Con gái kể chuyện bố “nghiện vợ”

Chia sẻ

Bố mẹ cô yêu thương nhau theo cách của người già, không chỉ chăm sóc mà còn cùng nhau làm những việc ý nghĩa cho cộng đồng như khi hai ông bà cùng góp gạo miễn phí cho toàn dãy trọ, rồi tặng thêm mỗi nhà chai nước mắm, đỡ thêm cuộc sống cho những người thuê trọ khi cùng cả nước cách ly xã hội.

Vợ chồng ông Huy bà Nga, người tặng gạo cho dãy trọVợ chồng ông Huy bà Nga, người tặng gạo cho dãy trọ (Ảnh: Mỹ Hạnh)

Đó là câu chuyện dễ thương của gia đình bạn trẻ Nguyễn Mỹ Hạnh, 26 tuổi, trú tại tổ dân phố 18 phường Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bà Mai Hằng Nga (SN 1961) và chồng là Nguyễn Văn Huy (SN 1958), bố mẹ của Hạnh - được biết đến là người chủ trọ tặng miễn phí gạo và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người khó khăn trong mùa dịch.

Gia đình bà Nga có dãy trọ 15 phòng cho thuê từ 5 năm nay, khi dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng tới kinh tế, nhiều hộ gia đình thuê phòng trọ của ông bà phải nghỉ làm, không có thu nhập. Vì vậy, hai vợ chồng bà đã quyết định tặng quà để hỗ trợ họ.

Bà Nga gợi ý hỗ trợ những người đang thuê trọ mỗi nhà 10kg gạo từ chính cửa hàng bán gạo của gia đình, kèm thêm chai nước mắm ngon. Chồng bà ủng hộ ngay. Ông Huy tự tay chở gạo trên chiếc xe cub 81 vào tận xóm trọ, trao cho từng nhà. Món quà sẽ được ông bà chia sẻ cho các hộ mỗi tháng một lần cho đến khi hết dịch. Ngoài ủng hộ bằng gạo và nước mắm, vợ chồng bà cũng miễn tiền nước cho tất cả các gia đình thuê trọ tại gia đình.

Những nhà nào do ảnh hưởng của dịch không có thu nhập, vợ chồng bà Nga sẽ lùi việc đóng tiền nhà để họ yên tâm làm ăn, chăm sóc gia đình. Nếu còn cách ly xã hội, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ những người thuê trọ tại gia đình bằng lương thực. Không chỉ giúp đỡ những người thuê trọ tại gia đình, bà Nga còn phát 14 suất, mỗi suất 10kg gạo ngon giúp đỡ cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tổ dân số 18 phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.

Được hỏi về hành động ý nghĩa của hai vợ chồng, bà Nga vui vẻ nói việc làm của mình là bình thường, không phải to lớn gì. Việc hỗ trợ người khó khăn hơn mình đã được vợ chồng bà làm nhiều năm nay, một phần là để làm gương cho các con, một phần là bởi tuổi thơ của bà trải qua nghèo khó, đã phải chịu đựng cảnh thiếu ăn, nhịn đói. Nên giờ đây thấy những người nghèo bà rất muốn giúp đỡ, nhất là trong lúc khó khăn này.

Với ba chị em Hạnh, sự quan tâm đối xử của bố mẹ ảnh hưởng sâu sắc, là lời nhắc nhở khéo léo để các con nâng niu mái ấm mình đang có.

Mỹ Hạnh chia sẻ về bố mẹ mình: “Bố là con trai trưởng, còn mẹ lại sinh được 3 người con gái. Nhưng bố không hề bị tâm lý cổ hủ và còn rất tự hào về ba chị em. Bởi chúng mình đều được mẹ chăm sóc, dạy bảo tử tế. Có lẽ, bố yêu ba chị em không những bằng tình cảm của người cha, mà còn bằng cả tình yêu đến mức “nghiện vợ” đối với mẹ của các con mình. Biết mẹ yêu hoa lan, sau này, khi có điều kiện hơn và xây nhà mới, bố đã trồng một cây lan ngoài vườn, ngay cửa sổ phòng ngủ của bố mẹ. Nó đã được 18 năm, to cao vượt 3 tầng nhà rồi. Cứ mùa hoa nở là sáng nào bố cũng lên hái, đặt ở bàn cho mẹ.

Đến bây giờ, thi thoảng, bà Nga lại chụp ảnh những bông lan ý nghĩa ấy và đăng lên facebook như một niềm vui giản dị. Họ đã có 35 năm hạnh phúc bên nhau, bắt đầu từ mối tình khắc cốt ghi tâm ấy.

“Nghiện vợ” theo cách người già là tối nào, trước khi đi ngủ, bố mẹ tôi cũng đánh cờ tướng với nhau. Ở nhà, bố đều nấu cơm cho mẹ. Bởi thế mà ba chị em đều ăn theo chế độ ăn của mẹ. Mẹ muốn ăn gì, bữa ấy có món đó, lúc nào bố cũng có chai nước muối súc miệng và phích nước nóng để riêng phục vụ mẹ. Bố tôi ăn uống rất đúng giờ. Nếu tối mà quá 6 giờ không ăn sẽ bị tụt huyết áp, phải vào giường nằm. Một lần, mẹ tôi về thấy vậy nên bảo, cả nhà cứ đúng giờ là ăn cơm trước, không cần đợi. Nhưng hôm sau, mẹ tôi về muộn lại thấy bố nằm trong giường tiếp. Từ đó mẹ đi làm về đúng giờ, không dám về muộn nữa - Hạnh xúc động.

Ba chị em Hạnh đều học được sự độc lập nhưng biết sẻ chia của bố và mẹ. Hạnh và chị gái đang kinh doanh riêng, còn em gái út mới vào đại học. Chuyện tình yêu của bố mẹ và cách họ tự nguyện san sẻ với người khó khăn hơn mình đã để lại cho 3 chị em hiểu thêm về cuộc đời, cách con người đối nhân xử thế với nhau, hay cách sống giản dị, tiết kiệm để có thể chia sẻ giúp đỡ cho người xung quanh.

MAI CHI 

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.