Gương vỡ lại lành nhờ hòa giải viên

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xuân về là lúc các gia đình đoàn viên, đoàn tụ bên nhau. Nhưng đâu đó, có những cặp vợ chồng lại mâu thuẫn, thậm chí đến mức cầm đơn ra toà xin ly hôn… Rất may, có những hòa giải viên đã giúp họ hàn gắn tình cảm, khiến gương vỡ lại lành.

Gương vỡ lại lành nhờ hòa giải viên - ảnh 1

1.  Thẩm phán Bùi Đức Hiệp, Chánh án TAND huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhớ lại ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán mấy năm trước, một cặp vợ chồng dắt nhau đến toà xin ly hôn. Người vợ trẻ bế đứa con mới 4 tháng tuổi trên tay, thút thít đến toà. Người chồng đi theo sau, tâm trạng nặng trĩu. Đứng trước sân toà, cả hai mâu thuẫn, cãi nhau, khiến đứa con giật mình khóc thét. Nghe thế, thẩm phán Bùi Đức Hiệp xuống hỏi thăm. Người vợ nghẹn ngào kể: “Em vừa sinh con, không có thu nhập. Chồng em đi làm cả năm được mấy chục triệu tiền tiêu Tết và bỉm sữa cho con nhưng mấy ngày Tết bị rủ rê, ngồi chơi cờ bạc hết. Gia cảnh giờ đã nghèo còn túng thiếu hơn. Em chỉ nói mấy câu mà anh ấy còn đánh, chửi em”. 

Người chồng cũng thanh minh: “Mất tiền tôi cũng xót, cũng tiếc. Tôi bảo cô ấy đừng nói nữa, mà cô ấy còn nói hỗn. Tôi chỉ tát mấy cái mà cô ấy bỏ nhà về ngoại…”. 

Ông Hiệp thở dài. Những vụ ly hôn vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà trong phút bất đồng quan điểm, cả hai không làm chủ được cảm xúc mà quyết định ra toà hiện nay không hiếm trong các gia đình trẻ. Chỉ cần toà thụ lý giải quyết, chắc chắn, cuộc hôn nhân của họ sẽ kết thúc. Nhưng đứa trẻ mới 4 tháng tuổi trên tay vô tội. Em bé nằm cuộn tròn trong vòng tay mẹ ngủ khiến ông nhói lòng. Ông cũng là bố của những đứa con thơ. Thiết nghĩ cuộc hôn nhân này có thể hoà giải được, ông Hiệp phân tích để cả hai vợ chồng hiểu quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái mà Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định, đồng thời cũng phân tích lỗi sai của cả hai vợ chồng trong trường hợp này.

 Nói xong, ông xua tay: “Đầu năm sớm, hai vợ chồng về nhà suy nghĩ 1 - 2 tuần. Nếu vẫn quyết định ly hôn thì quay lại đây”.

Hai vợ chồng trẻ lại ngậm ngùi về nhà. Chỉ 1 tuần sau, người vợ 1 mình đến gặp ông Hiệp nói: “Chồng em sau hôm đó về đã xin lỗi vợ và hứa không tái phạm nữa. Em cũng đã tha thứ cho chồng. Hiện anh ấy lại rời quê đi làm ăn…”. Nghe thế ông Hiệp thở phào. 

Thẩm phán Hiệp khuyên răn trên cương vị của một người đi trước rằng, trong cuộc sống không ai toàn vẹn, khi đã quyết định kết hôn, những cái tốt đều được đón nhận nhưng cái chưa tốt thì cũng nên xác định là sẽ cùng nhau khắc phục, bảo ban nhau xây dựng hạnh phúc.

2. Gần 20 năm làm công tác hoà giải tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Túc kể, bà cũng từng hoà giải nhiều vụ mâu thuẫn ngày Tết hay ngay trong dịp đầu năm mới bắt nguồn từ mâu thuẫn rất nhỏ trong gia đình. Như một vụ việc, khi bà Túc đang cùng chồng về quê ngoại đầu xuân thì có một cuộc điện thoại đến: “Chị ơi, nhà bà M vứt túi rác to sang nhà cô N. Hai gia đình đang cãi nhau”. Chiều hôm ấy, bà tức tốc lên Hà Nội, sang ngay nhà hàng xóm để nói chuyện. Bà Túc nhẹ nhàng bảo: “Chị ơi, như thế này là có sự xâm phạm không gian riêng của hàng xóm rồi”. Thấy bà M im lặng, bà Túc nói thêm. “Nếu chị hứa từ nay về sau không vứt rác sang hàng xóm nữa thì chúng em sẽ bỏ qua chuyện này. Ai cũng muốn vui vẻ đón xuân mới, mọi người nhịn nhau một chút thì hàng xóm mới êm ấm được”. Bà chỉ cần nói thế mà từ đó về sau không thấy hàng xóm phàn nàn về việc bà M vứt rác sang nhà nữa. 

