“Nếp nhà” không... bình yên!

Nguyễn Phương Thảo (Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Xã hội hiện đại, phát triển, nhưng len lỏi đâu đó vẫn xảy ra những câu chuyện buồn về bạo lực gia đình, đặc biệt là ở các thôn quê, xa xôi hẻo lánh. Nhiều phụ nữ, trẻ em vẫn chưa được an toàn ngay dưới những nếp nhà của mình.

“Nếp nhà” không... bình yên! - ảnh 1
Trong các cuộc tuyên truyền pháp luật, tôi thường nói với các chị em hãy dũng cảm đấu tranh nếu gặp bạo lực gia đình. Ảnh: NVCC

Suốt quãng thời gian hơn 10 năm làm công tác bảo vệ pháp luật, tôi đã từng tham gia giải quyết rất nhiều vụ việc, vụ án thương tâm, đau lòng do bạo lực gia đình. Phần nào đó cho tôi hiểu được tầm quan trọng của sự nhận thức về bình đẳng giới là rất quan trọng. 

Câu chuyện lúc nửa đêm
Mỗi câu chuyện buồn về bạo lực gia đình là một điều trăn trở, một sự éo le… của người phụ nữ. 

23h45’… tôi giật mình thức giấc bởi tiếng chuông điện thoại vang lên giữa đêm khuya. Màn hình hiện số 086….112 - giọng chị H hốt hoảng: “Cô ơi cứu tôi, ông ấy đuổi đánh tôi, muốn giết tôi...”. Tôi trấn an chị và gọi nhờ đồng chí công an xã đến nhà chị xem sự tình.

Tôi biết chị H trong một lần về xã tham dự hội thảo về bảo vệ phụ nữ trẻ em. Cuối buổi, có một người phụ nữ dáng khắc khổ cứ nấn ná, rồi ngại ngùng đi về phía tôi, rụt rè đề nghị tôi giúp đỡ. Chị kể cho tôi nghe về câu chuyện éo le của cuộc đời mình. Do mải lo sự nghiệp, không yêu đương ai nên quá lứa lỡ thì trong khi bạn bè đã yên bề gia thất. Chị gặp anh ở gần chỗ làm việc. Qua vài lần tiếp xúc, thấy anh điềm đạm, thật thà nên chị đồng ý lấy anh để “thoát ế”. Anh chị lấy nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Anh không nghề nghiệp, thương anh chị có bao nhiêu vốn liếng dồn hết lo việc làm cho anh. Anh chị có 2 con gái. Hôn nhân không có tình yêu, anh lạnh nhạt, dửng dưng sống qua ngày. Sau giờ làm, anh la cà, nhậu nhẹt, đàn đúm, mặc kệ vợ con. Thậm chí có tí hơi men về còn quát nạt, mắng mỏ, đánh đập vợ con. Chị nín nhịn để gia đình yên ấm, các con có bố và đặc biệt để 2 đứa con gái sau này lấy chồng không bị nhà chồng coi thường, khinh rẻ. 
Khi các con lập gia đình xong, anh công khai tình nhân và đòi bỏ chị. Nhiều lần anh chửi bới, xúc phạm, đánh đập, đuổi chị ra khỏi nhà. Những vết thương trên thân thể chị do anh để lại sau mỗi lần bạo lực đã chai dần theo thời gian. Mặc dù vậy nhưng chị vẫn cam chịu. 

Khi cơ quan chức năng đến gặp chồng chị để răn đe, giáo dục, anh thản nhiên và ngang ngược nói rằng việc đánh đập vợ con là để dạy bảo, là “yêu cho roi cho vọt”, là chuyện quá bình thường; là việc phải làm của người đàn ông trong gia đình để lập gia phong; là việc riêng của gia đình anh, không ai có quyền can thiệp…

Ám ảnh bạo lực gia đình trong tổ ấm 
Gia đình không hạnh phúc bởi trong gia đình tồn tại sự bất bình đẳng giới sâu sắc. Những thành viên trong gia đình vẫn chịu sự xiềng xích của lối suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, mà nạn nhân ở đây là người phụ nữ và trẻ em. Chính họ không thể tự thoát ra khỏi tấn bi kịch của cuộc đời họ khi sự nhìn nhận, đấu tranh trước bạo hành gia đình còn hạn chế, thiếu thẳng thắn, cam chịu. 

Cộng đồng, làng xã nhận thức về bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình còn phiến diện: Coi vấn đề bạo lực gia đình là chuyện bình thường, chuyện riêng của mỗi gia đình “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương rất mờ nhạt. Do đó, bạo lực gia đình vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển trong gia đình hiện đại ngày nay.

“Gia đình là nơi để yêu thương” - là tổ ấm của mỗi người, là nơi để chúng ta luôn cảm thấy được bao bọc, chở che mỗi khi được trở về. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bạo lực gia đình đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít người khi trở về với ngôi nhà thân thương của mình. 

Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2021: 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục trong đó 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Con số trên thực sự rất đáng để suy ngẫm, trăn trở. 

Nguyên nhân sâu xa chính là do yếu tố nhận thức. Bạo lực gia đình chính là sản phẩm của sự bất bình đẳng giới, của tính gia trưởng, độc đoán. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn gia đình, ngoại tình… được xem là nguyên nhân trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ của bạo lực gia đình. Điều đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ phụ nữ và nam giới không cảm nhận được sự bất bình đẳng này cũng như sự cần thiết phải thay đổi nó. 

Làm gì chấm dứt bạo lực gia đình?
Nếp nhà chỉ có thể được xây chắc trên nền tảng yêu thương, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Theo tôi, để giải quyết triệt để bạo lực gia đình, chúng ta cần chú ý một số giải pháp sau: 

Một là, phải xóa bỏ “khoảng cách giới” là một nhu cầu cấp bách như việc cơm ăn, nước uống hàng ngày. Phải có sự thay đổi nhận thức rõ rệt từ những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống, trong đó đặc biệt coi trọng “sự yêu thương” của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. 

 Mỗi cá nhân trước khi đến với hôn nhân thì phải xác định rõ có tồn tại tình yêu hay không. Việc xây dựng gia đình và xác định người bạn đời phải đảm bảo có sự yêu thương, thông cảm, sẻ chia thì hạnh phúc mới bền chặt. Đặc biệt, chị em đừng cam chịu hay… che giấu bạo lực.

Ngoài ra, công tác truyền thông cũng phải được thay đổi, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng chống bạo lực gia đình. Đa dạng hóa các hình thức phổ cập kiến thức phòng chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi cũng cho rằng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức cũng cần chung tay trong việc giải quyết vụ việc bạo lực gia đình. Kịp thời làm công tác truyền thông, để định hướng dư luận xã hội, vừa giúp cảnh báo, răn đe đối với các hành vi bạo lực gia đình; qua đó, tạo dư luận tốt trong thực hiện phòng, chống vấn nạn trên nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.