Đứa cháu thiệt thòi

Thùy Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dịp nghỉ hè năm học lớp 8, Dung bị mẹ tìm thấy trong tủ riêng một xấp thư của mình và bạn trai học trên một lớp. Khi ấy, Dung đang ở chơi nhà ông bà ngoại. Vì quá bực mình nên mẹ mắng Dung trước mặt ông bà. Ông bà ngoại Dung cũng thấy thất vọng về cháu gái. Thậm chí, ông ngoại còn bảo đưa Dung về, không cho ở lại nhà ông bà nữa.

Từ bé, Dung đã lớn lên trong vòng tay ông bà ngoại, có khi còn ngủ ở nhà ông bà nhiều hơn nhà mình. Bố mẹ bận mưu sinh nên Dung gần như ngày nào cũng ở nhà ông bà ngoại và rất quấn quýt ông bà. Ông thì dạy Dung học, kể chuyện rồi đọc thơ cho Dung nghe, còn bà nấu cơm. Dung rất hợp cơm bà nấu, nhất là món canh chua. Cứ mùa hè mà có món đấy là Dung ăn sạch bách mấy bát cơm liền. Rảnh rang, bà dạy Dung làm việc nhà, khâu vá, hoặc Dung giúp ông phơi các loại thuốc bắc, vì ông về hưu còn có thêm nghề chữa bệnh Đông y…

Những ký ức thấm đẫm yêu thương và theo Dung khôn lớn. Bước vào tuổi dậy thì với những thay đổi, những tình cảm tuổi học trò chớm nở và không phải ai cũng đủ tỉnh táo để buông ra. Sau lần bị mẹ bắt được và cho một trận, Dung không còn được mẹ cho tự đi ra ngoài nữa. Kể cả đi học, dù trường gần nhà, Dung cũng có mẹ đưa đi. Tất nhiên, mối quan hệ với cậu bạn kia phải chấm dứt hoàn toàn. Dù mẹ chưa từng một lần hỏi Dung, rằng 2 đứa đến mức độ nào, chơi với nhau ra sao, việc học của con có ảnh hưởng không…

Đứa cháu thiệt thòi - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cũng kể từ ngày bị mẹ và ông bà mắng đó, Dung ít sang chơi nhà ông bà ngoại hẳn dù nhà ông bà ngoại chỉ cách nhà Dung vài con ngõ. Thậm chí, khi mẹ sai Dung mang quà, đồ ăn mẹ nấu sang biếu ông bà, Dung cũng kiếm cớ để thoái thác, khi thì trốn tiệt trong phòng, khi thì “nhảy” sang hàng xóm ngồi, hoặc sai lại cậu em trai… Dung không dám sang vì vẫn chưa quên sự khắc nghiệt của ông bà hôm ấy. Tư tưởng cũ khiến ông bà nặng lời, cho rằng đứa cháu yêu sớm là hư.

Theo năm tháng, có lẽ, chính ông bà cũng chẳng còn nhớ mình từng mắng đứa cháu gái năm nào. Nên những dịp gặp mặt, dù ông bà đều rất vui nhưng Dung đều tự cảm thấy vẫn có gì đó xa cách.

Dung lớn lên, đi học, đi làm, rồi lao vào cuộc sống cùng nhiều mối quan hệ mới nên có khi, đôi ba tháng mới vào thăm ông bà một lần. Ông bà già đi nhiều, lại thêm chứng lẫn của người già nên lúc nhớ lúc quên. Có khi, đang kể chuyện ngày xưa của Dung thì lại nhầm tên đứa cháu khác. Dung rất muốn ôm hôn ông bà như ngày bé, vì cô thương lắm cái nét cười hiền của bà, trái ngược với nụ cười sang sảng của ông. Rồi thói quen uống nước chè xanh bao năm của ông bà vẫn không hề thay đổi. Nhưng lại cứ có gì đó gượng gạo…

Dung lấy chồng, rồi chia tay chỉ sau vài năm gắn bó, mang theo đứa con nhỏ về nhà bố mẹ. Đổ vỡ hôn nhân khiến cô ngại giao tiếp với họ hàng, làng xóm. Hai mẹ con chỉ chơi với nhau trong nhà. Sang nhà ông bà ngoại lại càng không, vì Dung nghĩ với cái tội tày trời này, ông bà sẽ mắng cho không còn nổi mặt mũi. Ngày trước chỉ vì một lá thư mà ông còn nổi giận, giờ Dung lại còn ly hôn. Ông bà Dung là người theo tư duy truyền thống, sẽ không dễ dàng chấp nhận Dung như vậy.

Thế mà trong khi mẹ con Dung còn loanh quanh, kiếm cớ để ở nhà thì ông ngoại gọi điện thoại, bắt bố mẹ Dung “phải lôi mẹ con nó sang đây bằng được”. Không thể cãi lại ông ngoại, Dung bế con ngại ngần sang. Ông đưa cho Dung một ít tiền rồi bảo: “Ông thương cháu lắm. Cháu thiệt thòi nhiều rồi, ông bà cho để cháu nuôi con. Cháu cố gắng lên nhé rồi cháu sẽ được hạnh phúc. Ông bà yêu cháu và chắt”. Thật lạ là lúc đó, ông bà đều tỉnh táo, chẳng bị lẫn chút nào.

Chỉ vậy thôi mà nước mắt Dung cứ thế trào ra...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.