Hay chuyện vợ chồng chị T mâu thuẫn vì không thống nhất quan điểm ăn Tết ở đâu cũng được bà Túc hoà giải thành công. Chuyện là, chị T muốn cả nhà đi du lịch ngày Tết, còn chồng chị thì muốn về quê sum vầy với bố mẹ. Hai bên không thống nhất được ý kiến dẫn đến mâu thuẫn xảy ra. Sát Tết, anh đưa con lớn về quê trước. Chị và con nhỏ ở lại Hà Nội. Bà Túc nhẹ nhàng khuyên bảo chị T: “Chồng không đồng ý, chị đi du lịch Tết một mình cũng không vui. Về quê ăn Tết để san sẻ niềm vui đón chào năm mới với người thân, ông bà, cho các con cảm nhận được không khí truyền thống của gia đình cũng rất đáng quý; còn đi du lịch thì hai vợ chồng lựa chọn ngày khác trong năm cũng được!. Chị T một dạ hai vâng, ngay chiều hôm ấy, chị ra chợ mua thêm một số quà bánh, rồi cùng con bắt chuyến xe cuối cùng về đón Tết cùng chồng…
3. Đối với các vụ án hôn nhân gia đình, khi giải quyết, thẩm phán Bùi Đức Hiệp đều chọn cách hoà giải đầu tiên; cố gắng tìm mọi biện pháp để hàn gắn tình cảm. Nhờ đó, rất nhiều vụ án ly hôn trẻ đã được ông hoà giải thành công. Cũng nhiều gia đình gọi điện hoặc đến toà cảm ơn vì đã giúp chồng/vợ của họ hiểu hơn và có trách nhiệm hơn với gia đình mình. 

Theo ông Hiệp, hiện nay quan niệm về gia đình, hôn nhân của các cặp đôi trẻ đã thay đổi nhiều. Các kết nối hôn nhân lỏng lẻo hơn trước đây. Vì thế mà tỷ lệ các gia đình ly hôn khá cao, chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ. Một số nguyên nhân dẫn đến ly hôn gồm bạo lực gia đình, khó khăn về kinh tế do làm ăn thua lỗ, chồng chơi bời, nợ xấu… Bên cạnh đó, cũng có nhiều cặp vợ chồng trẻ kết hôn khi tuổi đời còn trẻ, kiến thức và kỹ năng ứng xử chưa tốt; thái độ, lời ăn tiếng nói, ứng xử còn bốc đồng, dẫn đến mâu thuẫn nghiêm trọng hơn… “Chúng tôi đánh giá mức độ xung đột của các cặp vợ chồng, từ đó đưa ra phương án hoà giải phù hợp. Nếu có cơ hội đoàn tụ, chúng tôi sẽ cố kéo dài quá trình hoà giải để họ có nhiều thời gian suy nghĩ trước khi quyết định” - ông Hiệp nói và dành lời khuyên cho các bạn trẻ trước khi kết hôn rằng: Một là “các bạn trẻ cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho cuộc sống hôn nhân; hiểu rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong hôn nhân. Hai là, cần nắm kỹ năng trong giải quyết các vấn đề gia đình”. 

Còn bà Túc thì nhấn mạnh: Muốn làm tốt công tác hòa giải cũng cần sự khéo léo, ứng xử linh hoạt. Từ kinh nghiệm của mình, bà bắt đầu câu chuyện bằng sự hỏi thăm, không biến cuộc hòa giải thành cuộc tra hỏi mà chỉ động viên, từ đó tham gia ý kiến của các bên về sự việc vừa xảy ra và phân tích về tình, về lý cho các bên hiểu. Đối với những người đang nóng thì phải giúp họ bình tĩnh, tạm thời chiến tranh lạnh để xem cách cư xử như thế nào. Đối với vợ chồng trẻ, nếu mâu thuẫn nhỏ biết cách xử lý thì sẽ góp phần tạo nên hạnh phúc. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.