Hãy để chữ hiếu luôn ở vị trí đúng

Chia sẻ

Đạo hiếu là nền tảng đạo đức cơ bản trong gia đình. Dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên luôn phải được đề cao, truyền dạy, giữ gìn và phát huy. Vì thế, hãy để chữ Hiếu ở vị trí luôn luôn đúng.

Sau một thời gian, diễn đàn gia đình về vấn đề “Báo hiếu bằng dịch vụ: Đúng hay sai?” trên báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được nhiều ý kiến tham gia thảo luận. Ở mỗi góc độ, mỗi hoàn cảnh, những ý kiến đều nêu quan điểm riêng trong việc đánh giá đúng hay sai khi dịch vụ báo hiếu ra đời và được mọi người đón nhận sử dụng. Ai cũng có lý lẽ trước góc nhìn của mình. Diễn đàn tạm thời khép lại với quan điểm, góc nhìn về vấn đề này của bạn đọc Trần Danh Dũng dưới đây.

Con cái có tâm: Báo hiếu cách nào cũng đúng

Con cái báo hiếu cha mẹ thì sẽ luôn đúng, không bao giờ sai. Nếu nó sai thì nằm ở cách con cái thực hiện đạo hiếu không chứa đựng cái tâm của mình trong đó. Vì thế, dẫn đến câu chuyện con cái báo hiếu nhưng lại trở thành bất hiếu.

Con cái sử dụng dịch vụ giúp việc để chăm sóc cha mẹ thay mình, khi họ không có thời gian để làm điều đó vì mưu sinh, vì hoàn cảnh công việc, điều kiện sống cách xa. Cách báo hiếu này không sai, nhưng nó sẽ không đúng nếu như họ "khoán trắng" cho người giúp việc mọi trách nhiệm, nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ mình. Điều này dẫn đến tình trạng, một số cha mẹ bị con cái "bỏ rơi" trong chính ngôi nhà của mình và trở thành nạn nhân bị bạo hành bởi người giúp việc. Tôi biết, những bậc cha mẹ bị tai biến nằm liệt một chỗ bị người giúp việc bỏ đói, không vệ sinh tắm rửa thường xuyên dẫn đến lở loét, hôi thối, bị chuột gặm nhấm cả bàn chân bởi sự bỏ bê, lơ là của người giúp việc "không có tâm". Những người con của họ đi làm ăn xa, sống riêng ở nơi khác vẫn nghĩ rằng mình đã làm tròn trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi trả tiền cho giúp việc đầy đủ hàng tháng.

Một bộ phận cha mẹ già hiện nay đang sống rất tốt nhờ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi 	(Ảnh minh họa)Một bộ phận cha mẹ già hiện nay đang sống rất tốt nhờ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, cũng là thuê người chăm sóc cha mẹ ở nhà, hay đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão sống, nhưng các con vẫn đồng hành bên cạnh các dịch vụ đó bằng sự quan tâm, kiểm soát hàng ngày. Thời công nghệ, việc giám sát, kiểm tra các dịch vụ mình sử dụng rất dễ dàng. Ngày nay, nhiều ngôi nhà được lắp camera an ninh khắp các phòng. Con cái đi làm vẫn kiểm tra được cha mẹ ăn ngủ, nghỉ thế nào ở nhà qua màn hình điện thoại. Họ có thể theo dõi người giúp việc chăm sóc cha mẹ mình ra sao. Nếu có chỗ nào không đúng liền kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn lại. Tôi đã từng chứng kiến những bữa cơm thời công nghệ giữa cha mẹ già ở quê sống cùng giúp việc với con cháu đang sống ở thành phố. Hai chiếc Ipad được đặt trên bàn ăn của ông bà và con cháu, được kết nối truyền trực tiếp qua ứng dụng gọi zalo, cứ thế con cháu ăn cơm cùng ông bà, trò chuyện rất đầm ấm. Cha mẹ dù sống xa, không được con cháu trực tiếp chăm sóc hàng ngày nhưng vẫn cảm nhận được lòng hiếu thảo ấm áp.

Vì vậy, chỉ cần con cái có tâm, dù báo hiếu bằng dịch vụ hay báo hiếu trực tiếp đều luôn đúng.

Đạo hiếu là di sản cần phải "bảo tồn" mãi mãi

Chúng ta phải thừa nhận một thực tế đang diễn ra trong thời hiện đại là chữ Hiếu đang có biểu hiện xuống cấp, ở một bộ phận gia đình còn xuất hiện tình trạng chữ hiếu xuống cấp trầm trọng. Gia đình Việt dù hội nhập đến đâu thì vẫn lấy chữ "Hiếu Đễ" làm nội dung cốt lõi. Nói đến "Hiếu" là nói đến chuẩn mực đạo đức của con cái đối với cha mẹ: Tôn trọng, yêu thương, nuôi dưỡng bậc sinh thành. "Đễ" là sự nhường nhịn, hòa thuận trong mối quan hệ anh chị em trong gia đình. Những chuẩn mực này giống như rường cột để xây dựng một ngôi nhà. Nếu không có rường cột, ngôi nhà sẽ không thể hình thành, dù dùng cách nào đó để gác lên thì nó cũng nhanh chóng sụp đổ sau đó.

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự du nhập ào ạt của văn hóa ngoại lai, gia đình bị tác động mạnh mẽ. Bên cạnh những cái được, là những cái mất không nhỏ, khi các giá trị đạo đức trong gia đình bị xuống cấp. Trong một bộ phận gia đình, đạo đức của con cái bị xuống cấp trầm trọng. Tình trạng con cái ngược đãi, bỏ rơi, thậm chí giết hại cha mẹ đã diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Chữ "Hiếu" đang dần mai một khiến đạo đức gia đình bị suy thoái. Đời sống xã hội vì thế mà bất ổn theo. Do đó, thiết nghĩ càng hiện đại thì chúng ta càng cần phải có ý thức và trách nhiệm phải bảo vệ, giữ gìn chữ "Hiếu".

Nói theo một cách khác, đạo hiếu là một di sản ngàn năm của gia đình, của dân tộc, đất nước, và nó cần được "bảo tồn" mãi mãi theo thời gian.

TRẦN DANH DŨNG (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.