Đừng nhầm lẫn “quỹ đen” và “quỹ tiêu dùng riêng“

Chia sẻ

Vợ chồng nên có "quỹ tiêu dùng riêng". Và, chúng ta không nên nhầm lẫn "quỹ tiêu dùng riêng" với "quỹ đen". Bởi bản chất của hai khoản tiền này hoàn toàn khác nhau, quyết định sự ứng xử văn minh, hay không văn minh của vợ chồng về vấn đề tiền bạc trong hôn nhân.

Nên thừa nhận "quỹ tiêu dùng riêng" và tiêu trừ "quỹ đen"

Theo dõi những ý kiến thảo luận về vấn đề này trên báo Phụ nữ Thủ đô từ đầu đến nay, tôi nhận thấy đa số chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa "quỹ đen" và "quỹ tiêu dùng riêng" của vợ chồng. Nếu đồng nhất hai khoản tiền này là một và thừa nhận nó tồn tại thì sẽ diễn ra sự bất ổn trong hôn nhân.

Nhìn ở một góc độ, hai “quỹ” này đều có điểm chung, đó là khoản tiền riêng của vợ/chồng dùng để chi tiêu các nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, về bản chất, hai “quỹ” này có sự khác nhau rất lớn. "Quỹ tiêu dùng riêng" nên thừa nhận vì bản chất tích cực, còn "quỹ đen" là khoản tiền vợ/chồng giấu giếm chi tiêu vào các mục đích không trong sáng sau lưng bạn đời. Cá nhân tôi ủng hộ vợ chồng có "quỹ tiêu dùng riêng" và kiên quyết phản đối tồn tại "quỹ đen".

Sự ứng xử văn minh với tiền bạc trong hôn nhân của vợ chồng rất quan trọng. Nó được xem là một trong những yếu tố quyết định "mức độ" hạnh phúc. Bởi không ít cặp vợ chồng mâu thuẫn hàng ngày đều xuất phát từ chuyện tiền bạc, chi tiêu trong gia đình. Câu chuyện "tiền anh", "tiền tôi" vẫn được xem là cấm kỵ trong hôn nhân truyền thống. Vì thế để công nhận vợ/chồng có khoản tiền chi tiêu riêng cần có sự thống nhất của cả hai.

Tôi nghĩ, khi kết hôn, vợ chồng hãy công khai tài chính, thu nhập hàng tháng của mỗi người, rồi lập bảng kế hoạch chi tiêu trong gia đình. Sau khi cân đối các khoản chi tiêu chung, hai người cùng thống nhất bớt ra một khoản để mỗi người chi dùng nhu cầu cá nhân chính đáng.

Ví dụ, mỗi tháng hai vợ chồng bớt lại 1-2 triệu hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào thu nhập và nhu cầu chi tiêu cá nhân riêng của mỗi người. Đây chính là "quỹ tiêu dùng riêng" của vợ chồng, được công khai và đối phương thừa nhận. Điều này cũng cho thấy sự ứng xử văn minh của vợ chồng trong vấn đề tiền bạc, nó không gây sự hoài nghi khiến tình cảm bị ảnh hưởng.

Còn với "quỹ đen", tôi vẫn cho rằng bản chất của nó không được "trong sáng". Bởi đây là khoản tiền mà vợ/chồng cố tình giấu giếm bạn đời để chi dùng vào những việc "khuất tất". Thực tế cho thấy, có một số người chồng, người vợ âm thầm lập "quỹ đen" và sử dụng nó vào các tệ nạn như: Cờ bạc, lô đề, bồ bịch lăng nhăng bên ngoài… Do đó, "quỹ đen" không nên tồn tại, và càng không nên ủng hộ nó trở thành "tài sản riêng hợp pháp" của vợ chồng trong hôn nhân.

