Bao giờ bố mẹ mới được “nghỉ hưu”?
(PNTĐ) - Dù ông bà đã được Nhà nước cho nghỉ hưu sau bao nhiêu năm cống hiến, làm việc, nhưng hơn chục năm nay, con cháu vẫn chưa công nhận chế độ nghỉ hưu của họ. Chúng vẫn tiếp tục “tuyển dụng” ông bà hết vị trí này đến vị trí khác, khiến cuộc sống già của họ chẳng có ngày được an nhàn.
Bà về hưu đầu năm thì giữa năm ông cũng được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ sau bao nhiêu năm làm việc, cống hiến. Kế hoạch sống già sau khi về hưu, ông bà cũng đã có tính toán trước đó. Họ còn một mảnh đất và ngôi nhà ở quê của bố mẹ và tổ tiên để lại. Vì vậy, ông tính, lo xong việc dựng vợ gả chồng cho con cái xong, hai vợ chồng sẽ về quê sống già, vui vầy với vườn tược và hàng xóm láng giềng. Do đó, khi gả chồng cho con gái út xong, ông bà bàn giao lại ngôi nhà ở thành phố cho vợ chồng con trai rồi dùng số tiền tiết kiệm bao nhiêu năm về quê sửa lại ngôi nhà cũ và chuyển về đó sống.
Thời gian đầu chuyển về quê sinh sống, ông bà rất hài lòng. Cảnh quê yên tĩnh, có vườn rau, ao cá để ông bà vừa lao động cho vui, lại vừa có thực phẩm sạch để dùng. Thêm vào đó, hàng xóm quây quần, tình quê ấm áp khiến đời sống tinh thần của ông bà trở nên phong phú. Cứ ngỡ, cuộc sống già của họ sẽ như vậy mà bình yên cho đến cuối đời. Thế nhưng, nó chỉ bắt đầu được khoảng một năm thì dừng lại bởi các con có nhu cầu “tuyển dụng” bố mẹ vào các công việc mà chúng cần người hỗ trợ.
Đầu tiên là việc vợ chồng con trai sinh con, sau một tháng lên phố chăm sóc con dâu ở cữ, bà đang định thu xếp về quê thì chúng gọi điện về cho ông bảo “mượn” bà khoảng 1 năm, khi nào cháu cứng cáp đến tuổi đi nhà trẻ được thì chúng sẽ “trả” bà về cho ông. Các con cần mình chẳng nhẽ không giúp nó, điều kiện kinh tế của chúng cũng không khấm khá để thuê giúp việc. Thế là, bà đành tạm xa ông để ra phố... trông cháu.
Bà trông hai đứa con cho vợ chồng con trai xong thì đến con gái sinh con. Thương đứa này thì cũng phải thương cả đứa kia, bà lại khăn gói sang nhà con gái để “làm việc” trông cháu tiếp. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, bà được con cái “tuyển dụng” vào vị trí “quản gia trông cháu” cũng gần 10 năm. Lúc cháu nhỏ còn bú sữa mẹ thì bà “cắm bản” ở phố. Lúc cháu đến tuổi cai sữa, bà đưa cháu về quê vài tháng với ông cho vui rồi lại theo cháu ra phố cho đến khi từng đứa đủ tuổi đi lớp.
Gần 10 năm “làm việc” cho vợ chồng con trai và con gái, bà ngược xuôi chạy đi chạy lại giữa ba nhà: Nhà mình ở quê, nhà con trai, nhà con gái. Vất vả nhiều, bà cũng chẳng dám than vãn bởi nước mắt luôn chảy xuôi, con cháu vất vả, phận làm mẹ, làm bà chẳng thể ngồi yên không lo. Nhất là sau đợt dịch Covid-19, công việc của các con bị ảnh hưởng, đứa mất việc, đứa giảm thu nhập, kinh tế nhà nào cũng khó khăn. Vậy là ông bà chẳng thể nào đứng ngoài sự khó khăn đó của con cháu.
Những ngày ra thành phố trông cháu, ông ở nhà một mình buồn đành lấy việc trồng rau, nuôi gà, thả cá làm vui. Những thứ đó trồng ra, nuôi lớn, ông gửi ra phố cho vợ con dùng. Từ đó, cả vợ chồng con trai lẫn con cái có nguồn thực phẩm sạch của bố ở quê cung cấp cho, vừa đỡ được bao nhiêu kinh tế lại vừa đảm bảo chất lượng. Các con dùng ngon, đến cơ quan, hay gặp bạn bè cứ khoe chuyện mình có nguồn thực phẩm ở quê bố tăng gia vườn, ao, chuồng gửi lên cho.
