Điêu đứng vì... cháu đích tôn

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghe con trai ở thành phố báo về cần tiền gấp để “cứu” thằng cháu đích tôn, ông bà như ngồi trên đống lửa. Đến nước này, ông bà đánh chấp nhận rao bán mảnh đất cuối cùng đang ở để có tiền… “cứu” cháu.

1.Nghe tin ông bà rao bán mảnh đất đang ở, hai cô con gái lấy chồng sống gần đó về phản đối. Họ nói, lâu nay ông bà hy sinh cho cháu đích tôn quá nhiều rồi, còn mảnh đất là chốn nương thân mà bán nốt thì mai này sẽ ở đâu. Nhưng, ông bà mặc kệ, bảo còn người còn của, cứu được cháu thì mới có người nối dõi sau này, nếu không gia đình ông bà tuyệt hậu, đất đai để lại cũng chẳng để làm gì.

Thấy khuyên bố mẹ không được, hai cô con gái nghĩ cách giữ cho bố mẹ ít tiền phòng thân sau này. Bởi họ chả tin tưởng vợ chồng anh cả sẽ nuôi được bố mẹ già, khi mà bản thân họ còn khốn đốn với đứa con trai hư hỏng.

Vậy là hai cô em gái gọi vợ chồng anh trai cả ở thành phố về họp gia đình trước khi bán mảnh đất của bố mẹ. Họ nói:

- Tài sản này mang tiếng là của bố mẹ nhưng nói về quyền hưởng thừa kế thì phận gái chúng em cũng có phần. Từ trước đến nay, bố mẹ cho anh chị và cháu tiền bạc bao nhiêu, bọn em chẳng tỵ nạnh so bì. Nhưng một khi mảnh đất này bán đi, bố mẹ phải chia tài sản cho chúng em nữa.

Điêu đứng vì... cháu đích tôn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi hai cô con gái bảo với ông bà, nhà có một đứa con trai, hai đứa con gái, mảnh đất này nếu bán đi thì chia làm 3 phần. Ông bà và vợ chồng anh cả hai phần, còn họ chỉ lấy một phần. Chia như vậy là đã có sự phân biệt trai gái trong đó rồi. Tuy nhiên, ông vì nặng tình với đứa cháu đích tôn nên quyết:

- Tiền bán đất, bố mẹ sẽ chia làm 4 phần, bố mẹ lấy một phần để dưỡng già, ba phần còn lại chia cho con trai trưởng, cháu đích tôn và hai cô con gái.

Hai cô con gái biết rõ, tính toán kiểu gì thì bố mẹ mình cũng chẳng thể bỏ qua quyền lợi của đứa cháu đích tôn. Bởi nó là đứa mà ông bà mặc định có trách nhiệm nói dõi tông đường, lo hương hỏa sau này. Vì vậy, họ đành đồng ý với sự tính toán đó của bố mẹ.

2.Từ trước đến nay, nhà có ba đứa con nhưng tâm trí ông bà lúc nào cũng hướng về con trai nhiều hơn. Ba anh em lớn lên nhưng chuyện học hành thì bố mẹ chỉ tập trung đầu tư cho anh cả. Vậy nên, anh cả yên tâm học hành cho đến khi tốt nghiệp đại học, xin việc ở thành phố rồi lấy vợ sinh con. Còn hai cô em gái học hết lớp 12 rồi ở nhà làm nông, phụ bố mẹ cày cấy, chăn nuôi, đến tuổi lấy chồng. Vậy nên từ nhỏ đến lớn, mọi thứ đối với anh cả lúc nào cũng thuận lợi hơn hai cô em gái. Bố mẹ coi trọng con trai nhưng việc chăm sóc cha mẹ thì lại đẩy cho con gái nhiều hơn. Làm con, phụng dưỡng bố mẹ là chuyện đương nhiên, hai cô con gái hiểu chuyện nên chẳng so bì tỵ nạnh với anh trai sống ở thành phố năm thì mười họa mới đảo về thăm bố mẹ một lần. Đã thế về lần nào thì y như rằng “bòn mót” của bố mẹ lần ấy không thiếu một thứ gì.

Điêu đứng vì... cháu đích tôn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, từ ngày vợ chồng anh cả sinh được đứa con trai - là đứa cháu đích tôn của gia đình, thì mọi thứ ông bà chỉ hướng về nó. Chỉ cần cháu trai cần gì là ông bà đáp ứng cho bằng được, bao nhiêu tiền tiết kiệm tích cóp để phòng lúc ốm đau, ông bà gửi dần cho cháu đích tôn hết. Sự chiều chuộng của ông bà và bố mẹ đã khiến thằng bé có lớn nhưng chẳng có khôn, trở thành đứa “phá gia chi tử” từ lúc nào không hay. Mới tí tuổi đầu nhưng học đòi lối sống “nhà giàu”, đồ dùng đều mua hàng hiệu đắt tiền. Bố mẹ không đáp ứng nổi thì gọi điện về xin ông bà. Ở quê, mỗi lần nghe cháu gọi về xin tiền, ông bà lại bảo nhau có bao nhiêu gửi lên cho cháu. Khi khoản tiền tiết kiệm bị cháu đích tôn “bòn” hết, thì họ chuyển sang bán gà, lợn, thóc lúa để cung phụng cho cháu.

