Nỗi niềm những cuộc hôn nhân... “vài tháng tuổi“

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tự nguyện đến với nhau để xây hạnh phúc, nhưng rồi rất nhanh sau đó, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã nhìn nhau tràn trề thất vọng. Và thế là họ ra tòa ly hôn, chấm dứt những cuộc hôn nhân chỉ mới... “vài tháng tuổi”.

Nỗi niềm những cuộc hôn nhân... “vài tháng tuổi“ - ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Giữa năm 2023, TAND TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án ly hôn giữa chị L.L sinh năm 1991 và anh N.T sinh năm 1990. Tuy nhiên, anh T không tham dự phiên tòa. 

Trong đơn xin ly hôn và lời khai tại Tòa án, nguyên đơn là chị L.L trình bày, vợ chồng chị đến với nhau đầu năm 2020 (có đăng ký kết hôn) thì đến cuối năm, hôn nhân phát sinh nhiều mâu thuẫn. Nguyên nhân do tính tình hai bên không hòa hợp, bất đồng quan điểm lối sống, không ai hiểu ai, thường xuyên cãi nhau. Chị đã cố gắng chịu đựng để hai bên hòa giải hàn gắn nhưng đều không có kết quả. Năm 2021, hai vợ chồng bắt đầu sống ly thân. Nhận thấy hai bên  tình cảm không  còn và không thể tiếp tục chung sống với nhau được nữa, chị L.L yêu cầu được ly hôn với anh T. 

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, chị L.L là người khởi kiện yêu cầu ly hôn với anh N.T. Tòa án đã tống đạt thông báo thụ lý và triệu tập hợp lệ theo quy định của pháp luật cho anh T đến tòa án để ghi lời khai, hòa giải nhưng anh T vẫn vắng mặt không có lý do. Điều đó chứng tỏ anh T không có thiện chí hàn gắn tình cảm vợ chồng, chưa thực sự coi trọng tình nghĩa vợ chồng. Quá trình sống chung giữa đôi bên thực tế có xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng không còn tình cảm, không còn sự thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau là vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được. Vì thế, việc chị L.L yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân với anh T là có cơ sở giải quyết. Do đó, HĐXX  quyết định chị L.L được ly hôn với anh T.

Như vậy, tính đến thời điểm viết đơn xin ly hôn, hôn nhân của vợ chồng chị L.L và anh T kéo dài chưa đầy 2 năm. Còn thực tế, rạn nứt trong hôn nhân xuất hiện chỉ sau vài tháng kể từ khi hai người về chung một nhà. Khi ly hôn, cả hai vợ chồng còn chưa kịp có con chung lẫn tài sản chung.

