Covid-19 “kích hoạt” trở lại bữa cơm gia đình
Trong khi cuộc sống hiện đại khiến nhiều tổ ấm vắng dần bữa cơm gia đình, thì dịch bệnh Covid-19 lại vô tình "kích hoạt" lại, giúp nhiều người nhận ra giá trị đích thực của tổ ấm - điều mà trước đây, họ đã bỏ quên vì chạy theo những nhu cầu của cuộc sống.
(Ảnh: minh họa)
Bữa cơm gia đình được duy trì ngày ba bữa
Vợ chồng chị Nguyễn Thu Uyên (Nam Từ Liêm, HN) cùng hai con sống chung với mẹ chồng. Nhịp sống hàng ngày của gia đình chị khi dịch bệnh chưa xảy ra là bữa sáng và bữa trưa, vợ chồng, con cái sẽ ăn ở ngoài, mẹ chồng chị tự ăn uống một mình ở nhà. Bữa tối là bữa cơm gia đình có đầy đủ thành viên trong nhà, nhưng rất hiếm khi mọi người cùng có mặt. Bởi sau giờ làm, chồng chị thường đi tập gym đến 8h30 tối mới về nhà. Đứa con lớn ăn trước để đi học thêm. Chị nhiều việc hay về muộn nên mẹ chồng ăn trước, sau đó vợ chồng chị và các con, ai về lúc nào ăn lúc đó. Vì vậy, bữa cơm gia đình đầy đủ mọi người của gia đình chị may ra chỉ có mấy ngày lễ Tết.
Từ ngày dịch bệnh xảy ra, đặc biệt trong thời gian cách ly xã hội, anh chị làm việc online ở nhà nên bữa cơm gia đình được duy trì đều đặn ngày ba bữa. Chị Uyên bảo từ ngày kết hôn đến nay, đây là khoảng thời gian đầu tiên gia đình chị duy trì ba bữa cơm trong một ngày có đầy đủ mọi người. Không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc vô cùng.
Bà Trần Ngọc Miên (70 tuổi, Thanh Xuân, HN) hóm hỉnh bảo: "Dù rất nguy hiểm nhưng "con Covid-19" cũng "có công" giúp bữa cơm gia đình tôi đông đủ con cháu. Cả nhà lúc nào cũng vui vẻ". Vợ chồng bà Miên sống cùng vợ chồng con trai. Trước đây, bữa cơm hàng ngày chỉ có ông bà ăn với nhau. Con cháu ông bà sáng ăn ngoài đường, trưa ở cơ quan, tối có bữa về nhà ăn, có bữa ăn ngoài quán nhậu, nhà hàng ăn nhanh. Dù ông bà rất muốn duy trì bữa cơm gia đình nhưng con cháu chẳng đứa nào chú trọng do bận việc, bận học hành. Chuyện ăn uống trong nhà bà theo nhu cầu riêng của mỗi người. Bữa cơm hàng ngày, ai tiện người nấy ăn. Lâu dần thành quen, chẳng ai để ý đến việc ngồi cùng nhau bên mâm cơm gia đình.
Dịch bệnh bất ngờ ập xuống, con cháu bà Miên sợ ăn bên ngoài không đảm bảo nên chú trọng việc ăn uống ở nhà hơn. Bữa cơm gia đình được duy trì ngày 3 bữa. Người vui nhất trong nhà là bà Miên, vì từ hôm đó đến giờ, bữa cơm nào bà cũng được ngồi ăn cùng con cháu. Hạnh phúc đơn giản ấy nhưng sao thật lớn đối với bà.
Gia đình chị Uyên, bà Miên chỉ là hai trong số rất nhiều gia đình có chung niềm vui khi bữa cơm gia đình được duy trì đều đặn trở lại. Không ít người thừa nhận, chưa bao giờ bữa cơm gia đình lại được chú trọng như trong thời gian này. Việc tổ chức bữa cơm không chỉ đáp ứng về lượng mà còn được chú trọng về chất. Bởi để phòng chống dịch bệnh, việc bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho người thân được các gia đình đặc biệt quan tâm.
Khơi dậy nhiều giá trị hạnh phúc bị lãng quên
Anh Tùng, chồng chị Uyên thú nhận: "Những bữa cơm gia đình trong thời gian chống dịch Covid-19 giúp vợ chồng tôi thấy cần phải thay đổi lại bản thân, sống có trách nhiệm hơn với bố mẹ, con cái và bạn đời của mình. Thời gian này ngồi ăn cùng với mẹ, tôi nhận ra bà không ăn được cơm mà chủ yếu ăn cháo vì răng rụng gần hết. Cái mẹ cần nhất không phải là những đồ ngon, đồ bổ mà tôi nỗ lực kiếm tiền mua về cho mẹ ăn, mà là được ngồi ăn cơm cùng với con cháu hàng ngày. Với con cái cũng vậy, ngồi ăn chung với các con, tôi nhận ra lâu nay mình thật vô tâm với chúng. Chắc chắn từ giờ về sau, tôi sẽ thay đổi để về ăn cơm với mẹ và vợ con nhiều hơn".
Cũng nhờ những bữa cơm gia đình duy trì đều đặn trong mùa Covid-19, vợ chồng chị Lê Hồng Anh (Tây Hồ, HN) nhận ra cuộc hôn nhân của mình chưa đến nỗi phải kết thúc tồi tệ. Họ đã có hơn 6 năm chung sống cùng đứa con 3 tuổi nhưng hơn 2 năm gần đây, hôn nhân của họ không hạnh phúc. Cuộc sống hiện đại khiến họ ít khi duy trì việc nấu nướng, ăn cơm chung hàng ngày. Cảnh vợ chồng ăn trước ăn sau, trở nên phổ biến. Sự chia sẻ với nhau theo đó ít dần đi. Hôn nhân mệt mỏi, họ mấy lần nghĩ đến chuyện ly hôn.
Trong thời gian cách ly xã hội, vợ chồng làm việc ở nhà, chuyện nấu nướng hàng ngày trở nên thường xuyên. Không ngờ, việc cùng nấu nướng, cùng ngồi ăn cơm hàng ngày lại khiến họ nhận ra rất nhiều điều ở đối phương. "Anh ấy khéo nấu nướng nên chăm chút từng món ăn cho vợ con lắm, chỉ là trước đây mình không nhận ra để kéo chồng vào bếp. Anh thuộc từng sở thích ăn uống của vợ, của con. Nhìn những bữa cơm anh ấy nấu cầu kỳ để vợ con ngon miệng, mình thật sự hạnh phúc" - chị Hồng Anh nói.
"Trước đây, mình thiếu chia sẻ nên mới khiến vợ lắm điều xấu tính. Thật ra, cô ấy rất yêu chồng, hi sinh vì chồng rất nhiều" - chồng chị Hồng Anh thú nhận. Cả hai thừa nhận, nếu không có những bữa cơm gia đình trong mùa Covid-19, họ sẽ không nhận ra giá trị đích thực của hạnh phúc hôn nhân.
Từ xưa đến nay, bữa cơm gia đình được xem là sự kết nối yêu thương trong gia đình, thậm chí là "trường học" đầu đời của mỗi người bắt đầu từ nết ăn nết ở. Việc chăm chút duy trì bữa cơm gia đình hàng ngày chính là cách để giữ gìn hạnh phúc, nề nếp gia phong trong mỗi tổ ấm. Hi vọng sau mùa Covid, những bữa cơm gia đình sẽ tiếp tục được duy trì để hạnh phúc tổ ấm mãi vững bền.
Hạ Thi