọi là cảng Hòa Bình) có tới 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn, vẫn đang diễn ra hoạt động tập kết, trung chuyển than, cát rầm rộ gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.
Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

Quyết định hành chính sai, người dân và doanh nghiệp lao đao!

(PNTĐ) - 16 năm trước, dự án Nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đồng Quang thuộc địa bàn 2 xã Đồng Quang và Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội từng được gọi là “siêu dự án” với kỳ vọng đổi thay diện mạo cả vùng. Song đến nay, dự án này vẫn đang dang dở, nhiều vướng mắc liên quan đến các sai phạm chưa được tháo gỡ, còn người dân thì thắt lòng chờ đợi “bờ xôi ruộng mật” nay để hoang phế.