Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh
(PNTĐ) - Buồn bã, cô đơn, tự thu mình, lo ngại mình không còn có ích cho cộng đồng xã hội... Đó là tâm trạng của không ít người, trong đó có phụ nữ cao tuổi khi về hưu. Gia đình đóng vai trò như thế nào để giúp người thân của mình có đời sống tinh thần khỏe mạnh ở tuổi xế chiều... Trao đổi của Báo Phụ nữ Thủ đô với Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hải Vân (ảnh bên) tại Trung tâm Tâm lý Mindcare.
- Xin chị cho biết, sốc tâm lý khi về hưu có phải là hiện tượng phổ biến không hay chỉ diễn ra đơn lẻ ở một vài người?
- Đầu tiên chúng ta cần hiểu về sốc tâm lý. Khi phải đối mặt với tác nhân gây căng thẳng dữ dội, cá nhân có thể trải qua các cảm xúc mạnh mẽ đến mức khó để hiểu hoặc phản ứng lại. Đây chính là trạng thái sốc. Ở giai đoạn nghỉ hưu cũng có những thách thức tâm lý gây căng thẳng như vậy.
Ta thường chỉ nhìn nhận việc nghỉ hưu đơn thuần là trạng thái không làm việc. Nhưng thực tế, nó phức tạp hơn nhiều. Nghỉ hưu là một dấu mốc trọng đại, kéo theo đó là nhiều sự biến chuyển tâm lý khác nhau.
Một nghiên cứu hệ thống tại Trung Quốc vào năm 2021 cho thấy nghỉ hưu, đặc biệt là nghỉ hưu bắt buộc/đột ngột có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam 2021 cho thấy: 16% người cao tuổi tự đánh giá sức khỏe ở mức kém/rất kém; 11,70% (1,47 triệu người) có ít nhất một khuyết tật về chức năng; 6,32% (796.000 người) rất khó tự chăm sóc hoặc cần người chăm sóc hằng ngày. Từ khó khăn về thể chất, ta có thể dự đoán được sự khó khăn về sức khỏe tinh thần của người cao tuổi.
Về khía cạnh xã hội, ở châu Á, đặc biệt ở Việt Nam, có rất nhiều lý do dẫn tới sự khó khăn này. Nghề nghiệp thường được coi là một trong những yếu tố định nghĩa nên giá trị cá nhân, địa vị xã hội, danh dự cá nhân và gia đình. Mặt khác, nghỉ hưu cũng làm xáo trộn mối quan hệ xã hội của họ: Không còn gặp mặt, trao đổi với đồng nghiệp, một số mối quan hệ bị đứt gãy do mất đi vai trò xã hội.
Bước vào độ tuổi nghỉ hưu cũng đi kèm với nhiều sự thay đổi về ngoại hình hay các thách thức khác như: Chuyển từ độc lập sang phụ thuộc, mất hoạt động chủ đạo hằng ngày, sự thay đổi hormone ảnh hưởng tới cảm xúc…
Vì vậy, khi vai trò nghề nghiệp biến mất, cùng với các thách thức đặc trưng lứa tuổi, cá nhân có thể trải qua cảm giác mất mát và mất phương hướng.
- Nhiều người cho biết, trước khi về hưu, họ ao ước có nhiều thời gian cho gia đình. Nhưng, sau khi về hưu, họ lại cảm thấy cuộc sống đó thật buồn tẻ và bản thân không còn có ích cho gia đình... Vì sao lại như vậy?
- Có rất nhiều lý do nhưng thường, sự mâu thuẫn xảy ra khi tưởng tượng không khớp với thực tế. Người về hưu có thể tưởng tượng bản thân sẽ có rất nhiều thời gian để làm điều họ muốn nhưng sau nghỉ hưu, người lớn tuổi thường được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ gia đình thông qua việc chăm sóc cháu, làm việc nhà. Thêm nữa, ở nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, sự hữu ích đi kèm với việc làm ra tiền. Những công việc chăm sóc không lương vẫn chưa được công nhận xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Vì vậy, có thể người nghỉ hưu đã làm rất nhiều việc khác nhau trong ngày nhưng họ vẫn cảm thấy bản thân kém giá trị.
