Bố tôi giữ nếp nhà

Điệp (Toronto, Canada)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong gia đình tôi, phái nữ áp đảo với tỉ số 4-1, trong đó vị trí duy nhất thuộc về người đàn ông với vai trò trụ cột chính là bố tôi. Mặc cho sự đổi thay của nhân loại, bố vẫn có những quan niệm và hành động bất di bất dịch, nhằm giữ gìn nếp nhà và hướng chúng tôi tới việc kế thừa, bảo vệ nó.

Bố tôi giữ nếp nhà - ảnh 1
Bố tôi đang sơn lại tường nhà để đón Tết. Với bố, việc nhà là của chung mọi người chứ không phải của riêng phụ nữ. Ảnh: NVCC

Nếu như thời các cụ, ông bà ta thường sống tập trung nhiều thế hệ trong một nhà, thì ngày nay lại có xu hướng sống tách rời thành các “mái ấm nhỏ”. Sống riêng, ta sẽ ít “va chạm” nhau, nhưng không đồng nghĩa với việc ngưng dòng cảm xúc yêu thương, hay cắt đứt mối quan hệ huyết thống. 

Chúng tôi đã từng sống chung hạnh phúc một vài năm đầu khi tôi mới sinh ra. Thời gian sau có điều kiện hơn chút thì nhà tôi chuyển ra riêng một căn hộ nhỏ, thuận tiện hơn để đi học, đi làm. Bố dạy rằng việc nhà là của chung, phải biết chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Như là nếu mẹ nấu ăn thì bố sẽ rửa bát, còn đứa vẫn đeo cặp sách thì luôn được ưu tiên việc làm bài tập trước, rồi mới tới phụ giúp gia đình. 

Làm việc nhà không chỉ là việc trong nhà, nó bao gồm cả phạm vi xung quanh. Từ ngày biết cầm chổi, chúng tôi bắt đầu được dạy về cách giữ gìn vệ sinh trước sân, trong ngõ xóm, bắt đầu chấp nhận việc đôi khi sẽ phải dọn rác không phải do mình xả ra.

Cả tuần bận bịu là thế, nhưng cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật, bố sẽ chở mấy mẹ con qua thăm ông bà và cả đại gia đình lại tụ tập. Để mà so sánh với quá khứ thì điều thay đổi duy nhất chỉ là chúng tôi không ở chung dưới một mái nhà thôi. Cứ mỗi dịp hè, lễ, Tết là tất cả cùng về quê, chăm chút sửa sang cho mộ phần tổ tiên. Truyền thống ấy đã giúp cho tôi biết được cội nguồn của mình ở đâu, bố mẹ và ông bà mình đã đi lên như thế nào. 

Vào các lần gặp gỡ họ hàng, bố tôi luôn giới thiệu đây là ông A, bà B, với lòng tri ân sự giúp đỡ của họ với gia đình mình. Sau những cuộc hội ngộ ấy, mới thấy có quá nhiều người để biết ơn trong cuộc đời này, những người đã góp phần “sinh ra” tôi của ngày hôm nay, để tôi thấy được sự tử tế giữa người với người, để tôi tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn ấy trong cuộc đời mình.

Năm 18 tuổi, tôi rời nhà du học cùng đầy hoài bão, niềm tin và niềm tự hào của cả dòng họ. Là một đứa tự lập từ bé, tôi đã nghĩ rằng mình có thừa sự tự tin để lao ra đời một cách đầy bản lĩnh. Nhưng rốt cuộc thì vẫn có những góc khuất yếu đuối và những tình huống không thể tự giải quyết được. Những lúc ấy tôi luôn gọi về nhà, vì bố luôn muốn nghe về những điều tôi trải qua, rồi sau đó là cho lời khuyên và bài học tôi nhận được.

Thời đại công nghệ phát triển, bạn không cần phải tới nhà để gặp được một ai đấy, bạn có một chiếc điện thoại hay một chiếc máy tính, bạn có thể nhìn thấy nửa kia ở bất kì đâu. Và đó cũng là khi tôi bắt đầu hiểu rằng khoảng cách địa lý là một vấn đề.

