Bước đi dài để người chuyển giới được thừa nhận
(PNTĐ) -Luật Chuyển đổi giới tính sẽ chính thức được Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2024 và lấy ý kiến thông qua vào tháng 5/2025. Trước khi luật được ban hành, nhiều người chuyển giới đã phải chung sống với những bất cập về mặt pháp lý và mong muốn có một bộ luật riêng.

Những nốt nhạc trầm
Trang, người chuyển giới nữ ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, cô nhận thấy sự khác biệt trong cơ thể mình vào năm học lớp 6, khi bắt đầu cảm thấy thích một bạn nam cùng giới và không thích con gái. Quãng thời gian học sinh, cô vẫn sống với hình hài là nam, mặc đồ nam, để tóc ngắn. Dù vậy, Trang đã thể hiện tính cách nhẹ nhàng như con gái nên thường xuyên bị bạn bè trêu là “bê đê”.
Năm 2017, Trang thực hiện phẫu thuật ngực. Việc phẫu thuật khiến cô cảm thấy tự tin hơn nhiều, đặc biệt là khi mặc quần áo. Cô cũng bắt đầu sử dụng hormone. Hiện nay, trông cô khá nữ tính, giọng nói cũng vậy nhưng tên và giới tính trên giấy tờ vẫn là nam. “Có lần, tôi đi du lịch bằng máy bay, hải quan khi xem chứng minh thư của tôi thì thắc mắc không tin vì tên và ảnh trong chứng minh thư khác với bên ngoài. Khi tôi đến bệnh viện công khám, ban đầu bác sĩ còn bảo con gái sao vào đây làm gì. Tôi vẫn thấy rất bất tiện trong các hoạt động cộng đồng” - Trang nói. Cô mong muốn Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính ghi nhận một số vấn đề để cuộc sống của cô và những người chuyển giới tốt hơn như: Quy định liên quan đến xâm hại, kỳ thị và phân biệt đối xử với người chuyển giới, đổi tên và giới tính trên giấy tờ…
Ngọc Anh, người chuyển giới nam đã lập gia đình, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ, khi đi làm, anh gặp không ít đánh giá từ phía nhà tuyển dụng chỉ vì ngoại hình và con người mình. Khi thực hiện các thủ tục hành chính, anh gặp khá nhiều trở ngại. Điển hình là quá trình đăng ký chứng minh nhân dân, đổi tên, trải qua nhiều lần bị từ chối và xuất trình thêm rất nhiều giấy tờ chứng minh thì thủ tục của anh mới được chấp nhận.
Năm 2021, Ngọc Anh được gia đình tổ chức đám cưới và quyết định sinh em bé bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, việc khai sinh cho bé chỉ có tên mẹ, quá trình nhập hộ khẩu bất cập và rườm rà.
Hay cặp đôi Phương - Hương người chuyển giới nam cho biết, cả hai quyết định sinh Gấu - Sóc - hai bé sinh đôi được thực hiện bằng phương pháp IVF. Khi vợ lâm bồn, phải mổ cấp cứu, anh đã không thể ký vào cam kết phẫu thuật mà phải nhờ đến bố vợ. Hụt hẫng hơn nữa là khi đi làm giấy khai sinh cho hai con phải để trống phần họ tên bố. “Trước đây, tôi nghĩ chẳng cần phải đổi tên, cũng không cần phải đổi giới tính, không cần đăng ký kết hôn cũng được, tôi vẫn ổn. Nhưng khi đối diện với việc con không có tên cha trong giấy khai sinh, tôi mới nhận ra, chỉ khi được công nhận về giới tính thì mới có thể bảo vệ được hai con của mình trọn vẹn nhất” - Phương cho biết.
Giấc mơ được hạnh phúc, được thừa nhận
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,3% đến 0,5% dân số. Hiện nay, đã có 72 quốc gia thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp bằng việc quy định quyền chuyển đổi giới tính. Trong đó, châu Á có 13/50 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quyền chuyển đổi giới tính để bảo đảm quyền nhân thân chính đáng của các cá nhân trở thành nhu cầu bức thiết.
Tại phiên làm việc ngày 2/6 mới đây, Quốc hội quyết định sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Dự án Luật Chuyển đổi giới tính tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2024, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Đối với cộng đồng gần nửa triệu người chuyển giới ở nước ta hiện nay, đây là niềm vui to lớn, được mong chờ từ rất lâu.
Trước thực tế này, từ tháng 7-9/2023, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2023 (UN Free and Equal) của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phối hợp cùng với Tổ chức vận động về quyền của người chuyển giới, đa dạng giới IT’S T TIME và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức một chuỗi các hoạt động nghiên cứu, truyền thông xã hội và kết nối cộng đồng hướng đến việc tạo nên những câu chuyện bắt đầu có hậu về văn hóa - xã hội - pháp lý với cộng đồng người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam. Những câu chuyện về khát vọng sống cùng những mong đợi với Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính của hơn 30 người chuyển giới, đa dạng giới ở những độ tuổi, khu vực địa lý khác nhau đã được thu thập.
Luật sư Đinh Hồng Hạnh, thành viên Hội đồng cố vấn ICS Center cho biết, nếu như trước năm 2015, những cuộc gọi đến thường là những câu chuyện pháp lý như tên không trùng khớp trong giấy tờ, khó khăn khi nói chuyện với gia đình, thì nay, người chuyển giới gặp khó khăn về việc kết hôn, việc làm, về tài sản, con cái sau hôn nhân. Có nghĩa đã có một bước đi dài khi người chuyển giới đã sống đúng với bản dạng giới của mình.
Dự án Luật Chuyển đổi giới tính là dự án luật khó và nhạy cảm, khối lượng công việc để hoàn thiện dự thảo Luật rất lớn. GS. Đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, dự án luật sau khi đổi tên từ “Bản dạng giới” sang “Chuyển đổi giới tính” đã thu hẹp phạm vi và đối tượng tác động. Tuy nhiên với sự kế thừa nhiều thành quả nghiên cứu, tham vấn ý kiến từ dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế xây dựng, cộng đồng người chuyển giới vẫn thêm hy vọng từ hành lang pháp lý đầu tiên này sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới với họ.
GS Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, hiện quy định của Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang ưu tiên một số vấn đề như quyền công ăn việc làm, quyền thừa kế, quyền được làm các thủ tục giấy tờ như đổi tên, giấy khai sinh, không bị kỳ thị, đánh đập… quyết định về y tế: Cơ quan nào, bệnh viện nào có thể can thiệp y khoa cho người chuyển giới, thuốc cho người chuyển giới…