Gia đình và "cuộc chiến" công nghệ

Chia sẻ

PNTĐ-Các thiết bị công nghệ số đang giúp cho cuộc sống gia đình ngày một tiện lợi hơn, nhưng nó cũng khiến cho "lửa ấm" trong gia đình dần nguội lạnh...

 
Gia đình và
Ảnh minh họa

 
“Nếp sinh hoạt chung trong gia đình... biến mất vì smartphone”
 
Đó là khẳng định của ông Dương Đình Lân (65 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ông Lân kể: Trước đây, khi vợ ông chưa biết dùng Facebook (fb), hai vợ chồng còn cùng nhau làm việc nọ việc kia, hoặc đèo nhau ra ngoài mua bán, thăm họ hàng.
 
Từ ngày, con cháu mua smartphone và lập fb cho bà để liên lạc, cập nhật tin tức gia đình bằng hình ảnh với cháu ngoại ở nước ngoài, bà “nghiện” nó từ lúc nào không hay. Bây giờ, bà “dính” smartphone mọi nơi mọi lúc, đi chợ mà cũng quay clip, đang nấu ăn cũng chụp ảnh gửi cho con gái xem, đôi khi còn phát trực tiếp luôn.
 
Tối đến, con cháu trở về, bữa tối diễn ra im lặng, ít tiếng nói cười như trước, bởi con cháu cứ kè kè chiếc smartphone bên cạnh. Thoảng thoảng, chúng lại cầm lấy miết lên miết xuống. Câu chuyện nói trong bữa cơm gia đình đều là chuyện trên mạng xã hội, hay nhà người quen được đăng trên FB.  
 
Gian nan “giữ lửa ấm” gia đình thời công nghệ
 
Bà Nguyễn Thị Hồng (Hạ Đình, Thanh Xuân) kể nhà có ba con trai, tất cả đều lấy vợ sống riêng bên ngoài. Bà quy định cuối tuần, con cháu sẽ về sum họp với ông bà một lần. Ông bà vốn dĩ mong muốn bữa cơm sum họp ấy là dịp để mọi người ngồi lại với nhau, chia sẻ mọi buồn vui, thắt chặt lại tình cảm gia đình.
 
Nhưng, công nghệ đã biến mong muốn của ông bà lụi tắt khi con cháu kéo nhau về nhưng trong tâm thế “tự kỷ” với điện thoại và Ipad. Cả buổi, có đứa còn không hỏi nhau một tiếng nào. Đến giờ ăn, đứa vừa ăn vừa xem, đứa ăn nhanh chóng để được cầm máy chơi tiếp. Con trai, con dâu cũng dăm câu ba điều với nhau rồi chăm chú vào điện thoại cho đến giờ ai về nhà nấy. 
 
Câu chuyện phiếm trên bàn rượu của anh Duy Tuấn (kỹ sư công nghệ thông tin) kể về chuyện vợ chồng anh cả tháng nằm cạnh nhau mà không nói với nhau câu nào là cảnh thường thấy trong các gia đình hiện nay. Anh Tuấn kể, cả ngày bận rộn, thời gian dành cho nhau là khi vào phòng ngủ. Nhưng thay vì chia sẻ với nhau việc nhà, việc cơ quan, vợ anh lại mang điện thoại ra “cày phim” cho đến khuya, không cần biết chồng ngủ chưa. Không thể trò chuyện cùng vợ, anh cũng cầm điện thoại lên giải trí. Kết quả, nhu cầu chia sẻ vợ chồng anh chị theo đó bị đóng băng.
 
Mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến văn phòng Tâm Giao (báo PNTĐ) xin tư vấn về hôn nhân đang có nguy cơ đổ vỡ chỉ vì vợ/chồng “yêu” điện thoại hơn mình, con cái nghiện game, mê mạng xã hội, vợ chồng ghen tuông, bạo hành nhau vì những tin nhắn của người thứ ba trên FB, Zalo của bạn đời... Công nghệ đang khiến các thành viên trong gia đình ngày một xa nhau dù họ vẫn sống cùng nhau dưới một mái nhà. Mối quan hệ tình cảm trong gia đình trở nên lỏng lẻo vì ai cũng bận rộn với thế giới ảo trong chiếc smartphone của mình.  
 
Hậu quả của việc nghiện smartphone không nhỏ, tiếp xúc với các thiết bị công nghệ nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn để lại những hệ lụy đau lòng. Việc bố mẹ để con nhỏ gặp tai nạn vì mải mê với smartphone xảy ra không ít. Những đứa trẻ còn nhỏ nhưng phải nhập viện tâm thần vì thời gian tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá nhiều. Điều này đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho mỗi gia đình.
 
Nếu mỗi chúng ta không có những ứng xử đúng đắn đối với việc sử dụng thiết bị công nghệ, không thiết lập những quy tắc chung trong gia đình về việc sử dụng smartphone thì việc giữ lửa hạnh phúc sẽ vô cùng khó khăn. Chính chúng ta sẽ tiếp tay cho smartphone trở thành “thủ phạm” làm vào đổ vỡ hạnh phúc.
 
 
 Khảo sát Chỉ số mối quan hệ Prudential (PRI) do Prudential thực hiện trên 10 nước châu Á (trong đó có Việt Nam) cho thấy, người Việt Nam yêu công nghệ nhất châu Á. 32% các cặp vợ chồng xung đột do thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính trong đời sống hằng ngày. Việc sử dụng công nghệ quá nhiều, ít giao tiếp bằng lời nói khiến các mối quan hệ lỏng lẻo dần; 16% người Việt nghiện công nghệ đến mức họ không nỡ từ bỏ chiếc điện thoại để dành nhiều thời gian hơn cho người khác, dù chỉ trong một ngày; 28% cho biết họ thích sử dụng điện thoại hơn là dành thời gian cho những người thân của mình.
 
 
Hạ Thi 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.