Những mảnh giấy yêu thương
(PNTĐ) -Trong thời công nghệ tưởng như quá dễ dàng để người ta nhắn gửi thông điệp cho nhau thông qua các thiết bị điện tử. Nhưng trong nhiều gia đình, có thể do ông bà, bố mẹ đã lớn tuổi không kịp bắt nhịp thời đại, cũng có thể họ muốn giữ nếp xưa nên vẫn chọn cách dặn dò và gửi yêu thương tới nhau bằng chữ viết tay.

Ảnh: NVCC
Người trẻ ơi, đừng “bỏ rơi” ông bà, bố mẹ mình
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một câu chuyện: “Ông nội mình được các con cháu mua tặng ông chiếc điện thoại cảm ứng. Sau đó, mấy đứa trẻ con lại xúm vào dạy ông dùng “sì-mát-phôn”. Ông bà, bố mẹ lớn tuổi, không nhanh nhạy với công nghệ như chúng mình nữa. Đôi khi có hơi chậm xíu, nhưng mong là chúng mình đừng bực bội nha!”. Minh họa cho câu chuyện là một bức ảnh về một tờ giấy với những dòng chữ rất nắn nót, ghi chú hết sức cụ thể, chi tiết cách gõ bàn phím trên điện thoại cảm ứng.
Câu chuyện tưởng chừng hết sức bình thường, thế nhưng lại trở thành đề tài để rất nhiều người chia sẻ, vì sự đồng cảm mà nó mang lại. Hóa ra, trong rất nhiều gia đình cũng đều có chuyện, bố mẹ, ông bà chưa kịp “bắt sóng” với xã hội hiện đại nên cách hướng dẫn dễ hiểu nhất chính là con, cháu viết ra giấy. Trong phần bình luận rôm rả, nhiều bạn trẻ còn chụp lại chuyện “phụ đạo dùng điện thoại” cho bố mẹ, ông bà mình: Khi thì viết giấy, rồi dán vào mặt sau điện thoại, quên cái là chỉ cần nhìn ra sau, lại nhớ ngay! Có bạn lại hóm hỉnh nhớ lại sau khi chỉ cho mẹ dùng điện thoại, “mẹ rất chăm chú ghi ra lòng bàn tay “xanh nghe - đỏ tắt”.
Hay như bạn Phùng Thu Trang chia sẻ: Ông nội mình thích làm thơ, cô cho ông cái máy tính xách tay. Gõ chữ thì ông thuộc rồi nhưng gõ chậm lắm, giờ đang dạy ông làm word. Mình chỉ ông cái gì là ông ghi kỹ lắm, phím Caplock bên tay phải bàn phím để viết in hoa, muốn lưu thì ấn File chọn Save… Chỉ muốn đánh xong in cho ông luôn mà chắc ông ngại không muốn nhờ cháu nên cứ muốn tự làm, nhìn ông gõ thật chậm mò từng cái dấu mà thấy thương…
Dẫu vậy, câu chuyện nhỏ cũng đã lấy đi nhiều sự xúc động của các bạn trẻ, giữa thời buổi mạng xã hội tràn ngập nhiều thông tin tiêu cực. Bạn Xu Xu bình luận: “Ngày xưa đi học, bố chỉ tôi viết chữ trong vở. Tôi viết không được liền bị bố mắng. Bây giờ, tôi chỉ cho bố viết chữ trong điện thoại. Bố viết không được và bố lại tiếp tục mắng tôi”. Một bình luận rất tếu táo nhưng lại khiến người đọc cay cay khóe mắt, bởi trong nhiều trường hợp, yêu thương còn cần đi kèm sự nhẫn nại, thấu hiểu, để không vô tình “bỏ rơi” ông bà, bố mẹ mình giữa xã hội hiện đại.
Kỷ niệm cho mãi sau này
Ngày nay muốn gửi lời nhắn hay nhắc nhở ai đó vô cùng đơn giản và dễ dàng. Chỉ cần một cuộc gọi hay một tin nhắn, một email được gửi đi là người kia đã có thể nhận được thông tin ngay lập tức. Thế nhưng, lại có nhiều ông bà, bố mẹ dù có thể mượn điện thoại thông minh để gửi lời nhưng họ vẫn thích tự tay viết yêu thương lên giấy rồi gửi cho con, cháu.
Vợ chồng Phạm Thêu (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đều quê ở Nam Định. Thi thoảng, trong những lần nhận đồ ăn gửi từ quê lên, cả nhà lại nhận được tình yêu thương của bà nội chồng, viết trong tờ giấy nhỏ, dặn dò rất kỹ bà cho những gì, cho ai cái gì, đặc biệt là cho chắt nội của bà (con gái của vợ chồng Thêu) món gì: “Bà cho các cháu mấy lạng giò và ít cá. 1 cây bắp cải + 1 quả bí xanh và 1 quả bầu nữa. Và 2 dây sữa + 1 dây nước yến + gói bánh nhãn. Quà ít, tình cảm của bà quý các cháu nhiều lắm đấy. Các cháu nhớ lời bà nhắn nhé, nếu gặp việc gì khó khăn vất vả cứ hô “Cố lên!”, là được như ý muốn đấy. Bà không lên được, bà chúc các cháu vui vẻ khỏe mạnh!”.
Thêu chia sẻ, bà nội chồng bạn đã ngoài 90, nhưng vẫn rất minh mẫn và yêu thương, luôn nghĩ đến các con, các cháu, “nhất là với những đứa ở xa như vợ chồng mình. Mỗi khi về quê, bà cưng con gái chúng mình lắm, và bé cũng rất quấn cụ. Bình thường, bà hoàn toàn có thể nhờ các con ở gần bấm điện thoại cho bà gọi điện cho gia đình Thêu nhưng bà không làm vậy. Bà thích được tự tay viết ra lời yêu thương trên những tờ giấy nhỏ. Dù lời nhắn có sai chính tả, quên chấm phẩy, nhưng vợ chồng mình đọc lên vẫn thấy len lỏi vào tim một sự ấm áp lạ thường. “Ngày mới lấy nhau, chúng mình vẫn nghĩ tình cảm gia đình còn là gì đó mơ hồ lắm. Nhưng khi có con, rồi được người lớn trong nhà quan tâm, dõi theo từ xa như thế này, chúng mình cảm thấy cuộc sống này đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Thế mới thấy, gia đình luôn yêu thương mỗi thành viên vô điều kiện. Trong mắt ông bà, bố mẹ, con cái, cháu chắt dù lớn khôn, nắm quyền ngoài xã hội vẫn là đứa con bé bỏng, việc gì cũng phải nhắc nhở từng li từng tí mới yên tâm. Những mẩu giấy dặn dò, có thể đặt trên bàn, dán trên tủ lạnh hay bỏ vào vali, thùng xốp cùng với rất nhiều đồ ăn, thức uống, cũng chỉ toàn những lời nhắn, nhưng chứa đựng tình yêu thương vô bờ bến và là điểm tựa tinh thần cho những đứa con.