Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục rà soát quy định về dạy thêm, học thêm

THU GIANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó yêu cầu phải rà soát, nắm bắt các ý kiến băn khoăn với quy định mới về dạy thêm, học thêm.

Tháng 12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29 về dạy thêm, học thêm. Trong đó, điểm mới là trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm, và phải miễn phí, gồm: Nhóm có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp.

Thông tư 29 cũng quy định, giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình. 

Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục rà soát quy định về dạy thêm, học thêm - ảnh 1
Tháng 12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29 về dạy thêm, học thêm. 

Theo Văn phòng Chính phủ, quy định này nhận được nhiều sự đồng tình song còn không ít băn khoăn.

Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm là do chương trình học tập còn nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến.

Hiện nay chương trình, sách giáo khoa, kỳ thi tốt nghiệp THPT, cách xét tuyển đại học đều mới, tỷ lệ "chọi" vào các trường đại học uy tín ngày càng khốc liệt. Học chỉ để phục vụ các kỳ thi nên dạy thêm, học thêm sẽ còn biến tướng.

Dư luận có ý kiến về lâu dài, khi chương trình không nặng chuyện thi cử, dạy theo đúng tinh thần phát huy năng lực, phẩm chất của người học, dạy thêm, học thêm sẽ trở về đúng bản chất xưa kia. Học sinh thấy thiếu hụt kiến thức gì hoặc muốn giỏi thêm nữa mới đi học thêm.

Trước các ý kiến trên, Phó thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát, nắm bắt thông tin phản ánh để kịp thời có giải pháp xử lý. 

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết dạy thêm, học thêm là nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng.

Tuy nhiên, thực tế có tình trạng học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Điều này cũng dẫn đến tình trạng học sinh ken đặc lịch học từ sáng đến khuya.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quy định mới về dạy thêm, học thêm nhằm tránh tình trạng trên, để học sinh có thêm thời gian trau dồi các kỹ năng sống khác.

 

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

(PNTĐ) - Hà Nội hiện có 1.160 trường mầm non với hơn 495.000 trẻ, gần 70.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Học kỳ I, cấp học mầm non Thành phố đã thực hiện tốt chủ đề năm học của cấp học mầm non Hà Nội “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - hạnh phúc”.
3.803 thí sinh đạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025

3.803 thí sinh đạt giải Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông (THPT) năm học 2024-2025 được tổ chức vào các ngày 25 và 26/12/2024. Cả nước có 6.482 thí sinh dự thi, tăng 663 thí sinh so với năm học 2023-2024. Kết quả, Hội đồng chấm thi đã chọn được 3.803 thí sinh đạt giải, chiếm 58,68% tổng số thí sinh dự thi.