Đồng thời, với những thách thức như ở trên, ví dụ như không làm ra nhiều tiền, phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân… khiến họ có thể thấy mình giống như “người thừa” trong gia đình.
- Phụ nữ cao tuổi có thể đã hoặc đang vừa bước vào giai đoạn về hưu cần làm gì để có một cuộc sống tinh thần, thể chất lành mạnh?
- Điều đầu tiên mà mỗi người cần làm khi nghĩ đến việc giải quyết vấn đề là xác định các nguyên nhân.
Ví dụ như nếu nguyên nhân khiến một người nghỉ hưu gặp khó khăn là tài chính hay sự nhàm chán do không làm việc, thì họ có thể cân nhắc làm thêm một công việc phù hợp với khả năng và nguồn lực của họ hiện tại: Đi dạy thêm, kinh doanh nhỏ… Miễn là cá nhân đó có mong muốn và sức khỏe, thì hoạt động mới nào cũng sẽ là cơ hội để họ có thể tiếp tục khám phá bản thân và những tiềm năng của mình.
Hay nếu khó khăn của người nghỉ hưu là mất đi các mối quan hệ xã hội thì các hoạt động như tham gia Hội Phụ nữ cũng là điều hữu ích. Hoặc họ có thể cùng bàn bạc với mọi người trong gia đình để có thêm các hoạt động chung nhằm tăng gắn kết gia đình. Chẳng hạn như thống nhất chủ nhật đầu tiên hàng tháng là dịp thường niên để các con cháu ở xa sẽ tụ tập để ăn một bữa cơm chung.
Có một khía cạnh nữa đó là sự xuất hiện của mạng internet. Trong khi các thế hệ trước chỉ có thể nói chuyện với một số người trong khu vực sống của họ, thì những người nghỉ hưu thời hiện đại lại có những cơ hội tuyệt vời để kết nối với nhiều người hơn ở cách xa họ. Bên cạnh đó, các nền tảng trực tuyến còn giúp họ khám phá thế giới qua màn ảnh, học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng mới qua các khóa học trên mạng.
Dù giải pháp chung là vậy, nhưng phụ nữ vẫn có thể gặp nhiều rào cản hơn nam giới, ví dụ như họ phải dành thời gian chăm sóc con cháu thay vì làm những điều họ muốn. Với trường hợp này, sự san sẻ và hỗ trợ từ những người thân khác trong gia đình là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bản thân họ cũng cần nhìn nhận xem đâu là điều mà họ mong muốn, và chủ động sắp xếp hợp lý.
Như vậy, người nghỉ hưu hoàn toàn có thể biến giai đoạn này của cuộc đời thành giai đoạn gắn kết có ý nghĩa và hoàn thiện bản thân. Theo góc nhìn này, nghỉ hưu không phải là điểm kết thúc mà chỉ là một giai đoạn thích ứng và khám phá khác của cuộc sống.
- Gia đình đóng vai trò gì để hỗ trợ người thân hạn chế tình trạng sốc tâm lý khi về hưu không?
- Sự hỗ trợ của gia đình sẽ là hậu phương vững chắc cho bất kỳ ai, đặc biệt là người lớn tuổi. Gia đình có thể tham gia vào giai đoạn chuẩn bị trước, trong, và sau khi một thành viên trong gia đình nghỉ hưu.
Ví dụ gia đình có thể tìm hiểu thêm về sự thay đổi trong tâm sinh lý của những người chuẩn bị nghỉ hưu. Con cái, hay các cháu có thể trò chuyện thêm với bố mẹ, ông bà để hiểu về tâm trạng cũng như những suy nghĩ của họ. Từ đó trang bị cho họ những kiến thức và gợi ý các giải pháp mà cả gia đình cùng thực hiện.
Có một số người ở thời điểm vừa mới nghỉ hưu sau thời gian ngắn đã gặp khó khăn, nhưng cũng có người khác thì một khoảng thời gian sau đó họ mới nhận thấy mình cần giúp đỡ. Vì vậy, điều quan trọng là sự đồng hành và thấu hiểu lẫn nhau giữa các thế hệ.
- Trân trọng cảm ơn chị!