Lễ Vu Lan:

Hãy thực hành đạo hiếu suốt 365 ngày

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Vu Lan là ngày lễ quan trọng hàng năm không chỉ với các tăng ni, phật tử mà còn với nhiều người dân nhằm thể hiện lòng biết ơn, tri ân tổ tiên, các bậc sinh thành. Theo ni sư Thích Đàm Hiếu, Uỷ viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hà Nội, Phó Trưởng ban đặc trách ni chúng thành phố, Trụ trì chùa Viên Minh (ảnh trên), việc tham gia cúng lễ trong ngày Vu Lan là rất tốt, nhưng quan trọng hơn là con cháu hãy luôn ghi nhớ công ơn nguồn cội và thực hành đạo hiếu với ông bà, cha mẹ suốt trong năm.

Hãy thực hành đạo hiếu suốt 365 ngày - ảnh 1

Thưa ni sư Thích Đàm Hiếu, ni sư có thể giải thích cho độc giả của Báo Phụ nữ Thủ đô hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan?

Lễ Vu Lan (vào ngày Rằm tháng Bảy hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Đạo Phật, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ. Khởi nguồn từ Đạo Phật, nhưng Vu Lan hiện nay không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo, mà đã trở thành ngày lễ thiêng liêng để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với trời đất; Tổ quốc, xã hội; các anh hùng liệt sĩ và cuối cùng là tổ tiên, các bậc sinh thành, dưỡng dục. 

Ngoài ra, Rằm tháng 7 còn là ngày xá tội vong nhân. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày này được quan niệm là ngày ân xá cho vong nhân không nhà cửa, không nơi nương tựa. Vì thế, dịp này còn mang hàm ý nhắc nhở mỗi người về tình yêu thương, lòng nhân ái, không chỉ yêu thương, hiếu kính ông bà, cha mẹ, anh em mình mà còn thương yêu mọi người trong xã hội, thương yêu đồng loại nói chung…

Một trong những nghi thức quan trọng của ngày lễ Vu Lan chính là nghi thức “bông hồng cài áo”. Người con nào còn mẹ thì cài bông hồng đỏ và tự nhắc nhở mình hãy cố gắng vâng lời, tận tâm phụng dưỡng cha mẹ, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ. Người không còn mẹ cài bông hồng trắng, cầu nguyện để người đã mất được siêu thoát. 

Thưa ni sư, trong ngày lễ Vu Lan, các phật tử và người dân nói chung thường đến chùa để thực hiện cúng lễ. Vậy, đối với những người không có điều kiện tới chùa cũng như sắm sửa lễ cúng thì có bị coi là chưa trọn lòng thành không? 

Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Lễ quan trọng là ở trong Tâm. Vì vậy, trong ngày Vu Lan,  những người con Phật có thể đến chùa tham gia cầu siêu cho người đã khuất,  phóng sinh để tích phước cầu an, hóa giải nghiệp chướng... Tuy nhiên, thực tế, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện mà các phật tử, người dân có thể thực hiện nghi thức Vu Lan mọi lúc, mọi nơi. Và không phải cứ sắm sửa lễ to, đốt nhiều vàng mã mới là cúng lễ. Có thể chỉ cần chuẩn bị chút hoa, quả, thắp nén nhang dâng lên tổ tiên, miễn là lòng thành, tâm thiện, hướng Phật đều được.

Hãy thực hành đạo hiếu suốt 365 ngày - ảnh 2
Vu Lan là dịp để mọi người thể hiện lòng biết ơn, tri ân tổ tiên, các bậc sinh thành. Ảnh minh họa

Lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở chúng ta về đạo hiếu. Vậy thầy có thể đánh giá gì về chữ hiếu thời nay?

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin các sự việc con bạo hành cha mẹ, con cái vì tranh giành tài sản thừa kế mà đốt nhà, chửi mắng cha mẹ; con cái bỏ đói cha mẹ già yếu, bệnh tật… thực sự rất đau lòng. Điều này cũng phản ánh trong xã hội hiện đại, chữ hiếu trong một bộ phận người dân đang có phần phai nhạt. 

Internet phát triển khiến con người tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau, trong đó có cả thông tin trái chiều. Khi không biết chọn lọc thông tin tốt thì nhiều người sẽ nhiễm phải cái xấu, cách hành xử lệch chuẩn, nảy sinh tư tưởng ích kỷ, vô trách nhiệm, đề cao cái tôi cá nhân lên trên cộng đồng, lấy giá trị vật chất làm thước đo… Thế giới ảo cũng khiến con người xa rời nhau trong thế giới thực, nhiều người con mải mê trên thế giới ảo mà quên rằng mình vẫn đang có cha mẹ trông ngóng, cần được báo hiếu trong đời thực.

Vậy như thế nào là thực hành đạo hiếu đúng trong đời sống?

Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị gia đình truyền thống Việt đang có nhiều biến đổi. Những người con vì mưu sinh nên đi làm ăn xa, dài ngày. Các mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường truyền thống ít dần, thay vào đó là gia đình hạt nhân. Bố mẹ già thay vì ở với các con thì nay ở riêng, ở với người giúp việc hay có khi vào viện dưỡng lão…

Tuy nhiên, cũng trong xã hội hiện đại, việc báo hiếu, kết nối với cha mẹ cũng có nhiều thuận lợi hơn xưa. Đó là chỉ cần một cuộc điện thoại, tin nhắn… là bố mẹ và các con có thể kết nối với nhau, các con vẫn có thể hỏi thăm sức khỏe, biết tình hình bố mẹ ở xa cũng như bố mẹ vẫn nhìn thấy và gửi gắm tình cảm cho con. 

Tùy vào điều kiện, mỗi người con có thể chọn các cách báo hiếu khác nhau. Không phải cứ con giàu, sắm sửa cho cha mẹ đầy đủ của cải vật chất mới là có hiếu hay con giàu hiếu thuận hơn con nghèo. Cha mẹ không bao giờ đòi hỏi con về vật chất, mà có thể chỉ là một lời hỏi thăm, một cử chỉ ân cần của con dành cho mình cũng đủ ấm lòng. Khi cha mẹ còn khỏe mạnh, tự lo cho bản thân, việc báo hiếu cha mẹ đã khó. Khi cha mẹ già, đau yếu, bệnh tật, để báo hiếu cha mẹ còn cần kỳ công và cái tâm ở con. Đừng bao giờ coi cha mẹ là gánh nặng, mệt mỏi.

Nói riêng về việc thực hành đạo hiếu trong gia đình, trong dịp lễ Vu Lan, ni sư có thể nói gì với các phật tử?

Như đã nói lễ Vu Lan là dịp để mỗi người con suy nghĩ về đạo hiếu. Trong gia đình, không chỉ người trẻ mà ngay cả các bậc cha mẹ cũng cần làm gương cho con, cháu. Cha mẹ phải hiếu thuận với bố mẹ của mình. Cha mẹ mà bất hiếu, cãi lại bố mẹ thì các con, cháu cũng sẽ nhìn vào mà ứng xử như vậy. Với các con, theo Đạo Phật, hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo chính đạo là một thái độ hiếu thuận có ý nghĩa nhất trong những bổn phận của người con đối với cha mẹ. Bên cạnh đó, các con cần hết lòng hiếu kính, lễ phép, chăm sóc cha mẹ chu đáo, hãy trân quý từng ngày còn có cha mẹ của mình. Người nào mà cha mẹ đã đi xa thì tự nhắc mình không bao giờ quên ơn cha mẹ, nỗ lực giữ gìn nền nếp gia phong, xây dựng gia đình hòa thuận, no ấm. Cha mẹ nào cũng mong con an lành, sống thiện. Vì vậy, người con xây dựng cho mình đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân; còn làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.
Cúng lễ Vu Lan trong 1 ngày, mọi người có thể chọn cách cúng lễ phù hợp. Nhưng quan trọng hơn nữa chính là sự tự giác, tự nguyện thực hành đạo hiếu với ông bà, cha mẹ trong suốt năm. Đây mới là ý nghĩa sâu sa của lễ Vu Lan.

Xin cảm ơn ni sư.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ai cũng chọn việc nhẹ, việc nặng sẽ dành phần ai?

Ai cũng chọn việc nhẹ, việc nặng sẽ dành phần ai?

(PNTĐ) - Trong trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại chung cư mini Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Nguyễn Quốc Trung - chiến sĩ Đội Phòng cháy, chữa cháy Công an quận Thanh Xuân bị ngạt khí vì tham gia cứu chữa người bị nạn. Sau 11 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 22/9, Trung may mắn cùng 10 bệnh nhân bị thương trong vụ cháy đã được xuất viện.
“Có sao” nếu vợ mình nhỉnh hơn chồng?

“Có sao” nếu vợ mình nhỉnh hơn chồng?

(PNTĐ) - Thời gian qua, diễn đàn “Vợ “nhỉnh” hơn chồng, có sao không?” trên Báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả gửi đến hộp thư của Báo. Trái ngược với nhiều ý kiến ủng hộ vợ giỏi hơn chồng, một số độc giả lại phản đối, cho rằng hôn nhân sẽ không hạnh phúc khi vợ giỏi hơn chồng mà cả vợ lẫn chồng đều cần biết cách vun vén, sẻ chia.
Đừng xem chồng chỉ là “công cụ” để có con

Đừng xem chồng chỉ là “công cụ” để có con

(PNTĐ) - Trong khi người vợ đang tìm cách để ly hôn càng nhanh càng tốt, thì người chồng cũng âm thầm đến văn phòng luật sư tìm hiểu mọi quy định, điều kiện bảo vệ quyền nuôi con của mình. Thậm chí, anh giành quyền nuôi cả hai đứa con, với mục đích để người vợ cần con mà không cần chồng ấy phải… trả giá.
Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ

Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ

(PNTĐ) - Nghe tin Thủy được bổ nhiệm làm phó giám đốc, ngay tối đó, mẹ chồng Thủy gọi điện lên, vừa chúc mừng câu trước thì câu sau đã gửi gắm: “Con chính là người mở đường cho cả họ nhà mình đấy nhé. Con liều liệu mà làm”.