Cha mẹ cần học cách “cho”, con cần học cách “nhận”

Chia sẻ

Cha mẹ có tài sản vẫn nên để lại thừa kế cho con cái. Tuy nhiên để việc để lại tài sản thừa kế trở nên có ý nghĩa và tránh được những bi kịch đáng tiếc xảy ra, cha mẹ cần học cách "cho" tài sản, còn con cái cũng cần học cách "nhận" để có trách nhiệm với của thừa kế.

Cha mẹ cần học cách “cho”, con cần học cách “nhận” - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

"Cho" phải gắn liền với trách nhiệm

Tôi hiện đang là người thừa kế khối tài sản của cha mẹ để lại. Đó là một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có giá trị nhiều tỷ đồng. Cách đây 19 năm, thời điểm được nhận tài sản thừa kế của cha mẹ để lại, nếu tôi bán đi, quy ra tiền thì có thể sống khỏe hết đời mình, và còn dư thừa để lại cho đời con cháu. Thế nhưng, tôi không thể bán tài sản thừa kế rồi ngồi không hưởng thụ được. Bởi trước khi làm thủ tục để lại tài sản thừa kế cho tôi, cha mẹ tôi đã di chúc gắn liền quyền lợi với trách nhiệm.

Cha mẹ tôi bảo rằng, khối tài sản mà họ đang có cũng là nền tảng do ông bà, tổ tiên để lại. Cơ sở sản xuất mỹ nghệ này từng là tâm huyết mấy đời của gia đình tôi. Thời các cụ gây dựng chỉ là một cửa hiệu nhỏ rồi phát triển dần từng đời này qua đời khác. Ai cũng phải có ý thức giữ gìn tài sản mà ông bà, cha mẹ mình đã tâm huyết gầy dựng lên. Đó là trách nhiệm mà mỗi thế hệ con cháu trong gia đình tôi phải có ý thức từ những ngày còn bé. Không ai có thể tự cho mình quyền phá bỏ cơ nghiệp ấy.

Vì vậy, cha mẹ đã giáo dục và bồi đắp ý thức trách nhiệm cho chúng tôi từ ngày bé về cơ nghiệp của gia đình. Họ xác định rõ sẽ để lại tài sản thừa kế cho tôi (là con trai trưởng), con gái cũng có nhưng dưới dạng cổ phần trong cơ sở sản xuất. Tất cả đều phải có trách nhiệm phát triển và bảo vệ tài sản thừa kế và không ai được phép bán tài sản thừa kế cho người ngoài. Nếu làm ăn phát đạt, lợi nhuận có nhiều, chúng tôi tùy ý sử dụng tài sản dôi dư đó, nhưng vẫn phải trích lại một phần để duy trì và phát triển cơ nghiệp của gia đình. Nếu làm ăn thất bát, chúng tôi phải có trách nhiệm tìm cách để cứu vãn. Nếu làm được điều đó, họ sẽ để lại tài sản thừa kế cho chúng tôi, còn nếu không, họ sẽ tìm người "có đức có tài" để quản lý và phát triển tâm huyết của mình. Cha mẹ tôi không muốn vì tài sản thừa kế mà anh em chúng tôi tranh giành, hoặc chỉ biết hưởng thụ thành quả, không có trách nhiệm trở lại.

Nhờ cách cho đúng đắn của cha mẹ mà tôi biết trách nhiệm khi nhận tài sản thừa kế. Bài học cho con cái tài sản của cha mẹ đã được tôi vận dụng, bằng cách quán triệt với các con rằng sẽ không có chuyện không làm việc mà vẫn có tài sản để hưởng thụ. Tôi hướng các con học kiến thức để sau này về tiếp quản cơ ngơi của gia đình, gieo vào lòng chúng lòng yêu cơ nghiệp của tổ tiên để lại. Và điều quan trọng, chúng tôi rất công bằng trong việc để lại tài sản cho các con, không để chúng so bì tỵ nạnh, để rồi có những hành động khiến tình thân tương tàn.

Vì thế, trong câu chuyện bố mẹ có nên hay không nên để lại tài sản thừa kế cho các con, tôi cho rằng nên, nhưng cha mẹ hãy học cách “cho”, và dạy cho con cái trách nhiệm khi “nhận” tài sản thừa kế.

                                                            Vũ Đình Quang (Lương Thế Vinh, Hà Nội)

Tài sản thừa kế cho con cần có tình, có lý và công bằng

Theo tôi, việc để lại tài sản thừa kế cho các con là một việc làm mà các ông bố bà mẹ rất quan tâm và nên làm! Bởi cha mẹ để dành một phần tài sản cho các con khi họ còn sống, cũng như khi đã qua đời có một ý nghĩa rất sâu nặng. Nó vẫn là sợi dây kết nối giữa cha mẹ và các con. Đây được coi là một truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt từ xa xưa để lại.

Theo tôi, việc để lại tài sản thừa kế cho các con phải thể hiện một phương châm: Có tình, có lý và công bằng. Không nhất thiết lúc bố mẹ qua đời mới thông qua một bản di chúc để xác định việc phân chia tài sản, mà ngay từ lúc cha mẹ còn sống cũng có thể làm điều đó. Từ trước đến nay, không có ông bà bố mẹ nào lại không chắt chiu dành dụm để có được một tài sản dù nhiều hay ít để lại cho con cháu. Bởi với cha mẹ như thế mới là chăm lo trọn vẹn đối với con cháu.

Trên các phương tiện thông tin truyền thông có rất nhiều các vụ kiện tụng do phân chia tài sản thừa kế, có khi kéo dài nhiều năm; có khi là án mạng xảy ra, thậm chí con giết cha mẹ, anh chị em đâm chém nhau… Có tình trạng đó là do việc phân chia tài sản của cha mẹ không minh bạch, công bằng. Nhiều gia đình, lúc cha mẹ còn sống thì anh chị em thương yêu hòa thuận với nhau. Khi cha mẹ mất đi, phân chia tài sản lại nảy sinh mâu thuẫn, suy bì tị nạnh, kiện cáo lẫn nhau.

Nguyên nhân sâu xa của sự việc này xuất phát từ việc các con quên hết nghĩa vụ bổn phận làm con, không coi trọng tình anh em máu mủ ruột rà. Họ coi trọng đồng tiền là trên hết, đồng tiền là tất cả, hơn cả tình nghĩa anh chị em ruột thịt. Họ phải nhớ rằng: Biết đủ coi là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ! Anh chị em ruột cần cảnh giác với các ý kiến ngoại lai, gièm pha, xúi giục để chia rẽ tình đoàn kết, gắn bó mà bị đồng tiền chi phối.

Khi phân chia tài sản thừa kế, ngoài phần chia cho con cháu, cha mẹ cũng cần dành một tỷ lệ phần trăm vừa đủ để giao lại cho người con từng sống gắn bó với bố mẹ nhiều năm, hoặc cho con trai trưởng quản lý để làm khoản hương hỏa lo hậu sự cho bố mẹ, thờ cúng ông bà, cha mẹ sau này. Điều này cần được xác định cụ thể, rõ ràng trong di chúc để tránh sự tranh chấp không cần thiết giữa các con.

               Phạm Tôn 

                                  (Số 10 phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Mời bạn đọc thảo luận về vấn đề này, mọi ý kiến thảo luận xin gửi về chuyên mục Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng, Cầu Giấy. Điện thoại: 0243.7350555 hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn quý độc giả!

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.