Bố mẹ hãy bỏ điện thoại xuống, dành thời gian cho con

Chia sẻ

PNTĐ-Dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị công nghệ đã hạn chế mối quan hệ, trao đổi trực tiếp giữa bố mẹ và con cái. Vậy đâu là giới hạn sử dụng thiết bị công nghệ của phụ huynh?

 
Bố mẹ hãy bỏ điện thoại xuống, dành thời gian cho con - ảnh 1
Đừng gần gũi với điện thoại hơn con trẻ

 
Các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, máy tính bảng… là một phần thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Phần lớn các gia đình hiện nay đều có một vài thiết bị điện tử nào đó, và đa phần các gia đình đó đều có nhu cầu sử dụng những thiết bị điện tử này rất cao. Có một thực tế là các bậc bố mẹ thường chỉ thấy lợi ích của việc sử dụng các thiết bị hơn là những mặt có hại. Một điều không hay là chúng có thể can thiệp vào sự giao tiếp với con và ảnh hưởng đến quan hệ giữa vợ-chồng, bố mẹ-con cái. Phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị điện tử, kiểm tra điện thoại liên tục đã trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều bố mẹ và điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự gắn kết tình cảm của gia đình mà còn là yếu tố tác động đáng kể đến khả năng học hỏi của trẻ.
 
“Chỉ cần để con một buổi với điện thoại thông minh mà xem, bạn sẽ thấy rất rõ những nguy hiểm của nó. Con gái của tôi, sau vài giờ xem clip trên điện thoại, khi bị mẹ yêu cầu trả lại thì thường tỏ ra nuối tiếc và cáu bẳn. Chưa kể, sau một khoảng thời gian tập trung với điện thoại, trông con rất đờ đẫn, trở nên kém linh hoạt, nằm ườn ra không muốn chơi đồ chơi hay đọc sách, có khi lại xem ti vi tiếp. Có một giai đoạn, con chỉ nhăm nhăm chờ bố mẹ dùng xong điện thoại là mượn, hoặc tranh thủ lúc bố mẹ ngủ trưa là ra ngồi máy tính. Con không còn hứng thú với những trò chơi cùng các bạn hàng xóm nữa. Chưa kể, còn bao nhiêu những nguy cơ từ thế giới mạng mà bạn không thể lường hết được…”, chị Thùy Dung, 36 tuổi có con gái vừa bước vào lớp 1, cho biết. 
 
Nhưng khi được hỏi ngược lại, rằng mình có tự kiểm soát được thời gian sử dụng điện thoại hay các thiết bị thông minh khác không, chị lại không trả lời được. Chị Dung thừa nhận, đã có những cuối tuần, cả nhà cùng nhau ngồi thư giãn ở quán café, vợ chồng chị chăm chú vào điện thoại của riêng mình. Giữa sự lặng im cúi đầu của hai người, cô con gái cũng lôi ra chiếc máy tính bảng, và cúi đầu như bố mẹ. “Có lẽ, con bé cũng có nhiều chuyện muốn nói. Nhưng chúng tôi quá bận rộn, ngày nghỉ thì ít, mà không cầm vào điện thoại thì cứ có cảm giác thiếu thiếu, không chịu được”.
 
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng, nguyên giảng viên Tâm lý học, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội), việc trang bị cho mỗi đứa trẻ một hay một vài phương tiện công nghệ là hết sức bình thường trong gia đình hiện nay. Chẳng hạn như sắm cho con điện thoại để có thể quản lý con được dễ dàng, trang bị cho con phương tiện hiện đại để con có thể thường xuyên nắm bắt được thông tin mới. Hoặc, có thể giúp con dễ dàng với việc học tập, tham gia các cuộc thi trên mạng, hoặc nhờ có công nghệ mà trẻ có thể liên hệ trực tiếp với thầy cô giáo để hỏi bài, tư vấn hoặc trao đổi bài với các bạn cùng lớp hoặc là chia sẻ, giao lưu…
 
Hay đơn giản là quẳng cho con chiếc điện thoại để con bớt mè nheo, ăn nhanh hơn. Tất cả những lý do đó đều hợp lý và cũng là mong muốn của các bậc phụ huynh. Song, thực tế việc hướng dẫn để trẻ sử dụng như thế nào cho phù hợp quả là khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu bố mẹ không tự đặt ra giới hạn sử dụng điện thoại cho mình, không xem nó chỉ là phương tiện hỗ trợ cho cuộc sống được thoải mái, hạnh phúc hơn, mà lại bị phụ thuộc vào nó, thì cũng chẳng thể mong đợi con cái mình tách khỏi.
 
“Thật sự thì điều này cũng không đến nỗi đáng lo ngại nếu như các thiết bị điện tử kia không chiếm hầu hết khoảng thời gian mà các thành viên gia đình đáng lẽ phải dành để chia sẻ và mang đến niềm vui cho nhau. Các bữa cơm từng được xem là khoảng thời gian mà các thành viên trong gia đình dành ra để ngồi bên nhau, trò chuyện, và không hề bị gián đoạn. Chính vì vậy, thay vì lúc nào cũng vùi đầu vào chiếc điện thoại, bố mẹ hãy để chiếc điện thoại xuống và dành thời gian để chơi đùa, trò chuyện và giao lưu cùng con. Thả con cho thiết bị công nghệ, có thể bố mẹ sẽ “rảnh tay” lúc này, nhưng về sau sẽ để lại nhiều tác động xấu…” - chuyên gia Nguyễn Văn Đồng khuyên.
 
Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.