Biến dữ thành lành

Chia sẻ

ĐSGĐ-Người xưa có câu: Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê. Nếu cứ kiên trì theo “bí quyết” này, đảm bảo các cặp vợ chồng sẽ không còn phải “tổn thọ” để cãi nhau với bạn đời.

 
Một điều nhịn, chín điều lành
 
Hẹn hò mãi, cuối cùng Linh và nhóm bạn cũng có thể gặp mặt chém gió. Thôi thì toàn là đàn bà có chồng nên đứa nào đứa nấy đều bận tối mắt tối mũi. Vì thế, các mẹ trẻ phải tranh thủ “đi phượt” ban trưa, tranh thủ lúc các con đi học, việc lại vãn để gặp nhau hàn huyên.
 
Sau màn chào hỏi dạo đầu, Linh bắt đầu khơi mào bằng việc than phiền về “lão chồng nhà này”. Chẳng là mới sáng ra, Linh và ông xã đã trục trặc. Chuyện nào có gì to tát: Ông chồng phải đi làm sớm trong khi xe máy của Linh lại để bên ngoài. Tưởng ông ý dắt xe ra sân cho vợ rồi mới lấy xe của mình ra, nào ngờ, chồng Linh chỉ “hẩy” xe vợ sang một bên để lấy lối “đi trước”. Đến lượt Linh ra khỏi nhà, thấy xe mình vẫn yên vị trong kho nên ba máu sáu cơn. Cô tức tốc gọi điện cho chồng, mắng anh là đồ vô tâm. Sáng ra, em dậy sớm, mua xôi mua phở cho anh ăn thì được.
 
Biến dữ thành lành - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Còn anh, có mỗi việc dắt xe ra cho vợ cũng không làm. Thôi, việc nhỏ thế mà không nhờ cậy được thì còn hy vọng gì vào khái niệm “chồng làm trụ cột” nữa. Nghe vợ cáu kỉnh, chồng Linh thanh minh rằng biết em đi lúc nào mà dắt xe ra. Trời đang mây đen thế kia, nhỡ khi đem xe ra sân mà đổ mưa thì có phải khổ không. Nghe vậy, Linh càng cú hơn, cô bảo chồng lý do lý trấu. Lười thì cứ nói thẳng là mình lười, còn bày đặt sống tâm lý. Chẳng biết có phải là sợ cơn tam bành của Linh hay không mà đến đây, chồng Linh vội gắt lên: Thôi nhé, anh đang bận làm việc cho kịp nộp đồ án. Sáng ra đã bị em gọi điện làm phiền về mấy cái chuyện linh tinh, cỏn con này thật là xui xẻo. Đoạn, anh tắt máy cái rụp còn Linh thì chỉ kịp ú ớ vì bất ngờ.
 
“Chúng mày xem, cái chuyện như thế mà lão ý bảo là cỏn con. Chán chưa?”-Linh thở hắt ra với đám bạn. Thực ra, lúc đầu đến đây, cô cũng không định đem mâu thuẫn gia đình ra làm đầu câu chuyện. Nhưng, trong bụng đang ấm ức nên cô cũng chẳng còn tâm trí đâu mà nói hươu nói vượn.
 
Cứ ngỡ chỉ nói vậy để trút bực, ngờ đâu, Linh lại đánh trúng tâm lý của cả nhóm. Thì ra, không chỉ có Linh mà hầu hết bạn bè cô đều ấm ức với chồng. Con bé Hạnh-ngày trước lấy được chồng làm đại gia, ở bên ngoài cứ tưởng nó có số sướng như tiên, vậy mà cũng chẳng “ấm áp” gì. Hạnh bảo: Chồng bây giờ là thế đấy. Này nhé, lão nhà tao đi công tác cả tuần, thứ 7 tuần trước mới về nhà. Lão ý định rủ mình đi ra ngoài ăn nhà hàng nhưng đúng hôm đó tao bị cúm, mệt không nhấc người lên được. Tưởng như vậy thì lão ý sẽ săn sóc thế nào. Nào ngờ lão ý úp luôn hai bát mỳ tôm, lão ý ăn trước một bát rồi bò  lên giường  ngủ luôn.
 
