Dạy trẻ sống ở nước ngoài giữ gìn văn hóa Việt qua nếp Tết

Ths Giáo dục. Nguyễn Thu Hương Giám đốc Tổ chức Tiếp cận Giáo dục và Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Asheville, Bang North Carolina
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nuôi dạy trẻ Việt trong một môi trường văn hoá phương Tây không phải thực sự dễ dàng tuy nhiên các cha mẹ Việt đang sống và định cư ở nước ngoài có thể áp dụng một số cách mà tôi đã dạy con gái Asia, 5 tuổi của tôi học, hiểu và giữ gìn văn hoá Việt thông qua phong tục Tết cổ truyền.

Tôi sinh bé Asia tại Mỹ và bố bé cũng là người Mỹ. Nơi tôi sống rất ít người Việt do vậy tôi luôn tự nhủ sẽ phải dạy Asia ngay từ bé về văn hóa Việt Nam và Tết cổ truyền là một trong những phong tục văn hóa thiêng liêng của người Việt. Khi bé mới 2 tuổi, vì không có điều kiện để về Việt Nam, hai vợ chồng tôi đã tự đi mua vải và ông xã đã tự tay cắt và may chiếc áo dài đầu tiên cho con gái.

Dạy trẻ sống ở nước ngoài giữ gìn văn hóa Việt qua nếp Tết - ảnh 1
Ông xã tôi tự tay may áo dài cho con gái diện Tết
Dạy trẻ sống ở nước ngoài giữ gìn văn hóa Việt qua nếp Tết - ảnh 2
Và đây là thành quả

 May mắn của tôi là ông xã từng có một thời gian dài sống ở Việt Nam nên khá hiểu về văn hóa Việt, về phong tục Tết cổ truyền. Anh hiểu người Việt mỗi khi Tết đến sẽ dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, may hoặc mua quần áo mới cho các thành viên trong gia đình, gói bánh chưng, bầy mâm ngũ quả và đi lễ chùa vào ngày đầu năm. Vì thời điểm đó bé Asia mới 2 tuổi, nên vợ chồng tôi cũng chỉ tự tay may một chiếc áo dài cho con và gói vài cái bánh chưng để nói chuyện với bé. Tuy nhiên sau này khi bé được 4 tuổi, tôi đã bắt đầu dạy bé nhiều hơn về Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Dịp về Việt Nam tôi mua khá nhiều truyện tranh thiếu nhi, những câu chuyện cổ tích và đặc biệt là cuốn truyện tranh Sự tích bánh chưng bánh dày. Cứ mỗi dịp Tết đến là tôi lại mang cuốn truyện tranh này ra để cùng bé đọc và giải thích cho bé hiểu tại sao người Việt lại có tập tục gói bánh chưng vào mỗi dịp Tết. Là một giáo viên, tôi luôn hiểu rằng muốn dạy và truyền đạt bất cứ một kiến thức nào cho trẻ nhỏ, khiến cho trẻ tò mò muốn tìm hiểu sâu hơn, và trẻ có thể nhớ lâu hơn thì hoạt động nào cho trẻ cũng đều phải vui. Dưới đây là một số hoạt động tôi sử dụng theo cách chơi mà học, học mà chơi với bé Asia để bé hiểu hơn về Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Dạy trẻ sống ở nước ngoài giữ gìn văn hóa Việt qua nếp Tết - ảnh 3
Tôi luôn cố gắng dạy con về văn hóa Việt, nhất là trong những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán để con không quên nguồn cội

1

Đọc truyện tranh Sự tích bánh chưng bánh dày: Cho bé quan sát bìa truyện và hỏi bé nhìn thấy những hình gì ở bìa truyện, hỏi bé về màu sắc, nhân vật và đoán thử xem truyện nói về nội dung gì. Mở trang thứ nhất để bé đọc (bé Asia của tôi đã biết đọc từ khi bé 3 tuổi) sau đó mình đặt các câu hỏi về các nhân vật xuất hiện ở trang thứ nhất và sau đó tôi hỏi bé đoán thử là trang thứ 2 thì câu chuyện sẽ tiếp tục như thế nào? Và cứ như vậy cho đến hết cuốn truyện tranh. Sau khi bé đọc xong truyện thì tôi kế lại câu chuyện sự tích và khuyến khích bé kể lại câu chuyện để bé hiểu kỹ hơn về sự tích bánh chưng bánh dày.

2

Lên YouTube, tìm và mở một video chiếu về phong tục gói bánh chưng của người Việt mỗi khi Tết đến. Tôi sẽ ngồi xem cùng với bé và luôn đặt câu hỏi để giúp bé liên tưởng đến câu chuyện Sự tích bánh chưng bánh dày mà bé vừa đọc với hiện thực cuộc sống. Ngoài ra tôi cũng chọn một video nói Tết cổ truyền ở Việt Nam, cùng ngồi xem với bé và giải thích với bé từng hoạt động trong Tết cổ truyền Việt Nam.

