Khi chồng đi chợ

Chia sẻ

ĐSGĐ-Từ ngày đi chợ, chồng có thêm nhiều bạn mới, mà toàn… bạn gái mới oai. Các chị không chỉ “phục vụ” đồ ăn mà còn tâm sự cả chuyện gia đình...

 
Chồng đi chợ - nghe đã có vẻ đầy “tâm trạng” rồi. Cái nhà ông này có uẩn khúc gì đây, nên mới phải thân chinh vác làn ra chợ. Vì vợ đoảng hay lại thuộc dạng đàn ông đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành? Không chỉ mấy bà hàng xóm thì thào, rồi các cô các chị ngoài chợ chỉ chỏ, mà đến cả mấy người họ hàng đến chơi biết chuyện cũng bàn tán râm ran khiến vợ chồng đi đến đâu cũng có người lựa lời “hỏi cho ra nhẽ”.
 
Chưa bao giờ vợ “âm mưu” giành “nữ quyền” bằng cách đẩy gánh nặng chợ búa cơm nước cho chồng, cũng không định “dạy” cho chồng bài toán kinh tế khi dúi tiền vào tay, bảo chồng ra chợ đi, rồi khắc biết chi tiêu trong nhà tốn kém thế nào. Chẳng qua là do “hoàn cảnh xô đẩy”, công việc của vợ ở cơ quan bận từ sáng sớm đến tối mịt, còn chồng ngược lại, tỷ phú thời gian, tuần chỉ đi dạy ở trường vài tiết. Đầu tiên chỉ là “tiện thể”, vợ nhờ chồng “anh đi về tiện mua hộ em thịt quay, dưa muối”, rồi sau đó hết gạo hết dầu, vợ không có nhà, chồng chạy ù ra ngoài ngõ… Dần quen việc, chồng không cần vợ nhắc cũng tự biết phải mua gì cho bữa trưa, bữa tối, món gì cho con, món gì cho cả nhà.
 
Khi chồng đi chợ - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Rồi từ khi nào chẳng biết, sáng sớm vợ vội vã đi làm, chẳng cần phải băn khoăn “tối nay ăn gì” nữa, vì biết rằng chốc nữa chồng đưa con đi học xong thế nào cũng rẽ qua chợ cóc ngoài cổng. Đã thành “quán tính” rồi, cứ tối về là có cơm dẻo canh ngọt đợi sẵn. Thời gian đầu vợ cũng “tự sướng”, nghĩ trong cái rủi có cái may. Chồng mình không làm ra tiền nhưng được cái chăm chỉ, chịu khó lại hiền lành nữa (không thế thì có rỗi hơi đến mấy cũng chả chịu nội trợ giúp vợ)…
 
Dần dà mới thấy phát sinh nhiều rắc rối. Ban đầu nhìn thức ăn trên bàn, vợ bảo: “Chồng mua nhiều thức ăn thế, cả nhà mình phải ăn ba bữa mới hết”. Đến khi mở tủ lạnh, vợ tá hỏa khi phát hiện còn cả một nồi thịt kho tổ chảng đang được chồng tàng trữ trong đó, phải ăn liền tù tì ba ngày may ra mới “giải tán” dứt điểm. Hôm sau chồng lại tha về tiếp một con cá… ba cân, vừa rán vừa kho, cái đầu nấu canh chua, không biết sẽ phải ăn đến bao giờ… Rồi cứ thế, cá cả con, thịt cả ký, trứng vài chục quả… lúc nào tủ lạnh cũng trong tình trạng quá tải, thức ăn lưu cữu, thừa mứa. Vợ nhỏ nhẻ bảo chồng: “Sao mình không mua vừa ăn thôi, mua nhiều quá để bữa sau ăn chán chết…”. Chồng mới thật thà: “Thì thấy mình đàn ông đi chợ, các bà ấy cứ tranh nhau chọn cho miếng ngon, lại bảo bác mua tất cho em, em lấy giá hữu nghị, ngon thế này không mua thì phí rồi cứ thế tay băm tay chặt, dúi vào tay mình. Nể quá đành mua vậy…”.
 
