Em ơi đừng sợ Tết

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những ngày cuối năm này có những chị em than thở: “Tết rồi!”. Mà kỳ lạ, nỗi sợ Tết có sức lây lan khủng khiếp, cứ một người than là hai người thở. Tuyền là phụ nữ sợ Tết…

Vì sao thích Tết mà cũng… sợ Tết?

Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà hôm ngồi với tôi trong trường quay làm chương trình tọa đàm về Tết bảo tôi: Em sợ Tết lắm. “Cô gái trẻ 21 tuổi mà sợ Tết ư?” tôi hỏi. Hà đáp: Em thích Tết nhưng em cũng sợ Tết. Vì công việc thì nhiều nhưng Tết đến là mọi thứ bị đóng băng lại hết.

Tôi hiểu tâm trạng của nhiều người trẻ như Hà bởi tôi cũng từng như vậy: Sợ Tết. Tết là nghỉ ngơi, đúng, nhưng trước Tết cả chục ngày có người đã có tâm lý rã đám. Rồi sau Tết, những cuộc du xuân, lễ hội, thăm viếng, chúc tụng có khi quá Rằm tháng Giêng vẫn chưa đi hết một vòng. Thế nên người trẻ mới sợ Tết. Và nhiều người trẻ cũng “già đi” qua mỗi lần Tết. Sự “già đi” của những lười biếng theo.

Cũng vì tiệc tùng liên miên, những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi liên tục mà nhiều phụ nữ có gia đình còn sợ Tết hơn đám phụ nữ trẻ. Bởi họ chính là người phải xuống bếp, phải dọn dẹp, phải tươi tỉnh ngay cả khi đã mệt nhoài. Tết mà, ai dám mang khuôn mặt căng cứng vì mỏi mệt ra tiếp đãi nhau? Cũng chẳng dám than thở vì Tết mà, than thở là dông cả năm.

Em ơi đừng sợ Tết - ảnh 1
Ảnh minh họa

Phụ nữ thành thị sợ Tết kiểu thành thị, phụ nữ nông thôn sợ Tết kiểu nông thôn, phụ nữ chưa chồng thì oải với việc suốt ngày bị hỏi: Bao giờ cho bác ăn bánh kẹo đây? Phụ nữ có chồng thì oải việc quê nội quê ngoại, bao giờ sinh con, đẻ thêm cho đủ nếp tẻ. Phụ nữ có con thì oải việc mừng tuổi. Con nhận được nhiều tiền mừng tuổi là cha mẹ cháy ví.

Phụ nữ luống tuổi tưởng đỡ mệt hơn nhưng oải vẫn cứ oải khi mà họ phải giữ vai chủ tiệc, phải ra dáng chủ nhà. Đừng nghĩ các cụ bà thoát nỗi sợ Tết nhé, họ cũng dằng dặc nỗi sợ đã gấp thếp qua từng Tết cũ, dai dẳng đến tận Tết này.

Trên nhiều quảng cáo của những năm gần đây người ta hay trưng biển “Tết thảnh thơi”. Tưởng như công cuộc giải phóng áp lực ngày Tết cho phụ nữ đã bắt đầu. Nhưng không, quảng cáo vẫn chỉ là quảng cáo khi thay vì xóa bỏ đi định kiến phụ nữ đảm đang ngày Tết, các nhãn hàng dường như lại đang tạo ra thêm những định kiến mới: Tết có nhiều tiền. Phải có nhiều tiền thì mới mua sắm được những thứ mà các nhãn hàng quảng cáo chứ?

Áp lực tài chính ngày Tết với đàn ông một thì với phụ nữ mười. Đàn ông chỉ bị áp lực tổng số tiền mang về cho vợ. Phụ nữ thì bị ti tỉ những áp lực “nhỏ xíu thế mà cũng kêu” là chi tiêu ngày Tết. Làm sao để có một cái Tết đủ với khoản phải chi tiêu. Vì vật giá leo thang, Tết là thời điểm mà mọi thứ đều có… “giá ngày Tết”. Áp lực phân bổ chi tiêu đè nghiến lên vai phụ nữ.

