Tốt cho trường, lợi cho thí sinh

Chia sẻ

Thí sinh ảo - nỗi ám ảnh của nhiều trường đại học nhiều khả năng sẽ được tháo gỡ khi đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường (gọi tắt là nhóm GX).

Phương thức loại bỏ thí sinh ảo
“Thế giới có nhóm G7 thì năm nay, các trường đại học (ĐH) ở phía Bắc cũng có nhóm G10, G20”. PGS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã nói vui như thế khi mô tả về lợi thế và “sức mạnh” của phương án tuyển sinh theo nhóm trường ĐH. Đến nay, nhóm GX đã có sự tham gia của 10 trường lớn là các trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Mỏ - Địa chất, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải và Học viện Ngân hàng. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đảm nhiệm vai trò chủ trì thực hiện đề án. Một số trường ĐH khác như: ĐH Thương Mại, Học viện Bưu chính viễn thông… cũng đang xem xét việc “gia nhập” nhóm. “Chúng tôi đặt tên nhóm là GX vì X là ẩn số về số thành viên của nhóm sau này” - PGS Trần Văn Tớp cho biết.
 
Tốt cho trường, lợi cho thí sinh - ảnh 1
Năm nay, thí sinh có thêm lựa chọn mới: đăng ký xét tuyển ĐH theo nhóm ngành
 
Tuyển sinh theo nhóm trường là điểm rất mới, lần đầu tiên được áp dụng trong mùa tuyển sinh 2016. Nói một cách dễ hiểu, khi chấp nhận tuyển sinh theo nhóm, các trường thành viên, thay vì đưa ra các phương thức tuyển sinh khác nhau, sẽ cùng tự nguyện cam kết thực hiện một phương thức xét tuyển chung duy nhất là dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 (không xét tuyển theo học bạ). Phương thức tuyển sinh được xây dựng trên tinh thần tuân thủ chặt chẽ quy chế tuyển sinh hiện hành và đề cao trách nhiệm của tất cả các trường đối với thí sinh và xã hội. Khi tham gia vào nhóm GX, tất cả các trường ĐH đều sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường ĐH chủ trì (ĐH Bách khoa) quản lý. Các trường trong nhóm có trách nhiệm cung cấp cho trường ĐH Bách khoa dữ liệu về nhóm ngành, chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển, ngưỡng điểm xét và tiêu chí phụ (nếu có) trong thời gian quy định. Nhóm GX cũng áp dụng chung cách tính điểm xét, cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành và áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Phương thức xét tuyển này được thực hiện cho xét tuyển đợt 1 và tiếp tục cho các đợt xét tuyển bổ sung theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (theo tình hình tuyển sinh của các trường).
 
Theo PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, Bộ hoan nghênh và ủng hộ các trường ĐH tuyển sinh theo nhóm, vì phương thức này sẽ loại bỏ tình trạng thí sinh ảo. Lý do là khi đăng ký xét tuyển theo nhóm trường, thí sinh chỉ được tham gia xét tuyển với các trường trong nhóm. Thông qua việc dùng chung phần mềm tuyển sinh, các trường ĐH có thể biết thí sinh nào đã trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ không được xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo. Vì thế trường không còn bị động ngồi chờ thí sinh ảo. “Bộ GD-ĐT rất mong cách tuyển sinh của nhóm GX sẽ thành công để rút kinh nghiệm và nhân rộng nhiều nhóm khác ở những năm tiếp theo” - ông Nghĩa nói.

Tăng cơ hội trúng tuyển
Theo khẳng định của nhóm GX, việc tuyển sinh theo nhóm không chỉ tốt cho trường mà còn có lợi cho cả thí sinh. PGS Trần Văn Tớp phân tích: “Theo quy chế tuyển sinh của Bộ, năm 2016 thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường ở đợt 1 và 3 trường vào các đợt bổ sung, mỗi trường chỉ được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng. Trong khi đó, nếu đăng ký xét tuyển theo nhóm GX, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4, 3, 2 trường ĐH (nếu mỗi trường đăng ký 1 nguyện vọng), cũng có thể đăng ký vào 3, 2 trường ĐH miễn là không vượt quá 4 nguyện vọng theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Điều này đồng nghĩa với việc, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH hơn. Đề án của nhóm GX cũng rất linh hoạt khi cho phép thí sinh vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm GX. Ngoài ra, vì đã liên kết thành nhóm thống nhất nên thí sinh có thể nộp phiếu đăng ký xét tuyển tại bất kỳ trường nào trong nhóm thay vì phải nộp tại đúng trường muốn xét tuyển.
 
Theo ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi: “Trước kia tình trạng thí sinh ảo khiến điểm chuẩn của nhiều trường ĐH cũng “cao ảo”. Trong khi đó, thí sinh có điểm sát với mức điểm chuẩn thật của trường lại bị trượt. Nay, điểm chuẩn không còn bị ảo sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển”.  
 
Hiện nay, nhóm GX đang tiếp tục “kết nạp” thêm thành viên mới nếu trường đó tự nguyện tham gia cũng như chấp nhận “nội quy” của đề án. Thời gian các trường đăng ký tham gia nhóm trước ngày 22/4. Sau đó, nhóm sẽ thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh để chỉ đạo thực hiện các khâu kỹ thuật của công tác xét tuyển. Theo ông Kim, trước thời điểm bế giảng năm học 2015-2016, nhóm GX dự kiến đưa thông tin quảng bá tới các trường THPT ở phía Bắc để có nhiều HS biết về hình thức tuyển sinh mới này.
 
Lưu ý khi đăng ký xét tuyển vào nhóm trường
Để đăng ký xét tuyển theo nhóm trường, thí sinh phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, thỏa mãn quy định của Bộ GD-ĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Khi thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.
Thí sinh đăng ký vào nhóm trường phải dùng mẫu đăng ký xét tuyển riêng. Thí sinh tải mẫu được đăng trên trang mạng của các thành viên trong nhóm để tự khai.
Trung Thu (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội công bố thành lập trường THCS Giảng Võ 2

Hà Nội công bố thành lập trường THCS Giảng Võ 2

(PNTĐ) - Chiều 17/5, quận Ba Đình tổ chức Hội nghị công bố, quyết định thành lập Trường THCS Giảng Võ 2 và trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng. Trường THCS Giảng Võ 2 (quận Ba Đình) được thành lập trên cơ sở tách Trường THCS Giảng Võ để hướng tới xây dựng trường chất lượng cao.
Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

(PNTĐ) - Chiều 17/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chương trình Tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật. Trước đó, ngày 13/5/2024, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
Thủ tướng chỉ thị tăng cường, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng chỉ thị tăng cường, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

(PNTĐ) - Để tổ chức tốt Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.
Giúp con thích đọc sách chữ

Giúp con thích đọc sách chữ

(PNTĐ) - Sách đã giúp chị Phạm Hạnh (Quảng Ngãi) bước sang một trang mới, tích cực, hiểu biết và phát triển bản thân hơn. Chị đã quyết định đầu tư cho mình và gia đình một kệ sách và giúp con yêu từng trang sách chữ.