Hạnh phúc với cuộc sống “tình nhân”

Chia sẻ

Với cha mẹ khuyết nửa, tái hôn ở tuổi xế chiều luôn là vấn đề phức tạp. Bởi nó không chỉ là hạnh phúc riêng của bản thân họ mà còn liên quan đến con cái. Vì vậy, xu hướng sống "tình nhân" đang được nhiều người lựa chọn.

Bố mẹ chồng tôi ly hôn từ lúc chồng tôi mới lên 10 tuổi. Mấy chục năm nay, bà làm mẹ đơn thân để nuôi con trai khôn lớn trưởng thành. Khi tôi về làm dâu, mỗi ngày cảm nhận được niềm hạnh phúc vợ chồng, tôi thật sự thương mẹ chồng sống cảnh lẻ bóng bấy lâu nay. Bước vào tuổi 60, con cái trưởng thành, cháu chắt ngoan ngoãn, mục đích của cuộc đời bà có thể nói là đã hoàn thành. Thời điểm này, mẹ chồng tôi mới thấy cần phải sống cho bản thân. Và, tôi đọc được nỗi buồn trong mắt bà khi chứng kiến cuộc sống có đôi có cặp của hàng xóm, bạn bè.

Tôi tâm sự với chồng về chuyện của mẹ, dò hỏi anh về chuyện để mẹ tái hôn. Bởi tôi biết với anh, một người "độc chiếm" tình yêu thương của mẹ từ nhỏ đến lớn sẽ không dễ dàng chấp nhận để mẹ đi bước nữa. Đó cũng là lý do mà bao nhiêu năm nay, mẹ chồng tôi chấp nhận cuộc sống đơn thân để không ảnh hưởng đến tình cảm mẹ con. Giờ đây, tuy con trai đã trưởng thành vượt qua được mọi tổn thương trong cuộc sống nhưng bà lại bước vào "tuổi cậy con". Bà sợ nếu tái hôn thì sẽ tạo thêm một gánh nặng cho con khi bỗng dưng phải có nghĩa vụ với tuổi già của cha dượng- một người đàn ông không có công dưỡng dục con ngày nào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Quả nhiên, chồng tôi không ủng hộ chuyện mẹ tái hôn. Sở dĩ tôi làm tư tưởng trước với anh là muốn vợ chồng tôi chủ động đề cập vấn đề này với mẹ. Tôi nghĩ với chuyện tái hôn tuổi xế chiều của cha mẹ khuyết nửa, con cái nên chủ động khích lệ, ủng hộ thì họ mới thoải mái tìm kiếm hạnh phúc riêng. Sau nhiều lần được đả thông tư tưởng, cuối cùng chồng tôi cũng đồng ý.

Một ngày, tôi rủ mẹ chồng đi chơi rồi đề cập đến chuyện đó. Ban đầu, bà còn hơi ngần ngại nhưng sau khi được tôi động viên và cho biết vợ chồng tôi đều ủng hộ bà tìm niềm hạnh phúc lứa đôi để cuốc sống tuổi già thêm vui vẻ thì bà rất xúc động.

Không lâu sau, mẹ bảo với vợ chồng tôi là đã tìm được "ý trung nhân". Tuy nhiên, hai người sẽ sống theo hình thức "tình nhân". Theo lời mẹ, hai người dù đều ở cảnh độc thân nhưng ai cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm với con cái riêng của mình. Do đó, họ sẽ dành cho nhau một số ngày trong tuần để bên nhau, thời gian còn lại sẽ dành cho con cháu. Cụ thể, mẹ sẽ ở bên ông ấy từ thứ Hai đến thứ Năm, còn từ thứ Sáu đến Chủ nhật thì sẽ về với vợ chồng tôi. Lý do phân chia thời gian như vậy là hai người muốn dành những ngày nghỉ cuối tuần vui vầy với con cháu, còn những ngày đầu tuần con cháu đều bận làm, bận học, ông bà sẽ về với nhau. Bên đó, con cái ông cũng đồng ý với phương án này. Để tiện cho việc sinh hoạt của ông bà, con cháu ông "nhà chung nhưng ăn riêng" trong mấy ngày bà về bên này, những lúc bà về với con cháu thì ông lại ăn chung cùng họ.

Vợ chồng tôi không muốn mẹ sống kiểu "tình nhân" như thế vì sợ phụ nữ sẽ thiệt thòi hơn. Nhưng rồi, sau một thời gian, chúng tôi lại thấy điều đó hợp lý. Mẹ chồng tôi bảo, tuổi già cần có người chia sẻ, chăm sóc nhau sớm hôm, nhưng cần có khoảng cách thì mới hạnh phúc. Bởi họ đều là những người có dấu hiệu "già trái tính trở nết", nếu cứ 30 ngày bên nhau liên tục thì dễ nảy sinh cãi vã, khó sống với nhau vui vẻ lâu dài được. Nhưng nếu 1 tuần tạm xa mấy ngày thì sẽ tránh được điều đó, và cân bằng được tình cảm với con cháu.

Bốn năm nay, mẹ chồng tôi đã rất hạnh phúc với cuộc sống "tình nhân" đó. Con cái hai bên cũng thấy thoải mái với cuộc sống già của cha mẹ mình. Lúc khỏe mạnh, ông bà sống vui với nhau, khi hai người đến giai đoạn "cậy con" thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm với cha mẹ của mình, không ai tạo gánh nặng thêm cho con cháu đối phương.

KIM TRẦN (Thanh Xuân, Hà Nội)

Với cha mẹ già khuyết nửa, có thật là tái hôn tuổi xế chiều sẽ bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc? Và, nếu sống cảnh “tình nhân” thì sẽ không có vấn đề hệ lụy nảy sinh, có được niềm hạnh phúc lứa đôi tuổi già? Hay, có những lựa chọn sống khác giúp họ hạnh phúc hơn mà vẫn được con cái thuận tình chấp nhận?... là những vấn đề được đặt ra để thảo luận tại diễn đàn này. Các ý kiến xin gửi về chuyên mục Hôn nhân Gia đình - Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội), hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Ý kiến được đăng tải sẽ được tòa soạn trả nhuận bút theo quy định.

Tin cùng chuyên mục

Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.
Hè cùng con đọc sách

Hè cùng con đọc sách

(PNTĐ) - Đồng hành cùng con, nhất là vào thời gian hè là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Chị Trần Dung (Hưng Yên) vừa là mẹ, vừa là gia sư đã giúp con có mùa hè thoải mái nhưng vẫn bổ ích. Và cách chị chọn chính là trang bị cho con thói quen yêu thích đọc sách trong hè.