Nghi bắt cóc trẻ em: Đừng tự ý đánh người

Chia sẻ

PNTĐ-Khi nghi ngờ đối tượng bắt cóc trẻ em, người dân cần tìm hiểu rõ sự việc hoặc nếu có nghi ngờ thì phải thông báo với cơ quan chức năng nơi gần nhất.

 
Nghi bắt cóc trẻ em: Đừng tự ý đánh người  - ảnh 1
Một vụ nạn nhân bị người dân đánh đập vì nghi bắt cóc trẻ em 

 
Sự việc đau lòng xảy ra mới đây, ngày 21/2/2019, anh L.H.B (28 tuổi, quê Tiền Giang, tạm trú tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đưa con trai 3 tuổi đến công viên ở thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa) chơi. Sau khi vui chơi, anh B đưa con trai lên xe máy để về nhà nhưng bé trai không chịu về mà đòi ở lại chơi tiếp nên gào khóc. Thấy anh B kéo con lên xe, bà bán vé số đang ngồi trong công viên tưởng là đối tượng bắt cóc trẻ em nên tri hô lớn, khiến cho Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, trú tại thị trấn Hậu Nghĩa) đứng gần đó lao đến hỏi. Mặc cho anh B giải thích là cha cháu bé, Điền vẫn đánh anh B tới tấp, rồi dùng dao đâm nhiều nhát khiến anh tử vong. 
 
Trước đó, đã có nhiều vụ việc đánh người bị nghi là bắt cóc trẻ em xảy ra, khiến nạn nhân bị thương nặng, còn những người tham gia đánh hội đồng vướng vào lao lý. Cụ thể, Tết 2019, hai thanh niên đi xe máy đến nhà bạn gái ở xã Diễn Hoa (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chơi. Do không biết nhà nên hai thanh niên hỏi thăm nhóm trẻ em đang chơi bên đường và được một em bé lên xe để dẫn về nhà mình. Về đến nhà, mẹ cháu bé nghi là con bị bắt cóc, chưa tìm hiểu rõ sự tình đã tri hô khiến người dân vây lại và đánh hai thanh niên. Cơ quan điều tra xác minh hai thanh niên có nhân thân rõ ràng, không có động cơ bắt cóc trẻ em.
 
Giữa năm 2017, tại Hà Nội, hai người phụ nữ bán tăm bông dạo đã bị người dân xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đánh chỉ vì nghi ngờ là đối tượng bắt cóc trẻ em. Khi thấy hai phụ nữ lạ mặt hỏi han cháu nội mình, bà N.T.T đã đuổi họ ra khỏi nhà và tri hô hai chị bắt cóc trẻ em. Chưa hiểu đầu đuôi sự việc, nhiều người dân đã đuổi đánh hai người phụ nữ này, khiến họ bị thương nặng. Tại Hải Dương, người dân cho rằng, người đàn ông đi xe Fortuner có ý định bắt cóc trẻ em nên đã bủa vây, đốt xe, mặc cho người đàn ông này van xin… Theo điều tra của công an, tất cả những nạn nhân đều không phải là đối tượng bắt cóc trẻ em như người dân đã nghi ngờ.
 
Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, do tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em ở Việt Nam đang có sự gia tăng, cùng thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất ngày càng táo tợn, liều lĩnh nên người dân ngày càng cảnh giác và thận trọng hơn. Trong nhiều gia đình, cha mẹ còn dạy con về cách đề phòng người lạ. Thế nhưng, sự cảnh giác quá độ ấy khiến nhiều người rơi vào cảnh khóc dở mếu dở, thậm chí thiệt mạng vì bị nghi oan là người bắt cóc, còn người tham gia đánh người bị tình nghi bắt cóc lại vướng vào lao lý.
 
“Khi xuất hiện thông tin có đối tượng bắt cóc, phản ứng đầu tiên của mọi người là căm phẫn và muốn bắt giữ, trừng trị đối tượng. Ngoài ra, nếu một đám đông đã bị kích động thì theo quy luật lây lan tâm lý (tâm lý đám đông), nhiều người sẽ mất tự chủ, hành động theo số đông, dễ dùng vũ lực đánh người bị tình nghi dù chẳng có căn cứ rõ ràng. Không những thế, một số người với bản tính hung hãn, thích bắt nạt, thích hành hạ người khác để chứng tỏ giá trị, quyền uy của mình, nên có hành động bạo lực phi lý, bất chấp lý lẽ, miễn là được đánh người” - ông Hiếu phân tích. 
 
Việc nâng cao cảnh giác với kẻ xấu là điều rất cần thiết. Song, nếu người dân nhìn thấy cảnh lôi kéo trẻ em (trẻ phản ứng, la hét), thì cần xem xét, tìm hiểu vụ việc, như có thể hỏi ngay cháu bé người đó là ai, có phải là người thân trong gia đình hay không? Nếu cháu bé cho biết người đó không quen biết, đang bắt mình, cần kêu gọi sự hỗ trợ của người dân xung quanh vây bắt tội phạm và báo cáo công an nơi gần nhất.
 
Khi phát hiện người lạ lảng vảng tại địa phương có biểu hiện nghi vấn, thì bí mật theo dõi, chụp ảnh. Nếu thấy khả nghi (tiếp xúc với trẻ em), người dân gọi điện báo Công an, tuyệt đối không nên có hành động manh động nào nhằm vào thân thể hay tài sản của người bị tình nghi. “Việc vây bắt, đánh hội đồng, đập phá tài sản của người bị nghi ngờ là bắt cóc là sai luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ. Đối với những người có hành vi tấn công người bị nghi bắt cóc trẻ em, tùy từng hành vi, mục đích, hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật ở tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người” - chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết.
 
Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.