Ban đầu, bạn bè, đồng nghiệp hóng chuyện cho vui, sau đó thì bảo lúc nào ông gửi đồ lên thì “nhờ” ông mua hộ cho một ít luôn. Ông mát tay, vườn rộng, ao rộng nên trồng thêm luống rau, nuôi thêm đàn gà, thả thêm lứa cá giống cũng tiện. Vì thế, con gái và con dâu ông lại nghĩ ra chuyện ăn không hết thì bán “hộ ông”. Phần ông cũng nghĩ làm cho vui, nhưng sau đó thì đám con cái lại thấy có mối lợi kinh tế trong đó. Thế là, chúng bàn ông tăng gia thêm để kinh doanh thực phẩm sạch. Hết con gái đến con dâu, thỉnh thoảng, chúng lại về quê quay vườn ra, ao cá, chuồng gà của ông lên mạng xã hội để quảng cáo thực phẩm sạch “nhà làm”. Có khách hàng mua đồng nghĩa với việc ông cũng bận rộn trồng trọt, chăn nuôi nhiều hơn trước.
Khi kinh tế các con khó khăn, công việc bán thực phẩm sạch ông làm ra lại là giải pháp tháo gỡ cho chúng bấy giờ. Con dâu và con gái ông lập trang bán hàng online, và nguồn cung cấp hàng từ vườn, ao, chuồng của ông và một số người thân họ hàng ở quê. Vậy là ông vừa trồng trọt và chăn nuôi và làm đầu mối gom thực phẩm ở quê để chuyển ra thành phố cho các con bán. Công việc đem lại lợi nhuận khá nên các con càng ham, càng khiến ông phải lao vào làm cùng chúng nhiều hơn.
Hai năm nay, mấy đứa cháu đi học hết, bà không còn phải ra phố trông cháu nữa, nhưng về quê rồi, bà vẫn không được nghỉ vì còn phải phụ ông gom hàng thực phẩm ở quê để gửi ra thành phố cho các con bán. Sáng nào, hai ông bà cũng lọ mọ dậy sớm như nông dân thực sự, nào thì tưới rau, nào thì cho gà ăn, nhặt trứng vịt đẻ đêm qua. Nếu có rau nhà trồng đến lứa bán thì hái vào, đóng bao gửi ra phố cho các con bán. Nếu ra vườn nhà chưa đến lứa thu hoạch thì lại đi gom từ vườn người quen. Tối nào, ông cũng phải lọ mọ đọc cho bà ghi số lượng rau, củ quả mà các con cần gom hàng.
Thời đại công nghệ, cái gì cũng quay video lên đưa lên mạng thì nhiều người mới biết đến. Thế là, mấy đứa con lại về “tập huấn” cho ông bà cách quay video lúc ông tưới vườn rau, lúc bà nhặt trứng gà trong ổ, lúc nhờ người trèo lên cây hái mít, hái dừa trong vườn nhà xuống. Nhờ mấy cái video chân thật đó mà hàng nông sản của ông bà luôn được khách hàng trên phố rất tín nhiệm. Vì vậy, công việc buôn bán của mấy đứa con trên phố ngày càng đắt hàng hơn.
Thương con, thương cháu thật nhưng sức khỏe có hạn, làm lụng nhiều đôi khi khiến ông bà mệt rũ nhưng cũng phải cố gắng. Ông bảo ở tuổi nghỉ hưu, họ cũng muốn được rảnh rỗi đi chơi, thăm thú các nơi, gặp gỡ bạn bè giao lưu như bao người, nhưng muốn mấy cũng phải gác lại tất cả bởi còn phải hỗ trợ con cháu. Thân làm cha mẹ, họ chẳng nỡ đứng ngoài mọi khó khăn, vất vả của chúng. Thỉnh thoảng bệnh già kéo đến mệt mỏi quá, ông bà nửa đùa nửa thật với mấy đứa con qua điện thoại: “Nhà nước cho bố mẹ nghỉ hưu rồi, còn các con bao giờ mới cho bố mẹ về hưu đây?”. Nhưng chúng nó vô tư rồi thành vô tâm, lần nào ông bà hỏi câu đó, chúng cũng cười bảo “còn lâu, chúng con mới để bố mẹ nghỉ hưu nhé! Bố mẹ mà nghỉ thì các con chết đói theo đấy”… Vậy là ông bà lại chẳng thể nào yên dạ mà buông việc để nghỉ ngơi, sống già theo ý mình.