Ly hôn: Sao lại là sai trái?

Chia sẻ

PNTĐ-Quan niệm về ly hôn ở Việt Nam trong thời gian gần đây thay đổi nhiều so với trước kia.Điều đặc biệt là những người càng có trình độ học vấn cao thì coi chuyện ly hôn là bình thường.

 
Ly hôn: Sao lại là sai trái? - ảnh 1
Ảnh minh họa 

 
Đây là kết quả từ nghiên cứu vừa thực hiện năm 2018 của Viện nghiên cứu phát triển Mekong (Hà Nội) với 1.400 người từ 18 tuổi trở lên ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 21% người được phỏng vấn cho rằng ly hôn là không hề sai trái, 40% cho rằng ly hôn là sai trái và một tỉ lệ tương tự gần 40% cho rằng ly hôn đôi khi là sai trái.
 
Nhóm phản đối ly hôn nằm ở những người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), người có trình độ văn hóa thấp, và người có thu nhập thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng). Hầu như những người có trình độ sau đại học không ai coi chuyện ly hôn là sai trái. Người miền Bắc có quan niệm ly hôn nặng nề hơn so với người miền Trung và miền Nam. Người ở thành thị cũng nhìn nhận chuyện vợ chồng chia tay nhẹ nhàng hơn so với người sống ở nông thôn. 
 
Trình độ học vấn, việc cha mẹ quyết định chính trong sự lựa chọn hôn nhân của con, nơi ở nông thôn hay đô thị trước hôn nhân lần đầu, những xung đột vợ chồng, tình trạng ngoại tình, tình dục, khả năng đóng góp kinh tế của gia đình... là những yếu tố có tác động nhất định đến ly hôn.
Song, quan điểm về vai trò của nam và nữ trong gia đình người Việt vẫn còn nặng nề. Vẫn còn trên 50% số người phỏng vấn (cả nam và nữ) đồng ý rằng “việc của chồng là kiếm tiền và việc của vợ là chăm sóc gia đình”. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở những người có trình độ văn hóa thấp (từ 55% đối với những người tốt nghiệp THCS và 80% đối với những người chưa tốt nghiệp tiểu học). Quan điểm này hầu như không tồn tại đối với những người tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên.
 
Theo ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong, kết quả này cũng phù hợp với thực tế. Tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng nhưng vẫn thấp so với thế giới. Các yếu tố liên quan đến văn hóa, kinh tế, trình độ nhận thức ảnh hưởng đến quan điểm, cách nhìn nhận về ly hôn. Thường ở Việt Nam, ly hôn rơi vào hai nhóm. Thứ nhất là những người có trình độ học thức cao nhưng không nặng nề việc chia tay. Họ thấy không hợp nhau, sống chung không còn hạnh phúc thì ly hôn. Thứ hai là những trường hợp quá sức chịu đựng của người phụ nữ, thường xảy ra ở các cặp có trình độ thấp, người vợ thường bị phụ thuộc vào chồng và bị bạo hành thường xuyên.
 
Có nhiều ý kiến đồng tình với kết quả nghiên cứu này. Anh Nguyễn Đức Trường (làm kỹ sư, 38 tuổi) cho biết: “Không phải hôn nhân ngày càng không có giá trị khi dân trí cao, kinh tế phát triển… mà là người ta đã hiểu rõ hơn giá trị của hôn nhân và hạnh phúc hơn. Họ không nhất thiết phải giữ một cuộc hôn nhân rỗng”. 
 
Tuy nhiên, ý kiến khác của chị Ngọc Hà (36 tuổi, nhân viên văn phòng và có 2 con gái) lại cho rằng, chia tay ngày càng xảy ra nhiều hơn là do nhận thức của mọi người còn lệch lạc trước quá nhiều cái mới tràn vào nền văn hóa của đất nước ta, khiến chúng ta dễ tiếp thu cái xấu, bề nổi hơn là học điều tốt. Dẫn đến những giá trị tốt đẹp của gia đình bị xem nhẹ, lung lay, mối quan hệ vợ chồng ngày càng lỏng lẻo. Vì vậy, mấu chốt là ở sự tự ý thức của mỗi người về sự chuẩn bị, vun vén, chăm sóc cho tổ ấm chung. Bởi chẳng có hạnh phúc nào từ trên trời rơi xuống cả”.
 
Theo TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng, Viện Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: “Người trẻ cần phải xem hôn nhân là một hành trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình và cùng nhau hoàn thiện hơn mỗi ngày. Gạt đi những ảo tưởng cũng là chấp nhận sự tương đối nơi người bạn đời. Không có ai, kể cả bản thân chúng ta, hoàn hảo về mọi mặt. Cần phải đặt nền móng cho cuộc hôn nhân của mình nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu người ta chỉ biết nuôi dưỡng nó bằng tiền bạc, sắc đẹp hay cảm xúc nhất thời, vì những thứ này không bao giờ có thể thỏa mãn được. Tình yêu chân chính đặt nền trên sự cảm thông và tôn trọng. Biết dung hòa những khác biệt của nhau sẽ làm nên sự phong phú của đời sống hôn nhân, tạo nên đời sống gia đình hòa hợp”.
 
Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.