Hãy học cách đón Tết thảnh hơi

Nói em đừng sợ Tết thì dễ. Bởi dù gì tôi cũng là đàn ông. Tôi có phải là phụ nữ đâu mà sợ Tết. Đàn ông có phải chịu những áp lực như phụ nữ đâu? Chẳng ai đánh giá đàn ông dịp Tết cả. Thu nhập có kém thì tại kinh tế chung toàn cầu. Cứ “ngoại giao ngày Tết” rồi say khướt là chả phải làm gì cả. Đàn ông mà, không ngoại giao thì làm sao năm sau tốt được?

Nhưng tôi vẫn cứ nói: “Em đừng sợ Tết nữa!”. Là bởi hầu hết những áp lực ngày Tết đến từ chính phụ nữ. Là các chị em bị lây lan nỗi sợ Tết từ chính những phụ nữ đi trước. Là bởi các chị em tự gây ra những áp lực cho mình bởi sợ và không thoát ra khỏi những định kiến thước đo đảm đang ngày Tết. Là bởi chính các chị em đánh giá nhau về trách nhiệm phụ nữ ngày Tết. Hãy học cách “vô tâm của đàn ông” đi, ít nhất là trong những ngày Tết thế này.

Em ơi đừng sợ Tết - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đừng nói với tôi rằng: Đàn ông các anh có thể vô tâm được ngày Tết nhưng chị em tôi không thể. Trời ạ, Tết có giới tính đâu sao chị em cứ gắn mác giới tính cho Tết thế? Tết là… vô tâm đi có được không? Các chị đâu cần phải nấu cỗ bàn to, đủ món linh đình. Rồi các chị phải tất bật từ sáng tới tối, lo nhà cửa phải tinh tươm, bày biện đủ kiểu.

Rồi! Đàn ông cũng vậy. Anh nói anh yêu vợ nhưng anh có thương vợ không? Anh lười sao cứ bắt vợ phải chăm? San sẻ việc Tết với vợ làm ơn đừng giống như trên quảng cáo, hãy là chính anh, chồng của người phụ nữ đang sống với anh. Không phải coi cô ấy như một thiết bị gia dụng. Hãy coi cô ấy là phần thưởng của đời mình những ngày Tết thế này. Cùng cô ấy tận hưởng Tết đi. Bằng hai vợ chồng với nhau đã là Tết. Giúp cô ấy đừng sợ Tết, hãy vui Tết, ăn Tết, chơi Tết, thưởng Tết…

Cuối cùng, thứ mà tôi mong gửi gắm được đến hàng triệu phụ nữ Việt khi sắp Tết này là: Đừng em, Tết sợ. Là Tết sẽ trở nên rất đáng sợ nếu như các chị em cứ sợ Tết như thế này. Nỗi sợ đó sẽ lây lan rất nhanh. Nó sẽ biến những háo hức của một năm mới kém vui đi.

Là nhiều ông chồng cũng từng than thở với tôi rằng họ sợ Tết vì phải chứng kiến nỗi sợ Tết của vợ. Càng sợ, nhiều phụ nữ càng dễ tạo ra áp lực vào chính chồng mình, con mình. Biến những ngày Tết mang tiếng là được tận hưởng thành sự tận cùng, tận thế.

Như chính bản thân tôi từng phát điên lên khi vợ nhất quyết đợi đến 12h mới cúng giao thừa trong khi lũ bạn tôi í ới trên hồ Gươm xem bắn pháo hoa. Khi những ngày Tết hai vợ chồng chẳng được thảnh thơi bên nhau, người vợ suốt mấy ngày Tết mệt mỏi vì hai chữ: Đảm đang.

Tết là gì nếu không phải là khoảng thời gian sum vầy bên nhau. Đừng cỗ bàn linh đình, liên miên bởi Tết ai cũng đi ăn hết bữa này sang bữa nọ. Nhìn cỗ là ngấy. Tết là hội, Tết không phải là lễ, làm ơn! Đừng làm Tết sợ khi em khoác lên nó quá nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn để rồi tiêu tùng Tết vậy!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.