Giữ lửa hôn nhân:

Cùng nhau “giữ lửa” nghề để giữ hạnh phúc

Bài và ảnh HÀ LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những gia đình ở làng nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) không chỉ góp phần giữ lửa nghề rèn, mà còn giữ lửa gia đình, cùng nhau vun đắp tổ ấm và cùng nhau làm việc, kiếm tìm niềm vui trong nghề rèn truyền thống.

Cùng nhau “giữ lửa” nghề để giữ hạnh phúc - ảnh 1
Vợ chồng ông Phúc, bà Hương đang cùng nhau làm công đoạn tạo hình và mài dao

Lửa nghề cha truyền con nối
Làng Đa Sỹ là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Các sản phẩm làng rèn Đa Sỹ không quá cầu kỳ, chủ yếu là dao, kéo và các loại đồ gia dụng kim khí phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Các loại sản phẩm của làng nghề tỏa đi khắp mọi miền, phục vụ sản xuất đời sống sinh hoạt của người dân. Nhờ có làng nghề mà đời sống nơi đây luôn ổn định, nhiều gia đình có kinh tế xây dựng nhà cửa, có điều kiện nuôi dạy con cái trưởng thành.

Hiện nay, làng nghề truyền thống Đa Sỹ có hơn 1.000 hộ gia đình đang duy trì nghề rèn dao kéo là chủ yếu và tất cả các lò đều có phụ nữ tham gia làm công việc vất vả này. Lò rèn của vợ chồng ông Nguyễn Bá Phúc, 57 tuổi và bà Nguyễn Thị Hương, 50 tuổi lúc nào cũng đỏ lửa từ sáng sớm đến tối muộn. Hai vợ chồng ông Phúc đều là người gốc Đa Sỹ, được tiếp cận với nghề truyền thống từ tấm bé do cha ông truyền lại. Ông Phúc kể, đến nay ông đã làm nghề rèn được 44 năm, từ năm 13 tuổi ông Phúc theo bố và các chú học nghề.

Thông thường, để làm ra sản phẩm dao hoàn chỉnh, thép nhà ông Phúc được nung trong lò khoảng 1-2 phút. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nếu không cẩn thận sẽ bị bỏng lửa. Đối với ông Phúc, thực hiện công đoạn mài tạo hình lưỡi dao lại là công đoạn khó hơn vì nếu không có kinh nghiệm lưỡi dao sẽ không sắc, dễ biến dạng khi sử dụng. Bà Hương, vợ ông Phúc cho biết, công việc rèn dao này đòi hỏi cần có 2 người cùng làm để đảm bảo chất lượng và cùng nhau tạo ra những sản phẩm sắc bén để cung cấp ra thị trường. Trong khi người chồng đứng lò, trực tiếp quai đe búa thì vợ là người thực hiện công đoạn cắt tỉa phần thép thừa và mài hoặc cùng nhau mài dao.

Công việc tuy vất vả nhưng bởi tình yêu nghề to lớn và đã quen gắn bó từ lâu nên đây không chỉ là một công việc kiếm sống mà còn là nét văn hóa truyền thống cha ông để lại đã hằn sâu vào máu thịt, tâm trí người dân làng rèn Đa Sỹ.

“Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”
Mỗi lò rèn ở Đa Sỹ phần lớn đều do vợ chồng cùng nhau lao động sản xuất. Vợ chồng ông Phúc, bà Hương cưới nhau từ năm 1994, đến năm 1996 cả hai vợ chồng được bố mẹ cho ra ở riêng và hỗ trợ nhau sản xuất, giữ lửa nghề rèn của gia đình. Gắn bó với nhau gần 30 năm, trải qua bao khó khăn, vất vả của cuộc sống, có những lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục, nhưng chính việc cùng nhau làm nghề rèn đã giúp vợ chồng bà Hương thêm thông cảm, thấu hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn. Sinh ra ở làng nghề, từ nhỏ cũng đã biết nghề nhưng khi lấy chồng, công việc rèn dao mới chính thức “bén duyên” với bà Hương. Chồng bà chính là người đã giúp bà nâng cao tay nghề và truyền lửa niềm yêu thích công việc rèn vốn quen thuộc và hợp với đàn ông hơn. 

