Ly hôn – cánh cửa hạnh phúc sẽ đóng lại hết cuộc đời

Chia sẻ

22 năm cam chịu cuộc sống bên người chồng bạo lực, đã nhiều lần chị bỏ nhà đi, tìm đến nhà tạm lánh dành cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình. Lần “hồi gia” nào, chị cũng được khuyên hãy ly hôn để giải thoát khỏi cuộc sống bạo lực. Thế nhưng, chị không dám làm điều đó vì sợ cánh cửa hạnh phúc sẽ đóng lại đến hết cuộc đời.

Ly hôn – cánh cửa hạnh phúc sẽ đóng lại hết cuộc đời - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)
Tôi gặp người phụ nữ ấy khi chị vừa "hồi gia" sau một thời gian ở nhà tạm lánh. Chị từng là nạn nhân bị bạo lực gia đình, nhiều lần gọi điện đến đường dây tư vấn của Văn phòng Tâm Giao (báo Phụ nữ Thủ đô) để "tâm sự" về những lần bị chồng đánh đập. Lấy chồng từ năm 20 tuổi, chị bước vào cuộc sống hôn nhân tràn trề hạnh phúc. Nhưng rồi, "hạnh phúc ngắn chẳng tày gang" khi chồng chị là kẻ lười lao động, lăng nhăng và vũ phu. Sinh ra là cháu đích tôn trong gia đình, từ nhỏ chồng chị đã được cả gia đình cưng chiều. Lớn lên, học hành chẳng đến nơi đến chốn, cha mẹ chồng chị đã xây một dãy nhà trọ cho thuê để cho con trai quản lý. Lấy nhau về, hai vợ chồng làm công việc buôn bán tại nhà và quản lý dãy nhà trọ. Nhưng anh chồng vốn lười lao động nên công việc buôn bán cũng chỉ mình chị quán xuyến. Hàng tháng, chồng chị chỉ nhìn vào khoản thu từ nhà trọ cho thuê.

Bi kịch của cuộc đời chị bắt đầu từ ngày chồng cuốn vào mối tình bất chính. Mọi lời khuyên nhủ từ vợ và người thân trong gia đình, anh ta đều bỏ ngoài tai để chạy theo "tiếng gọi ái tình". Cuộc hôn nhân của chị lâm vào cảnh "một bến hai đò". Chồng chị không bỏ vợ cũng chẳng chịu rời xa nhân tình. Mọi sự phản ứng của chị, anh ta đều dùng bạo lực để trấn át.

- Anh ta đánh vợ bất chấp. Khi bố mẹ chồng còn sống, tôi còn được họ bảo vệ. Từ khi ông bà mất, mỗi lần bị chồng nhốt trong nhà đánh đập, tôi không biết kêu ai nên đành cam chịu để anh ta đánh chán thì thôi - chị kể tại nhà tạm lánh.
Sự cam chịu của chị đã khiến hành vi bạo lực của người chồng tồn tại và tiếp diễn nhiều năm. Lần nào không chịu được, chị ôm con đến nhà người thân tá túc vài bữa rồi quay về. Người thân khuyên chị hãy tố cáo mối quan hệ bất chính ngoài hôn nhân và hành vi đánh đập vợ con của anh ta, để pháp luật trừng trị. Nhưng, chị không làm điều đó vì lo sợ tố cáo chồng xong thì mình không còn "cửa để quay về". Trước đây, chồng chị tuyên bố không bỏ tình nhân, nếu chị chấp nhận thì sống chung, còn không cứ "chủ động" ly hôn. Người thân khuyên chị ly hôn và không nên sống cảnh "chồng chung". Nhưng, chị sợ sau khi ly hôn, hạnh phúc sẽ đóng lại với cuộc đời mình.

- Tôi sợ ly hôn, bởi nó sẽ khiến tôi phải sống cảnh "không chồng" cả đời, con cái phải lớn lên trong cảnh gia đình tan nát. Nếu chồng tôi đem con theo thì con phải sống với mẹ ghẻ, còn sống với tôi thì không có bố. Tôi còn phải nghĩ cho con cái sau này nữa, việc tôi ly hôn có thể khiến con cái gặp khó khăn khi lấy vợ, lấy chồng. Khi ly hôn, cánh cửa hạnh phúc của cuộc đời tôi coi như khép lại tất cả - chị giải thích lý do cam chịu sống với người chồng tồi tệ và che giấu cho những hành vi bạo lực của anh ta.

22 năm "nhốt" mình trong cuộc hôn nhân bất hạnh ấy, chị nhiều lần bị chồng đánh phải nhập viện điều trị. Vài ba lần chịu không nổi, chị phải tìm đến nhà tạm lánh để "nương náu" một thời gian. Ở đây, chị được mọi người phân tích về vấn đề ly hôn, không nên chấp nhận hành vi bạo lực của chồng trong thời gian dài như thế. Chị nghe nhưng khi quay trở về lại không đủ dũng cảm ly hôn chồng, chỉ vì sợ mất tất cả. Nỗi lo sợ cuộc sống "không chồng", "không gia đình" phải đối diện với muôn vàn khó khăn khiến chị không dám nghĩ đến chuyện ly hôn. Chị bảo cam chịu, chấp nhận khổ một chút nhưng vẫn giữ được "hạnh phúc gia đình". Thứ hạnh phúc mà theo chị, vợ vẫn có chồng, con vẫn có cha bên cạnh, gia đình không đổ vỡ.

Trong các nhà tạm lánh dành cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình, những nạn nhân mà tôi tiếp xúc có quan niệm sống giống như chị không phải là ít. Những định kiến về ly hôn tồn tại trong xã hội đã dựng lên một rào cản kiên cố khiến những nạn nhân bị bạo lực gia đình không dám thoát ra khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh. Cùng với đó, những hệ lụy của ly hôn cũng khiến nhiều phụ nữ cam chịu và chấp nhận bạo lực. Thế nhưng bên cạnh đó, một bộ phận vợ chồng lại xem ly hôn là một giải pháp để mở ra cánh cửa mới cho cuộc đời mình khi hôn nhân không còn hạnh phúc? Vậy bản chất thật sự của ly hôn là sẽ đóng lại cánh cửa hạnh phúc với mỗi người sau khi hôn nhân chấm dứt, hay nó sẽ mở ra cánh cửa hạnh phúc mới?

Để làm rõ hơn vấn đề này, báo Phụ nữ Thủ đô mở diễn đàn gia đình: "Ly hôn: Cánh cửa hạnh phúc đóng lại hay mở ra?". Kính mời bạn đọc viết bài tham gia thảo luận. Những ý kiến thảo luận được đăng tải trên ấn phẩm báo Phụ nữ Thủ đô sẽ được nhận báo biếu và nhuận bút theo quy định hiện hành của tòa soạn. Bài thảo luận gửi về chuyên mục Gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc email: baophunuthudo@gmail.com

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.