Ngày hôm sau, tao vẫn kêu mệt để xem lão ý xử lý thế nào. Thế là lão ý bảo thôi để sang tuần, em đỡ mệt anh đưa em đi chơi sau. Tao nghe mà ấm ức quá. Chẳng lẽ cái gì cũng phải nói toẹt vào mặt nhau. Lẽ ra ông ý phải hỏi em thích ăn gì để anh mua, em cần khám không để anh mời bác sỹ. Em đau ở đâu anh xoa bóp, em thích nghe nhạc không anh bật cho khỏi nhức đầu. Tức quá, tao mới nhắn luôn cái tin vào máy lão ý: “Sống với anh nhạt thếch ra. Anh làm em phát chán lên”. Ngờ đâu, vừa đọc xong tin, lão ý gào lên: “Cô tưởng chỉ mình cô chán sống với tôi hả. Tôi cũng thế. Cô nghĩ A nhưng nói B, bố ai mà hiểu được. Có giỏi thì đi tìm cái thằng người yêu  năm xưa mà sống chung”. Bị lão ý móc máy, tao cũng đốp luôn: “Á à, tôi yêu đấy nhưng từ ngày lấy anh, tôi rất chung thủy. Còn anh,  nhớ không, năm kia, anh đi với con bé nào. Tôi đã tha thứ cho anh mà anh không biết điều…”.
 
Biến dữ thành lành - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Nói đến đây, chợt Hạnh khựng lại và thú nhận: Hồi năm kia, lão ý có bồ nhưng… tao giấu chúng mày.
 
Cứ như vậy, buổi trò chuyện hôm đó trở thành nơi để các bà vợ “tố khổ” chồng. Người thì bảo chồng vừa lười vừa dốt, người thì chê chồng luộm thuộm lại gia trưởng. Có chị lại phàn nàn chồng đặt đâu ngồi đấy, cãi nhau mà cũng không biết đường ăn nói cho nên hồn. Tóm lại, trong mắt các bà vợ chồng toàn là một phe… không đáng sống.
 
Chỉ duy nhất một người-là Hoài-lớp trưởng năm xưa không kể tội chồng. Ngược lại, Hoài bảo: Tại sao các bạn cứ nhìn chồng xấu như vậy nhỉ. Thay vì phóng đại mâu thuẫn và tội lỗi của nhau, chúng ta thử làm ngược lại. Chúng ta hãy thu nhỏ nhược điểm của đối phương và phóng đại ưu điểm lên xem sao. Sau một hồi suy nghĩ, đám bạn của Linh gật đầu công nhận: ừ, thì kể ra lão ấy cũng có ưu điểm. Linh nói: “Thực ra, hôm đó cãi nhau với lão ý về chuyện dắt xe máy cũng hơi quá đáng. Bởi, lão nhà mình được cái cũng chăm sóc vợ con. Tan làm, lão ý không đi bia bọt mà về ngay giúp vợ lau nhà, lau cửa, dạy con học hành. Bình thường mình vẫn tự dắt xe máy ra nhưng chẳng hiểu sao hôm đó lại ba máu sáu cơn, chuyện nọ xọ chuyện kia thành ra cãi nhau lớn”. Sau đó đến lượt Hạnh. Cô cũng thừa nhận lúc bình tĩnh lại thấy mình cũng hơi vô lý. Mình ốm mệt nên chồng hẹn sang tuần đưa mình đi chơi, thế thì cũng phải thôi. Ấy vậy nhưng trong lòng muốn được chồng vỗ về, chăm sóc như… trẻ nhỏ mà ngại không dám nói nên mình tức tối. “Kể ra nếu muốn thì cứ nói toẹt ra để các lão ấy biết đường mà lần thì đâu có cãi nhau như thế”-Hạnh tự nói với bản thân.
 
Nhưng, trước khi có được chân lý này thì những ngày qua, Hạnh cũng chẳng sung sướng gì. Chẳng là đến bây giờ, đã 10 ngày rồi mà vợ chồng Hạnh vẫn không ai nhìn mặt ai. Chồng Hạnh tuyên bố Hạnh thật là nhỏ nhen. Việc anh chót “ăn nem” năm xưa, Hạnh đã hứa là quên vậy mà lại lôi lại để xỉ nhục chồng. Anh nói đã thế anh cũng chẳng cần giữ gìn nữa. Anh sẽ tung hê hết lên, sẽ lại cặp bồ để Hạnh biết mặt. Chẳng biết làm thế nào, Hạnh đành im lặng, bụng thầm mong chồng cô chỉ nói vậy cho đỡ tức thôi. “Biết thế lúc đó, mình chẳng ăn nói suy diễn nữa”.
 