3

Cùng bé gói bánh chưng: Tôi chở bé đi đến siêu thị châu Á mua lá chuối, mua đậu xanh, mua nấm thay bằng thịt lợn (vì hai mẹ con tôi ăn chay, bé Asia ăn chay từ khi bắt đầu ăn dặm). Tôi hướng dẫn bé rửa lá chuối, ngâm và đồ đỗ. Tôi giải thích với bé là tại sao không gói bằng lá dong mà gói bằng lá chuối vì ở nước ngoài không có lá dong nên có thể thay bằng lá chuối, hoặc nếu không lá chuối có thể gói bằng giấy nến. Tôi muốn bé biết rằng cho dù có ở hoàn cảnh nào cũng có thể khắc phục được để có thể giữ được phong tục của quê hương.

Dạy trẻ sống ở nước ngoài giữ gìn văn hóa Việt qua nếp Tết - ảnh 4
Con gái tôi tập gói bánh Chưng

Tất cả từ khâu chuẩn bị đến khâu gói bánh tôi đều để bé làm cùng, không ngại bé làm không đúng, hay bé làm vương vãi nguyên liệu, quan trọng là khi tự tay bé làm thì bé sẽ rất thích và sẽ nhớ rất lâu. Ngoài ra trong lúc gói bánh, tôi còn tranh thủ dạy cho bé các khái niệm về đo lường như cm, ml, kg/gr bằng cách đong và cân gạo và đỗ xanh cho mỗi chiếc bánh. Ở bên Mỹ thì dùng đơn vị đo lường như đo độ dài rộng và sâu là Inch/Foot/Feet và đo trọng lượng là Pound do vậy tôi kết hợp dạy bé cả hai cách đo lường theo cách Việt Nam và cách của Mỹ. Bé rất thích thú với những khái niệm mới và khoái chí khi được tự tay cân đong đo đếm các nguyên liệu.

4

Cúng gia tiên: Trong khi chờ bánh chưng được luộc chín, tôi dạy bé cách bầy mâm ngũ quả và dạy bé tại sao lại là ngũ quả (5 loại quả). Bé rất thích thú với việc bầy biện các loại hoa quả màu sắc khác nhau lên một khay nhỏ và khi bánh chưng chín thì tôi hướng dẫn bé dâng lên bàn thờ gia tiên bánh chưng và mâm ngũ quả để bầy tỏ lòng biết ơn và nhớ tới gia tiên của mình. 

5

Mừng tuổi lì xì: Phong tục mừng tuổi vào đầu năm không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Tôi vẫn giữ phong tục này và đều mừng tuổi cho cả gia đình ông bà nội, cô, chồng tôi và các con. Tuy nhiên, trước khi đưa tiền mừng tuổi cho bé, tôi đều giải thích tại sao lại có phong tục mừng tuổi và tiền mừng tuổi sẽ dùng để làm gì. Tôi có lập một quỹ riêng cho bé Asia (tên gọi ở nhà là Na) lấy tên gọi là Quỹ bé Na để giúp các em bé nghèo có hoàn cảnh khó khăn và đang điều trị bệnh tại các bệnh viện ở Việt Nam, do vậy mỗi năm có tiền mừng tuổi bé lại đóng góp số tiền mừng tuổi vào Quỹ để giúp đỡ các em bé ở Việt Nam.

Dạy trẻ sống ở nước ngoài giữ gìn văn hóa Việt qua nếp Tết - ảnh 5
Hai mẹ con tôi diện áo dài đón Tết

Gìn giữ văn hóa Việt là một những ưu tiên hàng đầu trong gia đình tôi. Mỗi khi có dịp về Việt Nam là tôi đều mang về một bộ áo dài mới để dành vào dịp Tết để bé mặc. Có khi là áo dài của những người bạn thân của tôi tặng bé, có khi là bộ áo dài đặt may riêng cho bé. Tôi luôn hứa với con rằng chắc chắn ngày mùng 1 Tết Âm lịch, hai mẹ con sẽ mặc áo dài thật đẹp và cùng với gia đình dâng mâm cơm Tết lên bàn thờ gia tiên, và cả nhà cùng quây quần bên nhau chúc nhau những điều tốt đẹp nhất cho năm mới. Tôi tin rằng khi duy trì được những phong tục văn hóa Việt Nam trong gia đình hàng năm thì chắc chắn mai mốt lớn lên con gái tôi vẫn có thể tiếp tục gìn giữ và duy trì những phong tục văn hóa Việt này và có thể truyền bá nền văn hóa tuyệt vời của Việt Nam tới những người bạn Mỹ và những người bạn nước ngoài của bé sau này.

Tôi muốn bé biết rằng cho dù có ở hoàn cảnh nào cũng có thể khắc phục được để có thể giữ được phong tục của quê hương.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.