Dung hòa sự khác biệt để hạnh phúc hoàn hảo

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Một người kiệm lời, một người mơ mộng. Một người nguyên tắc, một người trẻ con. Một người ở Pháp, một người ở Việt Nam. Một người độc thân còn một người đã làm mẹ. Quá nhiều điểm khác nhau, nhưng vợ chồng chị Hoàng Nguyệt Ánh vẫn ngày một thêm gắn bó.

Dung hòa sự khác biệt để hạnh phúc hoàn hảo  - ảnh 1
Vợ chồng chị Nguyệt Ánh và 3 con. Ảnh: NVCC

Đã 5 năm trở thành vợ chồng, nhưng đến bây giờ, chị Hoàng Nguyệt Ánh (36 tuổi, một nhà thiết kế thời trang hiện đang sống tại Le Plessis-Trévise, phía Đông Paris, Pháp) vẫn không dám tin vào tình yêu qua mạng, sự bất đồng văn hóa, ngôn ngữ với cách suy nghĩ lại có thể kết nối cho tình yêu của vợ chồng chị đơm hoa, kết trái một cách kỳ diệu như thế. Chị kể: “Đôi khi mình vẫn nghĩ sao lại lấy 1 người chồng 100% Tây thế này, để mỗi lần cãi nhau anh cứ không nhường vợ, không chịu hiểu, không nhún nhường... dù là chuyện nhỏ nhất”.

Dù vậy, chị vẫn ngay lập tức có câu trả lời, những điều đó chỉ là “tiểu tiết”, là “cá tính của chồng”. Chị không thể đòi hỏi anh phải hoàn hảo như chị muốn. Trên tất cả, chị luôn thấy điểm tốt, đáng yêu ở anh. Và rằng chị yêu chồng thiết tha vì “anh là một người chồng hết lòng với gia đình, lo cho con, yêu con vô điều kiện, dù đó không phải là con ruột của mình”.

Tuổi thanh xuân của chị Ánh từng có một tình yêu mà chị cho là “không cân xứng về mọi thứ, để rồi mình không cưới mà có em bé trong buồn tủi và chê cười của nhiều người”. Nhưng rất may mắn, bố mẹ chị luôn ở bên, dang tay ra đón con gái, nâng đỡ, động viên và là chỗ dựa vững chắc cho hai mẹ con chị. “Mình thầm cảm ơn bố mẹ vì đã chăm con hộ mình suốt hơn 1 năm, bên cạnh động viên khi mình muốn quay lại Pháp sinh sống. Bố mẹ tin và làm cho mình tin rồi vết thương của mình sẽ được chữa lành và mình sẽ được hạnh phúc”.

Quen anh Bruno - người chồng hiện tại qua mạng, lúc ấy, chị Ánh không có nhiều đòi hỏi hay tiêu chuẩn, vì người phụ nữ bị đổ vỡ trong tình yêu, rất khó lấy lại những tình cảm yêu đương và rất sợ người sau không yêu con mình. “Nhưng thật may mắn, anh đã không cho mình nỗi sợ ấy. Bố mình yêu con như thế nào thì anh cũng yêu con mình nhiều như thế”. 

Con gái riêng của chị Ánh, bé Cá luôn tin chồng của mẹ chính là bố ruột mình. Ngày còn chưa sống cùng nhau, hàng tuần, anh đều chat video với cô bé. Vì thế mà tình cảm của anh và bé Cá luôn được thắm thiết. Lần đầu tiên cùng bạn gái về Việt Nam ra mắt và thông báo đám cưới, anh tự đi mua con gấu to bằng người và mang lên máy bay.

 “Ai cũng buồn cười, nhưng Cá thì thích mê. Món quà đầu tiên của anh khi con đến Pháp sống cùng bố mẹ là một chú chim biết nói. Bé rất thích ngồi lên cổ bố và được cùng bố đưa đi xem vườn thú. Lần đầu con đến trường cũng được bố dắt tay đi, và anh cũng luôn là người đưa con đi học, tận tình và chu đáo. Xếp hình và chơi games là hai trò mà cả hai bố con thích nhất. Chồng mình, một anh chàng chưa có con, lấy vợ và có luôn đứa con 3 tuổi quả là thử thách với anh. Nhưng thời gian đã cho mình thấy chồng không chỉ yêu con bé, mà lo nghĩ cho con rất nhiều, chăm con còn khéo hơn vợ... bởi thế con bé quấn ba vô cùng”- chị Ánh tâm sự. Chưa bao giờ, anh Bruno bận tâm đến quá khứ của vợ. Anh luôn nghĩ, phải làm gì để đem tới cho vợ nhiều niềm vui và hạnh phúc nhất. 