Biến dữ thành lành - ảnh 3
Ảnh minh họa
 
Trong gia đình: Không có kẻ thua người thắng
 
Trong xóm nhỏ này, mọi người thường gọi vợ chồng cụ Vy là đôi uyên ương hạnh phúc nhất thế gian. Bởi, ở vào cái tuổi gần đất xa trời rồi mà cụ ông cụ bà vẫn như chim cu. Từ đầu ngõ đến cuối ngõ, chỉ trừ vợ chồng cụ Vy ra, những nhà còn lại mỗi năm cũng cãi nhau, lục đục tới vài ba bận.
 
Lạ quá, một cặp vợ chồng trẻ có lần đã mạnh dạn “giơ tay phát biểu” hỏi kinh nghiệm cụ Vy. Cụ cười móm mém rồi bảo một câu rất chi là chí lý: Trong gia đình không có kẻ thua, người thắng cháu ạ. Mình thiệt một tý để cho gia đình hạnh phúc thì cũng không có nghĩa là mình hèn kém hơn đối phương.
 
Rồi cụ bật mí: Sống với  nhau mấy chục năm, không chỉ nhiều mà rất nhiều lần các cụ mâu thuẫn, cãi vã. Chỉ có điều, thay vì để cho “thiên hạ cùng nghe”, các cụ lại “đóng cửa bảo  nhau” nên người ngoài cứ tưởng là các cụ đang hòa bình. “Tính ông cũng nóng nảy lắm, bực gì là cứ phải nói ra lời ngay. Nhiều khi nóng quá, nói thiếu suy nghĩ chẳng cần biết có làm tổn thương người nghe hay không”- cụ kể. “Nhiều lần bị ông ý mắng, lại còn đổ thêm tội không phải do mình gây ra, bà cũng giận lắm. Tâm lý con người ai mà chẳng muốn thanh minh, nói lại cho bõ tức.
 
Nhưng rồi lúc đó, bà nghĩ cãi nhau lúc này cũng đâu có được gì. Hai con gà chọi đang hiếu chiến, thì làm sao tỉnh táo mà lắng nghe nhau, lại chẳng đỏ mặt tía tai mà xông vào nhau ấy chứ. Bà bèn im lặng, chẳng nói gì, bỏ ra chỗ khác. Lát sau bình tĩnh, ông ý cũng hiểu là  mình đã sai. Thế là ông lại tìm bà để xin lỗi đấy”. Với các cặp vợ chồng trẻ, cụ Vy thường dặn khi có mâu thuẫn luôn phải giữ bình tĩnh, nói đúng, nói trúng vấn đề rồi nhưng quan trọng là chỉ nói đủ thôi. Nói để cho đối phương đủ nhận ra khuyết điểm là dừng, đừng có dồn người ta vào chân tường khiến người ta không chịu được, chẳng những không nhận lỗi nữa mà còn phản kháng lại. Rồi, cụ cứ nhắc đi nhắc lại rằng: Đã là vợ chồng thì đừng nghĩ đến thắng thua. Tát vợ một cái, quát chồng một câu cũng không thể hiện mình là anh hùng hảo hớn gì.
 
Nghe lời cụ, nhiều cặp vợ chồng trong xóm, khi gặp trục trặc, thay vì đổ thêm dầu vào lửa đã tìm nhiều cách để hóa giải. Bởi, quan trọng là họ vẫn còn muốn sống với nhau, không muốn phải tan cửa nát nhà vì con vì cái.
 
 “Chồng bát còn có lúc xô, nói chi đến con người. Vợ chồng cãi nhau là thường nhưng đừng để những khúc mắc đó làm ảnh hưởng tới những “mục tiêu” lớn hơn. Nếu đối phương có gì không phải, hãy góp ý chân thành chứ đừng vùi dập. Góp ý xong thì cho qua, đừng từ lỗi nhỏ mà hóa thành lỗi to hay dùng chính những lỗi đó để kết tội cả một con người”. Đó cũng là điều mà nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý muốn nói với các cặp vợ chồng.
 
     Yên Hòa

Tin cùng chuyên mục

Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.
Hè cùng con đọc sách

Hè cùng con đọc sách

(PNTĐ) - Đồng hành cùng con, nhất là vào thời gian hè là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Chị Trần Dung (Hưng Yên) vừa là mẹ, vừa là gia sư đã giúp con có mùa hè thoải mái nhưng vẫn bổ ích. Và cách chị chọn chính là trang bị cho con thói quen yêu thích đọc sách trong hè.