Đông ấm cho người vô gia cư

Chia sẻ

“Sống là cho đi…” là thông điệp của những tình nguyện viên trong tổ chức Ấm - từ thiện vì người vô gia cư có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội. Khi mùa đông đến, trong các buổi tối đến đêm muộn, họ không quản ngại đi khắp ngõ ngách của phố phường Hà Nội để trao chăn, áo ấm và những suất cơm nóng đến người vô gia cư.

Các tình nguyện viên tặng quà cho người vô gia cưCác tình nguyện viên tặng quà cho người vô gia cư

Mấy tuần nay, miền Bắc đang trải qua những ngày lạnh nhất của mùa đông. Có đêm, nhiệt độ khu vực Hà Nội xuống dưới 100C. Thế nhưng, tại các ngõ ngách của Thủ đô, vỉa hè là nơi trú chân của những người vô gia cư.

Bà Nguyễn Thị Tâm (Nam Định) năm nay đã gần 70 tuổi, sau một ngày nhặt ve chai, bìa carton, bà lại quay về chỗ ở của mình nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, HN), phía sau công viên Thống Nhất để nghỉ ngơi. Mùa đông đến, một mình bà chống chọi với cái rét tê tái, chỉ có tấm nilon mỏng thay chăn đắp. Có năm rét quá, bà phải mặc áo mưa cho ấm. Hai năm nay, các tình nguyện viên của nhóm Ấm mang tặng áo, chăn ấm nên buổi đêm, bà đã ngủ ngon giấc hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu (63 tuổi) từ Sơn Tây (Hà Nội) xuống Thủ đô chữa bệnh ung thư vú, do không có tiền, bà cũng ở lại làm nghề nhặt ve chai để tích góp tiền chữa bệnh. Chỗ ngủ của bà không cố định, bất kỳ vỉa hè nào cũng có thể đặt lưng. Nhóm Ấm không chỉ tặng bà áo, chăn, hay các suất cơm nóng, đôi khi bà thiếu tiền chữa bệnh, các bạn tình nguyện viên lại quyên góp để hỗ trợ một chút kinh phí giúp bà chữa bệnh.

Hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Vinh (70 tuổi) lang thang khắp phố phường Hà Nội nhặt ve chai kiếm sống. Đông đến, ông nhận chăn áo ấm của các nhóm tình nguyện, chọn những nơi vỉa hè rộng để nằm. Đầu năm 2020, dịch Covid-19 khiến cho giá phế liệu giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của ông. Trong một ngày mưa gió, ông bị cảm lạnh. May mắn, các tình nguyện viên của nhóm Ấm đã phát hiện, mua thuốc và chăm sóc cho ông. Sau đó, nhóm phối hợp với một nhóm từ thiện khác thuê cho ông căn phòng trọ giá 1,3 triệu/tháng, thường xuyên sang thăm hỏi, động viên ông. Hằng ngày, ông đi nhặt ve chai, tối được ngủ trong căn nhà ấm áp.

Hàng đêm, có một cụ bà quê Nam Định đau chân vẫn đứng đợi các tình nguyện viên dọc đường ở quận Hoàn Kiếm. Bàn chân bà sưng to, đi lại khó khăn, ấy thế mà bằng một bên chân, bà vẫn đạp xe đi khắp Hà Nội nhặt ve chai. Tối đến, bạ đâu ngủ đấy, chẳng có nhà cửa gì. Mỗi khi được tặng manh áo mới, bà vui lắm, thử ngay có vừa không. Bà kể, vì bị con cái đánh đập, ruồng bỏ mà bà phải bỏ nhà đi, tự kiếm tiền mưu sinh trên đường phố.

Trong quá trình trao hơi ấm đến người vô gia cư, Vũ Trung Anh - Trưởng nhóm Ấm - từ thiện vì người vô gia cư có hoàn cảnh khó khăn không ít lần xúc động trước nhiều câu chuyện của những người vô gia cư. Đó là mong ước của một cụ bà bị con ruồng bỏ, đánh đập phải lang thang sống cảnh “màn trời chiếu đất” ở Hà Nội. Hai mẹ con chị bán rong chỉ mong được về nhà, hay cụ bà luôn suy nghĩ lạc quan về cuộc sống hiện tại…

“Những câu chuyện đó cứ ám ảnh tôi. Chính vì vậy, tôi và các tình nguyện viên càng cố gắng hỗ trợ họ nhiều hơn” - Trung Anh nói.

Theo Trung Anh, nhóm Ấm được thành lập từ năm 2013 nhằm mục đích mang lại hơi ấm cho những người vô gia cư trong ngày đông giá rét. Ngoài việc gửi quà là suất ăn, quần áo, Ấm còn cung cấp nhu yếu phẩm cho cuộc sống hằng ngày của người vô gia cư như xà phòng, khăn mặt, bàn chải đánh răng… Đặc biệt, nhóm còn được sự hỗ trợ của các bạn sinh viên, bác sỹ nên có thể cấp phát thuốc và theo dõi sức khỏe cho người vô gia cư.

Vào tối thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, nhóm sẽ họp mặt và chuẩn bị các suất quà gồm đồ ăn, xôi, bánh, sữa, nước đóng chai, quần áo, chăn ấm… để mang đến người vô gia cư. Đa số, nhóm sẽ đi lúc nửa đêm, bởi đây mới là khoảng thời gian những người vô gia cư ổn định “chỗ ở” và bắt đầu nghỉ ngơi. Sau 7 năm hoạt động, nhóm đã tạo sức lan tỏa rộng trên cộng đồng mạng, thu hút nhiều người trẻ tham gia. Ai cũng muốn làm một việc nhỏ bé để vơi đi nỗi cô đơn, sự khó khăn của những người kém may mắn hơn mình.

“Hiện nay, Ấm đang lên kế hoạch để giúp đỡ người vô gia cư tìm được một công việc ổn định để họ có thể tự thuê nhà, nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, do các đối tượng vô gia cư là những người già, không có khả năng lao động, sức khỏe kém nên Ấm vẫn đang tiếp xúc, trò chuyện để tìm phương án hỗ trợ tốt nhất” – Trung Anh cho biết.

Bài và ảnh: QUỲNH AN 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.