Mất tài sản vì ly thân!
(PNTĐ) - Nhiều cặp vợ chồng khi hôn nhân không còn ấm êm đã chọn sống ly thân chứ chưa ly hôn. Tuy nhiên, từ đây không ít câu chuyện rắc rối xảy ra liên quan đến việc phân chia tài sản khi một bên khăng khăng cho rằng, người còn lại đã “ra khỏi nhà” thì cũng chấm dứt mọi quyền lợi và nghĩa vụ của vợ chồng.
Đã mất chồng còn... mất luôn nhà
Chị M.T.H kết hôn cùng anh V.Ch.C năm 2000. Sau 3 năm sống chung, giữa hai vợ chồng xuất hiện mâu thuẫn không thể tháo gỡ nên chị H đã dọn về nhà ngoại. “Lúc đó, anh C không đồng tình để tôi ra đi, bố mẹ chồng tôi cũng tuyên bố chị “bước chân đi cấm kỳ trở lại”, tôi ra khỏi cửa thì cũng đồng nghĩa với việc từ chối vị trí làm dâu con trong nhà”- chị H chia sẻ.
Tuy nhiên, nhận thấy không thể tiếp tục chịu đựng hôn nhân không còn sự thấu hiểu thêm nữa, chị H vẫn quyết tâm rời đi.
Quê chị H ở miền Trung, còn anh C ở tại Hà Nội. Từ đó, hai người không còn liên lạc với nhau. Thấy cuộc sống như vậy không gây ra hệ lụy gì, nên cả hai đều không đề cập tới việc ly hôn. Một thời gian sau, chị H nghe tin anh C đón người phụ nữ khác về nhà chung sống và cô này đã mang thai 6 tháng. Tiện thể, bố mẹ chồng chị cũng “bắn tin” tới nhà thông gia là “từ mặt chị” và giờ đây, gia đình họ chỉ chấp nhận “cô con dâu mới” kia. “Với tôi, việc anh C ăn ở với ai đã không còn quan trọng nên tôi đều cho qua”. Tuy nhiên, không may, anh C bị tai nạn đột ngột qua đời. Bố mẹ anh C yêu cầu bán ngôi nhà mà hai vợ chồng chị đang ở để lấy tiền cho “con dâu mới” và “cháu nội” sắp chào đời. Ở nơi xa, chị H bỗng nhiên bị đẩy vào thế “tay trắng toàn tập”.
Tương tự như vậy, chị M và anh V ly thân đến nay đã được 10 năm. Do chị M có kinh tế vững nên đã tự mua được nhà riêng để sống cùng 2 con chung. Chị chưa từng nghĩ tới việc chia tài sản với chồng cho tới một ngày, anh V yêu cầu chị ly hôn nhưng không đồng ý chia tài sản cho chị dù trong đó có một số tài sản lớn như 2 ôtô trị giá gần 2 tỷ đồng. Anh V cho rằng, chị đã từ bỏ trách nhiệm làm vợ thì cũng bị tước cả các quyền lợi. Hơn thế, chị M đã dư dả tài chính nên càng không có lý do đòi chia tài sản trước đây.
Trong khi đó, chị M thì cho rằng: “Không thể nói là tôi đã dư dả tài chính để không phân chia tài sản trong hôn nhân. Tài sản 2 chiếc xe ôtô tôi sẽ dành để làm của cải hợp pháp cho các con chung khi hai vợ chồng đã không còn ràng buộc với nhau về mặt pháp lý”.
Ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân
Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, pháp luật về hôn nhân gia đình không quy định khái niệm “ly thân”. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể hiểu “ly thân” là khi vợ chồng không còn ràng buộc nhau trong chuyện tình cảm, kinh tế, mỗi người sống một nơi, có trường hợp đặc biệt tiếp tục sống chung một nhà nhưng không có sự ràng buộc nào. Về cơ bản, việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Do đó, tài sản chung của hai vợ chồng vẫn là tài sản chung và một bên có quyền yêu cầu chia tài sản nếu hai người quyết định ly hôn. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đầy đủ, không rõ ràng thì áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết.
Vì vậy, việc chị M đánh giá mình đã dư dả về tài chính, không có nhu cầu nhận khối tài sản chung trong hôn nhân phải xuất phát từ sự tự nguyện của chị và đạt được thỏa thuận giữa hai vợ chồng. Anh V không có quyền “tước” quyền chia tài sản của chị M chỉ vì hai vợ chồng đã ly thân. Việc chị M yêu cầu chia tài sản trong hôn nhân là đúng quy định của pháp luật.
Với chị H, theo như chị trình bày thì chị và chồng có tài sản chung là ngôi nhà và nay chồng chị đã mất. Trong trường hợp chồng chị không để lại di chúc thì chị có quyền yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng và chia phần di sản thừa kế của chồng chị nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, mẹ đẻ, cha đẻ, mẹ nuôi, cha nuôi, con nuôi của người chết thì đều được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau. Người phụ nữ sống chung với chồng chị và hiện đang mang thai con 6 tháng. Nếu đó là con của chồng chị thì theo Điều 651, Điều 613 và Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015, con ngoài giá thú sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết thì vẫn được hưởng phần thừa kế di sản như đối với những người thừa kế cùng hàng thừa kế thứ nhất.
Trong trường hợp chồng chị H để lại di chúc thì chị có quyền yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng và chia phần di sản thừa kế của chồng chị nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng theo di chúc. Trường hợp người để lại di chúc không đề cập về việc hưởng thừa kế của con chưa sinh ra, thai nhi hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế thì thai nhi sẽ được hưởng phần di nguyện này theo pháp luật.
Đối với cô gái sống chung cùng chồng chị H thì không có quan hệ hôn nhân hợp pháp, do đó không thuộc hàng thừa kế hợp pháp của chồng chị nên không được chia di sản thừa kế của chồng chị để lại.