Nỗi niềm những cuộc hôn nhân... “vài tháng tuổi“ - ảnh 2
Lời bình của chuyên gia
Hầu hết các cặp đôi khi kết hôn đều mong muốn ở bên nhau, đi cùng nhau đến cuối cuộc đời. Tuy nhiên, hôn nhân không chỉ đơn giản là hai người yêu nhau chung sống với nhau, mà là cả một quá trình với những thay đổi và điều chỉnh khi hai đối tác phải thích ứng với nhau ở những vai trò mới, những nhiệm vụ mới và những mối quan hệ mới, đặc biệt là phải thích ứng với văn hóa gia đình của mỗi bên vợ và chồng. 
Nhiều nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng mới cưới rất dễ không hài lòng về hôn nhân cũng như về người bạn đời của mình. Do những kỳ vọng không thực tế hoặc khi những gì họ trải nghiệm kém hơn so với những gì họ mong đợi về hôn nhân. Khi còn trong mối quan hệ yêu đương, người ta thường thể hiện những mặt tốt nhất của bản thân. Đến khi kết hôn, khi đã có một mối quan hệ mang tính ràng buộc hơn, họ mới dần “buông thả”, bộc lộ cả những khía cạnh yếu kém hoặc không được tích cực cho lắm của mình. Hơn nữa, khi ở trong một mối quan hệ thân mật vẫn còn nồng thắm, các cặp đôi có xu hướng “tự đánh lừa” bản thân rằng họ tương thích với đối tác của mình, trong khi thực tế không phải như vậy. 
Hai cặp đôi trong hai trường hợp kể trên chính là minh chứng rõ ràng. Cuộc sống hôn nhân không “đẹp” như những gì họ mong đợi. Họ cảm thấy thất vọng, bị “vỡ mộng” về người kia, lại không chấp nhận trao đổi, thỏa hiệp và cùng xử lý những mâu thuẫn giữa hai bên, dẫn đến cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Vậy qua đây, có thể rút ra bài học gì? Để xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững, trước hết cần phải có một nền tảng vững vàng cả về tình cảm lẫn sự hiểu biết lẫn nhau. Bên cạnh đó, hai người cần có sự “tính toán” kỹ lưỡng và cẩn trọng các điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần: Mỗi người cần có công việc ổn định, có thu nhập cho bản thân; có sự trưởng thành về cảm xúc và lý trí; có khả năng xử lý và ứng phó hiệu quả với những khó khăn có thể xảy đến trong cuộc sống… Sự tự vấn luôn là phương cách hiệu quả để hai bên đưa ra được những quyết định phù hợp. Và trước khi đi đến một quyết định trọng đại, trò chuyện và đạt được đồng thuận về cuộc sống sau hôn nhân là một bước quan trọng và hợp lý. Thậm chí, sau khi kết hôn, khi có mâu thuẫn hay bất mãn ở một hoặc cả hai đối tác, cần trao đổi, thảo luận để xử lý một cách rõ ràng, triệt để, tuyệt đối không ngấm ngầm chịu đựng, để những khó chịu đó tích lũy lâu dài, cho đến khi “giọt nước tràn ly”.
PGS.TS Trần Thu Hương - Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
 

Chị M (Hà Nội), nhân viên ngân hàng, cũng chẳng bao giờ nghĩ hôn nhân của mình lại sớm “đứt gánh” như vậy. Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, chị cho biết đầu năm vừa mới cưới, chưa đầy 6 tháng sống chung, hai vợ chồng chị đã quyết định ly hôn. Thậm chí, chị còn chưa kịp đi chào hết họ hàng bên chồng. Trong họ hàng nhà chị, nhiều ông cậu, bà bác chưa nhớ mặt, thuộc tên “cháu rể” thì anh đã trở thành “người dưng nước lã”. 

Chị M kể, lúc còn yêu nhau, chị thấy anh cũng ga lăng, chiều chuộng chị, nhưng lấy nhau rồi thì anh “chuối” không để đâu cho hết. Anh mải mê chơi games, ngủ nướng để mặc vợ loay hoay làm việc nhà. Đã thế anh ta còn ăn ở bẩn thỉu, bừa bãi, đơn cử như đôi tất đi cả ngày về thay ra vứt luôn ở đầu giường, quần áo bẩn chỉ việc nhặt nhạnh bỏ vào máy giặt cũng không làm. Từ lúc nào, chị M thấy thật bất công khi phải đi phục vụ một người đàn ông xa lạ nhưng có cái mác là “chồng”.
Chị quyết định ly hôn, chồng chị cũng đồng ý cái rụp. Tại phiên tòa xét xử vụ án ly hôn, chồng chị cũng mang hết các thói hư, tật xấu của chị ra mà kể lể, chì chiết. Nào là chị chẳng quan tâm, chăm sóc bố mẹ chồng, nào là chị có tính hay càm ràm. Chị cũng vụng về khoản tề gia nội trợ, chứ không phải đẹp đẽ, đảm đang như những gì chị tự nói về bản thân hồi mới yêu. 

Tóm lại, cả hai vợ chồng đều thấy nhau không còn màu hồng nên quyết định ra tòa trong sự bất lực của hai bên gia đình. Mẹ chị M than: “Ngày trước, hai đứa nó tự tìm hiểu nhau, tự thề non hẹn biển là sẽ sống với nhau tới đầu bạc răng long rồi lại tự đường ai nấy đi”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.