Bà Hương tâm sự, nghề này đàn ông làm là chính, là phụ nữ nên cũng bị hạn chế nhiều về sức khỏe vì quanh năm phải tiếp xúc với khói than độc hại, tiếng ồn lớn nên tai bị ảnh hưởng rất nhiều. Bàn tay người phụ nữ vốn phải mềm mại thì nay nghề rèn khiến đôi bàn tay của họ bị chai sạn đi nhiều, mái tóc đen óng ả cũng chẳng có dịp thả ra. Đặc biệt trong những ngày hè nóng nực, ngồi bên bếp than lửa nóng với tiếng đe, tiếng búa gõ chan chát, mồ hôi chảy đầm đìa dẫu có 3 chiếc quạt ngày ngày vẫn hoạt động với công suất lớn nhất.

Đôi bàn tay của người phụ nữ Đa Sỹ vừa mạnh mẽ vừa vô cùng khéo léo trong việc mài dao, tạo hình sản phẩm. Dù có những lúc bị bỏng, bị đứt tay nhưng những khó khăn ấy đều được những “bông hồng thép” ở đây vượt qua tất cả. Nghị lực phi thường ấy một phần lớn được thôi thúc, tiếp sức nhờ những người chồng như ông Phúc luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ vợ. Làm nghề rèn phải uống nước thường xuyên, những quãng nghỉ giữa ngày hè nóng như đổ lửa, ông Phúc đều pha cho vợ cốc nước chanh, nước cam mát lạnh mà vợ vẫn thích để giải tỏa bớt thời tiết khắc nghiệt của mùa hè. Vất vả nhưng vợ chồng ông cũng không quên dành cho nhau những lời quan tâm có cánh như thuở mới yêu...

Công việc rèn nặng nhọc đối với người dân làng nghề nói chung và đặc biệt với người phụ nữ. Nhưng chính tình yêu thương chân thành của vợ chồng ông Phúc, bà Hương dành cho nhau mà bếp than lò rèn vẫn luôn sáng rực như tình yêu của đôi vợ chồng ấy. Bà Hương trải lòng, dù công việc có khó khăn nhường nào nhưng chỉ cần vợ chồng cùng tiếp sức mạnh cho nhau, chăm chỉ làm việc thì cuộc sống sẽ vui vẻ, hạnh phúc, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Cách nhà ông Phúc, bà Hương khoảng 50 mét là gia đình vợ chồng ông Lê Văn Tiến, 1965 và bà Nguyễn Thị Thanh (1965). Cũng trải qua khó khăn và vất vả như vậy, nhưng vợ chồng ông Tiến vẫn lạc quan, tích cực cống hiến cho làng nghề rèn. Đặc biệt, vợ chồng ông luôn kề vai sát cánh hỗ trợ nhau làm việc, chồng làm thợ chính còn vợ phụ giúp những công đoạn đơn giản hơn. Ông Tiến quan niệm, chỉ cần mình có tình yêu nghề và nguồn sức mạnh là người vợ tần tảo luôn bên cạnh, mọi khó khăn sẽ đều dễ dàng vượt qua. Còn bà Thanh cho biết, nhiều người phải đi làm xa chồng con, còn mình được làm việc cạnh chồng nên công việc sẽ bớt căng thẳng thậm chí còn mang lại sự hạnh phúc trong chính nghề rèn bình dị mình đang làm.
Mỗi ngày họ cùng nhau sản xuất được 50 sản phẩm, bán buôn với giá khoảng 70-80 nghìn đồng và phân phối đến chợ Đồng Xuân và các tỉnh thành lân cận. Với tay nghề sẵn có của những người thợ làng nghề làng rèn Đa Sỹ cùng với tình cảm gia đình gắn bó keo sơn của họ, hy vọng rằng nghề rèn nơi đây sẽ tiếp tục phát triển, mang đến kế sinh nhai cho người dân để tạo động lực giúp họ sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân.

 Những cặp vợ chồng như ông Phúc - bà Hương, ông Tiến - bà Thanh là hình ảnh đẹp trong việc giữ gìn truyền thống làng nghề và giữ lửa hạnh phúc gia đình trong mọi thử thách của cuộc sống.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.