Sau này, hai vợ chồng chị Ánh có thêm 2 người con nữa, và anh Bruno vẫn làm tròn trách nhiệm như vậy, luôn là người đầu tiên cho con ăn, chăm sóc vợ, bế con mọi lúc mọi nơi và cùng con khám phá thiên nhiên… Và anh luôn đối xử công bằng với lũ trẻ. 

Ngoài điểm chung là cùng rất yêu con, họ có lẽ là đôi vợ chồng yêu nhau bằng những sự trái dấu. Trong khi chị Ánh rất say sưa làm đồ handmade, trang trí nhà cửa, hay trồng hoa... thì anh là một kĩ sư điện chính hiệu. “Trình độ bếp núc của mình rất thường, thì anh lại là người có nhiều quyển công thức nấu ăn nhất mình từng biết”. Nhưng những sự trái dấu ấy lại hút họ gần nhau thay vì đẩy nhau ra. Những ngày đầu quen nhau, họ “lấy điểm” trong mắt nhau bằng cách, anh thì nấu nướng, khoan đục để treo kệ đựng cho bạn gái, tham gia Tết Việt Nam và gói bánh chưng, còn chị thì treo những bức tranh của mình décor cho nhà anh. 

“Nhờ quen chồng, mình đã biết thêm luồn kéo dây điện, đấu ổ điện, hay sửa ống nước làm các bước nào bả tường - quét sơn đuối đến gãy cả tay ra sao... Còn anh ấy làm gì cũng muốn vợ bên cạnh chạy lăng xăng lấy cái này cái kia, hay làm gì cũng thích được tuyên dương giống như một đứa trẻ”- chị Nguyệt Ánh cười lớn, chia sẻ.

Lấy chồng sau một lần vấp ngã, lại ở xa gia đình, nhưng chị Ánh thấy mình vô cùng may mắn. Chị biết mình đã có được tổ ấm thứ hai, khi mẹ chồng chị không hề để tâm chị là một bà mẹ đơn thân. “Ngược lại, bà luôn nghĩ cho mình. Chắc bà biết mình yêu anh thật lòng”- chị Ánh nhớ lại về người mẹ chồng yêu quý dù chỉ bên bà được 1 năm ngắn ngủi. Nhưng tình yêu ấy không phai nhạt, mà nó hiện hữu trong con người của chồng chị. “Mỗi lần đi đâu, anh ấy đều nhớ đến bố mẹ. Chỉ vậy thôi mà mình thổn thức vì người đàn ông này đấy, dù anh ấy nặn không ra được câu nói lãng mạn như trong phim ảnh hay nói “đàn ông Pháp lãng mạn”- chị Ánh cười.

Nhà thiết kế nữ bay bổng thi thoảng vẫn tự hỏi mình, chẳng biết sau này sẽ thế nào giữa một người hay mơ mộng và một người nguyên tắc, lí trí. Trong nhà vẫn thỉnh thoảng xảy ra mâu thuẫn, cãi vã và có lúc anh không chịu nhường, dù tính chị lại rất cầu toàn, càng làm không khí thêm ầm ĩ. “Nhưng thấy anh lo cho con, yêu con, trái tim mình vẫn thổn thức vì anh và yêu anh”, chị tự trả lời mình. Chẳng thế mà, sau tất cả, không gian nhà vẫn ngập tràn những thanh âm hạnh phúc.
Chị Ánh tâm sự: Vợ chồng đến với nhau, yêu nhau, hy sinh cho nhau không cần phải bắt đầu từ sự giống nhau. Có thể bạn và chồng có nét khác biệt, nhưng hãy luôn biết dung hòa, bù đắp và tôn trọng nhau.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.