Để gia đình trẻ vượt qua thách thức "bình thường mới"

Chia sẻ

Khi xã hội chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, nhiều gia đình trẻ đứng trước những thách thức vừa phải đi làm để bảo đảm cuộc sống, vừa phòng, chống dịch, vừa chăm sóc con cái… Làm thế nào duy trì cuộc sống khi mất việc làm, thu nhập giảm sút là những gì mà các gia đình trẻ đối diện trong cuộc sống “bình thường mới”.

Mất việc làm sao "giữ lửa" hạnh phúc

Con gái của vợ chồng anh Dũng (phường Dương Nội, quận Hà Đông) được 3 tuổi thì về quê ở cùng ông bà nội để tránh dịch. Ở Hà Nội chỉ còn hai vợ chồng. Thời điểm đợt dịch thứ 3, thứ 4 bùng phát khiến công việc của anh Dũng bị đình trệ, phải nghỉ làm ở nhà, thu nhập giảm sút. Vợ anh làm cùng ngành, chịu chung ảnh hưởng nên chị cũng ở nhà, chỉ được nhận trợ cấp từ công ty chứ không có lương nữa. Họ bỗng dưng thành “tỷ phú thời gian” nên hay để ý cãi vã nhau từ những chuyện nhỏ nhặt trong nhà khiến tình cảm bị ảnh hưởng. Đến nay, khi cuộc sống bình thường mới, hai vợ chồng vẫn thấy khó bắt nhịp trở lại.

Gia đình trẻ có con nhỏ, thu nhập giảm sút giống như anh Dũng là một trong nhiều vấn đề được gửi đến nhờ chuyên gia giải đáp tại diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức mới đây. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chỉ ra bức tranh tiêu cực do Covid-19 gây ra là thất nghiệp, giảm việc làm, mất thu nhập. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với gia đình trẻ vì họ chưa có khoản tích lũy, kéo theo nhiều vấn đề lớn hơn về mặt tâm lý, tinh thần.

Còn theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), giãn cách xã hội gây tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Báo cáo “Tác động xã hội của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam và các khuyến nghị chính sách chiến lược” của Liên hợp quốc công bố tháng 8/2020, cho thấy dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện đến các khía cạnh của đời sống gia đình, từ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần, đến lao động, việc làm, thu nhập, đặc biệt là tình trạng trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột và bạo hành cao hơn.

Các chuyên gia tâm lý, xã hội chia sẻ thông tin tại Diễn đàn Gia đình trẻ  - Thách thức với cuộc sống bình thường mớiCác chuyên gia tâm lý, xã hội chia sẻ thông tin tại Diễn đàn Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới (Ảnh: BTC)

Làm gì để tổ ấm vững chắc hơn sau đại dịch?

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, Covid-19 cũng giống như cơn lũ kéo đến, dù cuốn đi nhà cửa, hoa màu, vẫn để lại lớp phù sa màu mỡ. Ngoài những sự tiêu cực, dịch bệnh khiến chúng ta sống chậm hơn, biết quan tâm nhau, trân trọng giá trị gia đình nhiều hơn.

Vì vậy, để vượt qua khó khăn, điều đầu tiên mỗi người, mỗi gia đình cần làm là phải thay đổi tư duy, cách nhìn, hãy tự “cứu” lấy mình trước tiên bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi cách chi tiêu, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Nếu có khó khăn thì hãy chấp nhận, kiên trì vượt qua bởi giai đoạn này, tất cả chúng ta đều nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng, sự sẵn sàng và linh hoạt của mỗi gia đình trẻ trong đại dịch là rất quan trọng. Bà gợi mở các gia đình có thể bán hàng online để tạo thu nhập thường xuyên, hoặc không có điều kiện kinh doanh, làm việc thì phải học, sử dụng internet để học ngoại ngữ, kỹ năng, trau dồi kiến thức. Những bạn chọn về quê cũng đừng chờ đợi quay lại công việc cũ. “Làm việc sẽ giúp cho chúng ta năng động, đầu óc luôn luôn phải suy nghĩ, không bị tù túng. Khi làm việc, chúng ta sẽ kết nối, tìm ra được cơ hội vượt qua khó khăn” - bà cho biết.

Về giải pháp lâu dài, ông Khuất Văn Quý cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Dự thảo chiến lược đã đặt ra các chỉ tiêu: Đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình được cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình; đạt 90% trở lên nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được cung cấp kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, giáo dục đời sống gia đình… Bên cạnh đó, ông Quý cũng đề xuất, đối với Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần xây dựng “Đề án giáo dục, tư vấn trước khi kết hôn cho đoàn viên thanh niên”; đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

CHI MAI

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...