Tốt nghiệp cấp 3, thằng cháu đích tôn của ông bà vào học đại học ở một trường dân lập. Cháu người ta học 4 năm thì ra trường nhưng cháu ông bà gần 6 năm rồi vẫn chưa nhận được tấm bằng tốt nghiệp. Thay vào đó là số nợ nần mà nó đánh lô đề, chơi cá độ bóng đá cứ thế tăng dần lên. Ở thành phố, bố mẹ nó đã bán nhà to mua nhà nhỏ ở để lấy tiền trả nợ cho nó. Cứ ngỡ, nó sẽ nhìn vào hậu quả đó mà rút kinh nghiệm, từ bỏ thói hư tật xấu, tu tỉnh học hành làm người tốt. Ai ngờ, nó vẫn hết lần này đến lần khác “ngựa quen đường cũ”, nợ nần nhiều thêm, bị xã hội đen tìm vào tận trường đòi, gây náo loạn khiến nhà trường phải cho thôi học.

24 tuổi, cháu đích tôn của ông bà dẫn về một cô gái bụng chửa vượt mặt rồi đòi cưới. Vợ chồng con trai nhất quyết không đồng ý vì nhìn “con dâu tương lai” không nghề nghiệp, lông bông học hành chẳng đến nơi đến chốn như con trai mình. Cưới nó về, họ lại thêm gánh nặng nuôi thêm hai miệng ăn. Vậy nhưng, ông bà thì nghĩ khác, dù sao thì máu mủ nhà mình chẳng để nó thất lạc bên ngoài được, họ cũng hi vọng có vợ con rồi, cháu đích tôn lại thay đổi và sống có trách nhiệm hơn. Vậy là mặc kệ con trai phản đối, ông bà vẫn quyết đi “hỏi vợ” cho cháu, bảo cháu dâu cứ sinh thêm đứa chắt đích tôn thì dù khổ mấy họ cũng phụ nuôi cháu, nuôi chắt.

Điêu đứng vì... cháu đích tôn - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thế nhưng, cưới vợ xong, thằng cháu đích tôn của ông bà cũng chẳng thay đổi là bao. Cháu dâu sinh con gái, cảnh mẹ chồng nàng dâu chẳng hợp nhau. Ông bà mỗi lần ra thành phố thăm con, thăm cháu cũng chẳng ở được lâu bởi sự xào xáo đó. Mấy lần cháu đích tôn về quê kêu khổ với ông bà về chuyện sống chung với bố mẹ và ngỏ ý muốn mua nhà sống riêng. Ông bà thương cháu lại vay mượn, cộng thêm tiền bán mảnh ruộng để cháu mua nhà sống riêng. Nhưng dù vậy, cuộc sống của nó vẫn chẳng êm ấm hơn chút nào, thỉnh thoảng nó lại gọi điện về bảo ông bà “cứu” cháu khỏi đám xã hội đen truy lùng đòi nợ. Mấy tháng nay, nó bỏ nhà đi trốn nợ chẳng liên lạc với gia đình khiến ông bà càng ăn ngủ không yên.

3.Để “cứu” cháu đích tôn, ông bà bàn với vợ chồng con trai là họ sẽ bán nốt mảnh đất ở quê để ra thành phố sống cùng con cháu. Số tiền bán đất sẽ dùng trả nợ để cho đứa cháu đích tôn về nhà sống yên ổn với vợ con, vì nếu nó cứ trốn chui trốn lủi bên ngoài sống chết thế nào không rõ. Cứ tưởng cách giải quyết đó sẽ tạo cho cháu đích tôn quay về làm lại cuộc đời. Nhưng từ ngày ông bà ra phố, nồi niềm buồn vì cháu lại càng thêm nặng. Nó vẫn là đứa siêng ăn lười làm, bố mẹ xin việc cho ở đâu cũng chỉ đi làm được mấy hôm rồi bỏ, lại về ăn bám bố mẹ, ông bà. Vợ con thì phó mặc cho nhà ngoại lo.

Cuộc sống của ông bà từ ngày chuyển ra thành phố trở nên bí bách trong căn nhà nhỏ hẹp. Cộng thêm những va chạm với con dâu trong cuộc sống hàng ngày khiến họ càng thêm nhớ cuộc sống ở quê. Tuy nhiên, giờ nhà cửa đất đai đã bán hết, muốn quay về cũng chẳng có chốn. Thỉnh thoảng, đứa cháu đích tôn dội về cho những khoản nợ nần, ông bà lại sống trong cảnh vừa lo lắng, vừa hối hận. Bởi giá như ngày xưa, họ đừng quá coi nặng vai trò của cháu đích tôn, để rồi nuông chiều, đáp ứng nó vô điều kiện thì có lẽ nó cũng đã nên người, chứ không phải là một đứa hư hỏng, suốt ngày báo nợ bố mẹ và ông bà như bây giờ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.