Làm một người mẹ đơn thân hạnh phúc

Chia sẻ

ĐSGĐ-Khi chủ động lựa chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân, nhiều người vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn… Những lời khuyên của các nhà tâm lý sẽ giúp các mẹ giảm bớt áp lực trong cuộc sống.

 
Đừng lảng tránh sự giúp đỡ
 
Các bà mẹ đơn thân thường có xu hướng rơi vào trạng thái cô đơn và đôi khi cảm giác tủi thân khiến họ thu mình lại và dần dần, trở nên tách biệt với mọi người. Đó là một cái vòng luẩn quẩn và tiêu cực – một nhà tâm lý khẳng định.
Để giúp những bà mẹ đơn thân sống tốt hơn cùng với đứa con của mình, các nhà tâm lý này khuyên các mẹ nên mở rộng mối quan hệ với thế giới bên ngoài, những người thân, bạn bè và những người cùng cảnh ngộ. Ngay cả khi không có thời gian, tranh thủ lên mạng và tham gia một diễn đàn những ông bố, bà mẹ, chia sẻ trên đó những hoàn cảnh, những tình huống bạn gặp phải trong cuộc sống, chắc chắn, bạn sẽ nhận được về nhiều sự chia sẻ và từ đó, cũng có được một cái nhìn tích cực về cuộc sống, có thêm những người bạn để chia sẻ vào những thời khắc khó khăn.
 
Làm một người mẹ đơn thân hạnh phúc - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Đừng tự bắt mình phải hoàn hảo
 
Dọn dẹp lại phòng của bọn trẻ, khâu lại cái cúc áo đã tuột, đưa con đi học buổi sáng, tắm rửa, cho con ăn, chơi với chúng, tổ chức tiệc sinh nhật mỗi năm sao cho thật rôm rả… một loạt những công việc cho con khiến bạn luôn phải căng mình. Cảm giác tội lỗi mỗi khi không hoàn thành được một việc ưng ý cũng khiến cho các bà mẹ độc thân thêm phần áp lực.
 
Lời khuyên là, nếu khi nào cảm thấy những công việc này là quá sức, hãy ngồi lại và tự đặt câu hỏi: Điều này có thực sự cần thiết không? Bạn có nhất thiết năm nào cũng phải tổ chức một sinh nhật thật hoành tráng không, khi mà hoàn toàn có thể để cho hai mẹ con được nghỉ một ngày bên nhau thật êm ả? Có nhất thiết buộc phải nghĩ ra trò gì để cho con chơi mỗi tối hay đôi khi, chọn việc dễ dàng hơn, tự thưởng cho mình một tối nằm dài trên giường và mặc cho con xem phim hoạt hình một lúc? Hãy chỉ làm việc gì «không làm không được», thi thoảng, hay cho nhau một khoảng nghỉ nhé!
 
Dành một chỗ cho người cha
 
Khi bạn đã ly dị hay chủ động sinh con một mình, hãy dành cho người cha của con một vị trí trong lòng đứa trẻ. Đó là quyền của bé và đó cũng là cách giảm áp lực cho bạn! Thi thoảng, hãy nói với con rằng: “Bố chắc chắn sẽ đồng ý với mẹ về điều này” hoặc “Mẹ sẽ nói chuyện này với bố”. Nếu mối quan hệ giữa bạn và bố của cháu gần gũi hơn, hãy để anh ấy góp mặt trong những cuối tuần của hai mẹ con, hoặc tiệc sinh nhật, hoặc giúp bạn sửa lại cái gì đó cho ngôi nhà. Ít nhất, điều này giúp cho con bạn hiểu rằng, ngoài bạn, chúng sẽ có thể nhận được sự giúp đỡ của bố, và tạo nền tảng cho một mối quan hệ bình thường với các bạn trai sau này.
 
Sự vắng mặt hoàn toàn của người cha trong gia đình cũng có thể được thay thế bằng những người đàn ông khác: Ông ngoại, các bác hay là một người bạn thân của bạn. Nó cho phép bạn lấp đầy một phần nào đó khoảng trống trong ngôi nhà, ít nhất là về mặt tâm lý của đứa trẻ.
 
Làm một người mẹ đơn thân hạnh phúc - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Vượt qua những cuộc tranh cãi về đứa trẻ
 
Chẳng có gì là tồi tệ hơn đối với một đứa trẻ là bố mẹ chúng phân chia vai trò của mình với con trẻ và sử dụng con cái như là nhân chứng để chỉ trích lẫn nhau. Bọn trẻ chẳng cần biết lý do vì sao bố mẹ chia tay, và cũng không phải là người để đóng vai để tâm tình. Trong những cuộc tranh cãi giữa những người bố - mẹ, chính họ đã phá hủy đi hình ảnh người cha, hoặc người mẹ trong mắt con cái và thậm chí, có thể để lại trong lòng đứa trẻ những tổn hại to lớn.
 
Các chuyên gia khuyên bạn, đặc biệt với những trường hợp nuôi con một mình sau ly hôn, khi bạn có những mâu thuẫn không thể giải quyết được với cha của đứa trẻ, đừng bao giờ tranh luận trước mặt con cái, hoặc để chúng nghe được những lời không hay về bố của chúng. Sau khi hai bạn chia tay, quyền nuôi con đã được phân định, bạn có thể trao đổi với anh ta và thống nhất cách nuôi con, chăm sóc con, nếu anh ta thực sự muốn quan tâm, chứ không nên cãi nhau vì nó!
 
Đừng bỏ quên đời sống cá nhân
 
Bị cuốn vào vai trò mới mẻ và bận rộn của một bà mẹ đơn thân, rất nhiều người có xu hướng bỏ quên cuộc sống của cá nhân bạn. Một bộ phận khác gặm nhấm những điều mà bạn cho rằng mình đã có lỗi với đứa trẻ rồi tự ngăn cản mình đến với một cuộc sống mới, những mối quan hệ mới, những gặp gỡ mới, thậm chí người bạn trai mới… 
 
Những người phụ nữ này đã tự quên bản thân mình. Chẳng có ai yêu cầu họ phải hi sinh bản thân mình đến thế. Đấy là còn chưa nói, những điều này, thực ra lại ảnh hưởng không tốt đến đứa con của mình, sự cố gắng, sự hi sinh của người mẹ sẽ lấy mất ở đứa trẻ sự tự lập, vốn đứa trẻ buộc phải làm.
 
Chắc chắn những người thân của bạn, bố mẹ, những người bạn thân, những người đồng cảnh ngộ sẽ sẵn lòng giúp đỡ bạn, để tổ chức một cuộc sống phong phú, với những phút giây riêng tư.
 
Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý là, tận dụng thời gian tối đa để có thể chăm sóc bản thân, và đó, chính là cách để bạn cân bằng lại cuộc sống, vốn đã rất vất vả so với những bà mẹ khác.
 
    Lâm Lâm
  

Tin cùng chuyên mục

Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.
Hè cùng con đọc sách

Hè cùng con đọc sách

(PNTĐ) - Đồng hành cùng con, nhất là vào thời gian hè là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Chị Trần Dung (Hưng Yên) vừa là mẹ, vừa là gia sư đã giúp con có mùa hè thoải mái nhưng vẫn bổ ích. Và cách chị chọn chính là trang bị cho con thói quen yêu thích đọc sách trong hè.