Vợ đành thở dài, bấm bụng chịu thua. Nhưng rồi dần dà, mấy bà mấy cô bán hàng lại “dấn thêm bước nữa”, không chỉ mua nhiều mà ngày nào bác cũng phải ghé hàng em, không thì em giận em buồn. Thế là mâm cơm càng thêm phần rôm rả, đã tôm còn thêm cá, đã thịt gà lại thêm cả thịt bò, ngày nào cũng “bổn cũ soạn lại”. Cả nhà “ngấy” đến ù tai, vợ còn âm thầm lo cho ngân quỹ thời lạm phát.
 
Khi chồng đi chợ - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Rồi cứ đến ngày Chủ nhật đẹp trời, vợ thấy chồng không phải đi chợ thì có vẻ bồn chồn, tút tút tin nhắn, nhoay nhoáy nhắn lại, rồi có khi nhận được điện thoại lại chạy tuốt ra ngoài ban công. Vài Chủ nhật như thế, vợ sinh nghi mới đòi chồng ngồi lại mà nghe điện thoại. Thế là lòi cái đuôi ra, “bạn chợ” của chồng đang nhắn tin gọi điện hỏi thăm xem anh có khỏe không, sao hôm nay không thấy anh đi chợ?
 
Vợ gấp rút mở cuộc điều tra, hóa ra từ ngày đi chợ, chồng có thêm nhiều bạn mới, mà toàn… bạn gái mới oai. Những là Hương thịt, Nga cá, Thúy rau, Hoài trái cây, Lương gạo… không chỉ luôn sẵn sàng “phục vụ” đồ ăn đến tận nhà những ngày mưa trái gió trở trời, các chị em còn nhiệt tình giải đáp “thắc mắc biết hỏi ai” mỗi khi bếp núc (mà vợ thì luôn bận không thể nghe điện thoại), lại còn nhỏ to tâm sự cả chuyện gia đình. Thậm chí có hôm cô hàng thịt điện thoại khóc sướt mướt, nói anh có rỗi không ra đây cà phê với em, chồng em bỏ đi theo gái rồi, phải chi em có được người chồng như anh… Nghe chồng “khai” đến đoạn này, vợ thấy cục nghẹn dâng lên đến tận cổ.
 
Còn đang mải khóc vì uất ức (nghĩ chắc cũng tại cả mình nữa), vợ thấy chồng lui cui vo gạo, nhặt rau, cái lưng hơi gù, cái dáng nhẫn nại… mới giật mình thảng thốt. Thì ra lâu nay mình cứ mải làm việc của mình, bận đến mức chả còn thời gian mà nhìn đến chồng nữa. Biến đi đâu mất tiêu rồi, cái người đàn ông phóng khoáng, nhiệt thành, sôi nổi… mà khi xưa ta từng yêu? Bây giờ chỉ còn lại bên ta một ông tóc muối tiêu, bất đắc chí và cam chịu. Tại cái nghề lỗi thời, công việc nhàm chán nó khiến con người cũng ù lì thụ động theo, hay tại ngày ngày xách làn đi chợ, rồi về cơm nước, con cái… nên càng tự ti, buông xuôi phó mặc cho những chuyện đời thường cỏn con nó dẫn lối đưa đường, chẳng cần biết đi đến đâu, vì cũng có cần gì hơn nữa đâu?
 
Khi chồng đi chợ - ảnh 3
Ảnh minh họa
 
 Ừ nhỉ, bây giờ mà gặp một ông thế này, liệu mình có yêu như điên như xưa được không? Không… chắc là không, giờ (hình như) không phải “gu” của mình nữa rồi, mà tuổi này còn yêu như điên thế quái nào được nữa…(!?)
Ấy thế mà vừa thả ra, đã có khối bà khối cô “mơ” đấy thôi? Lẽ ra nên lấy thế làm vui chứ nhỉ, vì nghĩ lại thì nếu không có cô nào ngó ngàng đến chả hóa ra là chồng mình… vô hại. Cứ thả ra giữa chợ như lô cốt không người, làm gì mà chả… bị địch tấn công?
 
            Diên Vỹ

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.