Bùi Minh Tuấn
(Hà Tuy Tập, TP Vinh, Nghệ An)

Đừng nhầm lẫn “quỹ đen” và “quỹ tiêu dùng riêng“ - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Công nhận "quỹ tiêu dùng riêng": Tôn trọng và yêu thương bạn đời hơn

Với những phụ nữ làm nội trợ, không trực tiếp kiếm tiền, làm ra kinh tế, việc có "quỹ tiêu dùng riêng" mang ý nghĩa lớn. Nó thể hiện sự tôn trọng và yêu thương bạn đời của người chồng, tăng thêm hạnh phúc hôn nhân.

Tôi là một phụ nữ ở nhà nội trợ, chăm con 17 năm nay, còn chồng tôi đảm nhiệm việc kiếm tiền. Trong cuộc sống, những câu chuyện phụ nữ ở nhà làm nội trợ bị coi thường, xem là kẻ ăn bám chồng không ít. Nó cũng gây bất hạnh cho nhiều người phụ nữ khi người chồng không thấu hiểu, độc đoán trong vấn đề tiền bạc, chi tiêu hàng ngày. Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ, người phụ nữ làm nội trợ ra đi tay trắng vì toàn bộ tài sản chồng làm ra đều bị anh ta xác lập là tài sản riêng. Vì thế, tôi may mắn khi lấy được người chồng ứng xử rất văn minh, nhân văn trong vấn đề tiền bạc đối với vợ.

Chồng tôi mở cửa hàng kinh doanh, công việc làm ăn của anh, tôi không nắm được nên chẳng thể quản lý tiền bạc chồng làm ra giống như bao người vợ khác. Anh thỏa thuận với tôi, hàng tháng sẽ đưa cho vợ một khoản để chi tiêu trong gia đình (bao gồm tiền sinh hoạt, chi dùng cho con cái, đối nội đối ngoại), đồng thời lập cho tôi một tài khoản chi tiêu riêng để mua mỹ phẩm, quần áo, hiếu hỉ cá nhân. Mỗi tháng, anh sẽ chủ động chuyển vào tài khoản chi tiêu riêng của tôi 4 triệu.

Anh không kiểm soát việc tôi chi tiêu thế nào với khoản tiền riêng đó. Dù tình hình kinh doanh thuận lợi hay khó khăn, anh cũng không bao giờ cắt giảm khoản tiền riêng đó của vợ. Nhờ đó, bao nhiêu năm nay, dù ở nhà làm nội trợ nhưng tôi chưa bao giờ có tâm lý mặc cảm ăn bám chồng, và khó khăn trong vấn đề chi tiêu cá nhân.

Những năm qua, cuộc hôn nhân của tôi hạnh phúc, tình cảm vợ chồng mặn nồng gắn bó cũng nhờ vào sự thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương vợ thật lòng của anh.

Việc anh lập cho vợ "quỹ chi dùng riêng" là một sự ghi nhận công sức ở nhà nội trợ của vợ, đó cũng là một công việc đáng được bạn đời "trả lương" hàng tháng. Dù khoản tiền đó chưa thật sự tương ứng với công sức mà tôi bỏ ra quán xuyến gia đình, nhưng nó cho thấy người chồng thật sự yêu thương và tôn trọng vợ mình. Vì thế, trong vấn đề tiền bạc, tôi nghĩ việc công nhận vợ chồng có "tiền riêng" để chi tiêu các khoản tiêu dùng cá nhân riêng là rất cần thiết và văn minh.

Nguyễn Bích Ngọc (KĐT Văn Quán, Hà Đông,
Hà Nội)

Có nên thừa nhận "quỹ đen" là "tài sản riêng hợp pháp" của vợ chồng trong hôn nhân? Việc để "quỹ đen" công khai tồn tại liệu có tác động, ảnh hưởng đến tài sản chung của vợ chồng? Những nguy cơ từ "quỹ đen" lâu nay có được tiêu trừ khi "quỹ đen" được công khai, nhìn nhận dưới góc độ "hợp pháp" không? Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, kính mời bạn đọc tham gia thảo luận chủ đề: Có nên xem "quỹ đen" là "tài sản riêng hợp pháp"?

Bài thảo luận gửi về chuyên mục Hôn nhân gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội; hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Bài được đăng tải sẽ được tòa soạn trả nhuận bút, báo biếu theo quy định hiện hành.

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.