Nhớ hôm ấy, mẹ tôi xin nghỉ làm bởi cảm thấy mệt trong người và chóng mặt. Mẹ hay đau đầu vặt, trước ở nhà tôi hay xoa bóp cho mẹ xong dán hai miếng nhỏ Salonpas bên thái dương. Giờ thì tôi bất lực nhìn mẹ trong cơn đau qua màn hình điện thoại, chỉ biết hỏi thăm qua loa rồi dặn mẹ uống thuốc, nhưng cũng có phần yên tâm vì bố ở nhà. 

Trước khi thêm trách nhiệm của một người cha, bố tôi cũng bắt đầu với vai trò là một người chồng. Và tôi tin rằng cho tới bây giờ thì người đàn ông ấy vẫn đang làm tốt điều đó. Dù tôi có ở đâu, bố sẽ vẫn biết cách chăm sóc, bảo vệ và là chỗ dựa vững chắc cho mẹ với các em.

Thật cảm thấy may mắn khi sinh ra trong một gia đình trọn vẹn, và chưa một lần thấy bố mẹ xảy ra “va chạm”. Chuyện cãi cọ, xích mích chỉ là lặt vặt, cũng không vì người ở ngoài hay chuyện đi làm mà mang về nhà trút lên nửa kia. Nhớ có lần giận nhau cả ngày chẳng ai nói với ai câu nào, “xui” sao hôm sau là 14/2, lại thấy bố mang về một bó hoa, rồi thấy mẹ cũng nhận, thế là “vết thương hở lại lành”. 

Bố dạy cho tôi biết bạo lực không phải cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Hồi bé nghịch ngợm, tôi bị phạt “ăn roi” như cơm bữa. Nhưng lớn dần, có lẽ bố không còn coi tôi là một đứa trẻ vì không hiểu chuyện mà phải dùng đòn gậy để uốn nắn. Tôi trở thành một thiếu nữ, cần sự đối xử lịch thiệp và lý lẽ hợp tình để thay đổi theo. Nhiều khi bố bảo không chấp con gái, nhưng tôi biết đấy chính là sự tôn trọng dành cho phe yếu thế và lòng tự trọng của một người đàn ông. 

Bởi tính cách thích sự ổn định, bố tôi có một công việc và một gia đình yên ấm. Đó là tại sao bố luôn cho tôi thấy mặt trái của việc khởi nghiệp. Thế nhưng lại không vịn vào cái lý do ấy để cản trở hay bắt ép con cái, đồng thời rất khuyến khích tôi tìm tòi, học hỏi những điều mới, chỉ là đừng quên những gì được dặn. 

Người xưa hay có câu “Mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ý nói từng gia đình sẽ có một đặc điểm riêng khác biệt, không ai giống ai hoàn toàn. Nhưng chung quy lại, vẫn là hướng tới xây dựng hạnh phúc tổ ấm, giữ chắc nền nếp, để dù có đi đâu, người ta vẫn luôn tìm thấy sự bình yên như ở nhà.

Dù cuộc sống có sự thay đổi và hòa nhập, nhưng “nếp nhà” hay những nét văn hóa gia đình vẫn nên được kế thừa và truyền lại cho các đời con cháu sau này. Đây cũng là cách để góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của văn hóa dân tộc Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những anh chồng kém tuổi ấm áp

Những anh chồng kém tuổi ấm áp

(PNTĐ) - Cưới “phi công trẻ” giờ không còn là chuyện hiếm vì độ tuổi không còn là rào cản trong hôn nhân. Với người trẻ, yếu tố quan trọng để họ gìn giữ hạnh phúc lâu dài là tính cách và thái độ sống.
Tôn vinh, lan toả nét đẹp gia đình Việt qua ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2024

Tôn vinh, lan toả nét đẹp gia đình Việt qua ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy và lan tỏa các giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; vận động hội viên, thanh niên tích các xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, văn minh.
Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ làm chủ cuộc đời

Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ làm chủ cuộc đời

(PNTĐ) - Những câu nói như “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, “con gái học nhiều để làm gì”… đã trở thành quan niệm định kiến, tạo nên rào cản vô hình đối với nhiều phụ nữ. Nhiều phụ nữ đã dũng cảm đứng lên khẳng định quyền làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi những định kiến xã hội vốn gò bó vai trò của họ trong suốt nhiều thế hệ.