Người già là sức mạnh tinh thần của con cháu

Chia sẻ

PNTĐ-Ở tuổi xế chiều, vai trò của người già là tạo nên sức mạnh tinh thần cho con cháu, chứ không phải gánh vác những công to việc lớn trong gia đình...

 
Người già là sức mạnh tinh thần của con cháu - ảnh 1
 Ảnh minh họa
 
Tôi cho rằng, chỉ nên nhìn nhận vai trò “cây cao bóng cả” của người già là tạo nên sức mạnh tinh thần cho con cháu; thay vì đòi hỏi họ phải tiếp tục hi sinh, gánh vác những trọng trách nặng nề trong gia đình.
 
Bố mẹ tôi năm nay ở tuổi 70, 80 tuổi. Bao nhiêu năm nay, ông bà hầu như không thể đảm trách một trách nhiệm gì trong gia đình. Bởi, mẹ tôi trong tình trạng đau lâu ốm dài, còn bố tôi thường xuyên thay đổi tính nết “sáng nắng chiều mưa” khiến con cháu lắm lúc khốn đốn theo. Con cháu nấu cho ông bà ăn xong nhưng đều bảo chưa được ăn, con cháu suốt ngày bỏ đói…Trong tình trạng ấy, ông bà không thể rèn dũa, dạy bảo con cháu nếp ăn, nếp ở trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, nếu đòi hỏi họ phải phát huy vai trò gương mẫu, đầu tàu trong gia đình cũng rất khó. Vậy nhưng, với anh em chúng tôi, bố mẹ là sức mạnh tinh thần không thể thiếu, nếu thiếu đi sức mạnh này, khối đoàn kết trong gia đình chúng tôi e sẽ không còn bền vững như ngày hôm nay.
 
Chúng tôi lập gia đình sống riêng bên ngoài, bố mẹ tôi sống cùng vợ chồng anh trưởng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bố mẹ thay nhau đến nhà các con sống dăm bữa nửa tháng. Trước là để vơi đi nỗi nhớ con cháu, sau là phụ đỡ đần khi chúng cần. Sau này, bố mẹ bước vào giai đoạn già yếu, bị bệnh tật tuổi già hành hạ, họ không thể nghĩ cho con cháu nhiều như trước đây nữa, ngược lại làm phiền trở lại chúng tôi nhiều hơn. Vậy nhưng, sự có mặt của ông bà khiến cho nhà nào cũng cảm thấy cuộc sống của mình khác hẳn, có trách nhiệm, gắn kết với nhau hơn.
 
Cả cuộc đời, bố mẹ tôi vốn rất vất vả, cả cuộc đời của họ gắn liền với những biến cố cuộc sống của anh em chúng tôi. Vì vậy, mỗi lần về thăm bố mẹ, những câu chuyện lẫn lộn giữa quá khứ hiện tại của ông bà càng khiến chúng tôi không thể quên đi những hi sinh, vất vả của bố mẹ trước đây. Cả những lỗi lầm tuổi trẻ mà chúng tôi mắc phải khiến bố mẹ lao đao theo. Mỗi lần vợ chồng tôi cãi cọ nhau, tôi thường mang con về bên bố mẹ, nói với vợ chồng anh trưởng là đưa cháu về thăm ông bà cho khỏi nhớ vài hôm.
 
Trong thời gian ấy, tôi phụ giúp anh chị chăm sóc bố mẹ, nghe họ nhắc nhở mọi điều trong cuộc sống gia đình. Dù lời nhắc nhở ấy giờ không được chuẩn chỉ bởi đầu óc không minh mẫn của bố mẹ. Nhưng nhìn cảnh ông bà già rồi vẫn “làm nũng” với nhau, chăm sóc nhau từng miếng ăn, ngụm nước, tôi lại suy nghĩ nhiều về mâu thuẫn của hôn nhân hiện tại. Bố mẹ vất vả thế sao vẫn sống yêu thương nhau đến đầu bạc răng long, còn chúng tôi cuộc sống đầy đủ, tân tiến mà hạnh phúc vẫn không được như ý. Biết tôi buồn về chuyện gia đình, bố mẹ chỉ ân cần nói:
 
“Bố mẹ già rồi chẳng biết khuyên các con thế nào, chuyện gia đình, vợ chồng lựa nhau mà sống, cùng nhau giải quyết, đừng vội vã quyết định trong nóng giận”. Đúng là bố mẹ chẳng thể giúp được gì nhưng sự quan tâm, tình cảm của họ lại tiếp thêm cho tôi sức mạnh tinh thần, bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề và tìm cách hóa giải.
 
Trong tình cảm anh em cũng vậy, thỉnh thoảng vẫn xảy ra mâu thuẫn bởi nghĩa vụ và trách nhiệm với bố mẹ. Nhưng chỉ cần bố mẹ ốm đau, nhìn họ vật lộn với bệnh tật, tuổi già, đấu tranh để dành sự sống, anh em chúng tôi lại vứt bỏ hết mọi hiềm khích cùng nhau đoàn kết lo cho bố mẹ. Đứa nào cũng nghĩ, chỉ cần bố mẹ sống làm cái bóng cho con cái nhìn thấy hàng ngày thì tất cả sẽ đồng lòng cùng nhau làm mọi việc. Tình cảm anh em cứ thế thắt chặt lại.
 
Những câu chuyện về bố mẹ đã nuôi chúng tôi lớn lên như thế nào trong thời khốn khó giờ trở thành “câu chuyện giáo dục” trong gia đình tôi đối với các cháu. Bọn trẻ ngưỡng mộ ông bà qua câu chuyện mà bố mẹ, chú bác kể lại từ những vết sẹo trên tay, chân ông bà, những bằng khen, giải thưởng mà ông bà đạt được trước đây... Cứ thế, bố mẹ tôi trở thành niềm tự hào trong lòng con cháu.
 
Thời hiện đại, con cháu ngày càng tự chủ, độc lập cuộc sống của mình, việc chăm sóc bố mẹ già đôi khi còn không đến lượt. Phần vì điều kiện sống xa bố mẹ, phần dịch vụ giúp việc “làm thay” khi con cháu bận rộn không có thời gian. Do đó, vai trò “cây cao bóng cả” của người già chủ yếu vẫn làm điểm tựa tinh thần cho con cháu, giúp níu giữ tình đoàn kết, yêu thương nhau trong gia đình.
 
Trần Anh Vũ
(Trung Văn, HN)

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.
Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.