Dùng "chuyện chăn gối" giải quyết mâu thuẫn vợ chồng

Chia sẻ

Dùng "chuyện chăn gối" để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng là cách đang được không ít người sử dụng trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, cách làm này lại giống con dao hai lưỡi, có thể giúp vợ chồng hóa giải mâu thuẫn, nhưng cũng có thể đẩy họ xa nhau hơn.

Dùng (Ảnh: minh họa)

Cãi nhau đầu giường, cuối giường làm lành

Sống với nhau gần 20 năm, chị Lê Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) kể chị là người phụ nữ truyền thống nên muốn nuôi dạy các con theo nền nếp gia đình xưa, nhưng chồng chị lại hướng ngoại, dạy con theo kiểu "tây hóa". Do đó, vợ chồng thường xảy ra tranh cãi hết lần này đến lần khác, khiến vợ chồng rơi vào cảnh không muốn nhìn mặt nhau. Nhưng vợ chồng chị có một bí quyết khiến mâu thuẫn nhanh chóng được xóa bỏ. Đó là dùng "chuyện chăn gối" để giảng hòa.

Ban ngày họ cãi vã, làm tổn thương đối phương nhưng đêm về dù giận dỗi thế nào vợ chồng vẫn phải chung giường, không ai được phép ôm gối ra khỏi phòng là quy tắc anh chị đặt ra. Và anh bao giờ cũng là người chủ động “làm lành” đầu tiên. Họ sẽ "đo" sự tha thứ, chấp nhận giảng hòa của đối phương bằng cách thể hiện trong "cuộc vui chăn gối". Chị nhiệt tình đáp lại hay không, nếu có sẽ ở mức độ nào, miễn cưỡng, hay cùng chồng thăng hoa hết cuộc vui... Ngược lại, chị cũng ngầm hiểu mức độ giảng hòa của anh trong việc chủ động ở mức độ nào.

Sau khi kết thúc, nếu thật sự thoải mái, cả hai sẽ nói về việc ai sai ai đúng trong việc cãi vã trước đó. Nếu không, họ sẽ tạm thời im lặng nằm cạnh nhau nhưng mức độ giận dỗi đã "hạ nhiệt" rất nhiều. Điều này giúp cho họ không làm căng thẳng sự việc thêm trong ngày mai. Nhờ đó, mâu thuẫn vợ chồng luôn có lối thoát thay vì dồn nén tạo bế tắc khiến hôn nhân không hạnh phúc.

Con dao hai lưỡi trong phòng ngủ

Gọi điện đến phòng tư vấn Tâm Giao, chị Nguyễn Thu U (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kể về tình trạng bị chồng bạo hành tình dục mỗi lần vợ chồng có mâu thuẫn. "Mỗi lần vợ chồng mâu thuẫn, anh luôn lấy "chuyện chăn gối" để "xí xóa" mọi chuyện nhưng không hề để ý đến tâm trạng của tôi. Do những khúc mắc của vợ chồng chưa được tháo gỡ nên tôi không muốn gần gũi chồng. Tuy nhiên, anh ép buộc tôi phải quan hệ. Tôi chiều chồng trong tâm thế miễn cưỡng nên không thể làm cho anh ấy thăng hoa, bản thân tôi cũng đau rát khổ sở. Kết quả, lần nào tôi cũng rơi vào cảnh bị chồng bạo hành tình dục. Sự tổn thương sau đó lớn hơn gấp nhiều lần. Cứ thế, cái này chưa được tháo gỡ, hóa giải thì cái khác đã nảy sinh khiến mâu thuẫn vợ chồng càng trầm trọng hơn. Điều tệ hại, sau mỗi lần làm lành, tôi có tâm lý "chán chồng" hơn, luôn sợ hãi trong đời sống chăn gối" - chị U kể.

Đó cũng là lý do chồng chị U đi tìm nguồn vui thú chăn gối bên ngoài với người phụ nữ khác. Khi bị vợ phát hiện, anh còn đổ lỗi là do chị chẳng làm tròn bổn phận làm vợ nên chồng có "quyền" ra ngoài thỏa mãn. Hạnh phúc của chị U đang bên bờ vực gần một năm nay.

Nhiều năm nay, văn phòng tư vấn Tâm Giao (Báo PNTĐ) có không ít trường hợp người vợ rơi vào tình cảnh trở thành nạn nhân bị chồng bạo hành tình dục tìm đến xin tư vấn. Có người cam chịu trong thời gian dài dẫn tới trầm cảm, có người không chịu nổi phản ứng khiến chồng "nổi điên" bạo hành thân thể trở lại. Lại có những người chồng gọi điện đến xin tư vấn vì "bỗng nhiên" trở thành "thủ phạm" cưỡng bức vợ và bị vợ tố cáo ra chính quyền khi giải quyết mâu thuẫn vợ chồng bằng “chuyện chăn gối”.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn, chuyện vợ chồng làm lành trên giường ngủ giống như con dao hai lưỡi. Nó có thể là bí kíp hiệu quả đối với một bộ phận vợ chồng này, nhưng lại là nguy cơ dẫn tới bạo hành tình dục trong hôn nhân đối với một số cặp vợ chồng khác. Bởi không ít phụ nữ cho rằng, nhu cầu tình dục của họ phải được xuất phát từ tình yêu thương đối với người chồng, chứ không phải là nhu cầu sinh lý bản năng. Vì thế, chuyện phải quan hệ chăn gối với chồng khi trong lòng vẫn còn chất chứa mâu thuẫn, thậm chí căm ghét chồng sẽ khiến họ không có cảm xúc, thậm chí chán ghét hơn bạn đời hơn.

Trong vấn đề tình dục, nhu cầu của phụ nữ và đàn ông có điểm xuất phát khác nhau. Đàn ông quan hệ tình dục xuất phát từ nhu cầu sinh lý, bản năng nhiều hơn. Do đó, họ có thể quan hệ được trong mọi hoàn cảnh nếu có nhu cầu sinh lý cần giải tỏa. Ngược lại, phụ nữ chỉ có nhu cầu quan hệ tình dục khi họ cảm thấy mình yêu và được yêu. Vì vậy, khi tâm trạng phụ nữ đang giận hờn, bực bội, họ sẽ không có nhu cầu quan hệ tình dục, hormone sinh dục nữ không thể sản sinh được. Điều này sẽ khiến họ không thể thăng hoa và khó làm cho bạn tình thỏa mãn. Thậm chí, đôi khi còn gây khó khăn cho cuộc vui khiến đối phương cảm thấy bất mãn, có những hành động bạo lực tình dục. Do đó, trong hoàn cảnh này, nếu người chồng dùng "chuyện chăn gối" để làm lành thì sẽ không có tác dụng, ngược lại còn khiến mâu thuẫn vợ chồng tăng cao hơn.

Để hóa giải mâu thuẫn vợ chồng, giải pháp hữu hiệu nhất chính là sự lắng nghe, nhường nhịn, bao dung. Chỉ khi vợ chồng hạ bớt cái tôi, không coi nặng sự thắng thua trong tranh cãi, họ mới tìm được điểm chung để giải quyết vấn đề, khiến hôn nhân hạnh phúc.

HẠ THI 

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.