Nước mắt ngày hội ngộ

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời gian qua, nhiều phụ nữ đã sang Đài Loan làm bảo mẫu. Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam đảm đang, tháo vát, nhân hậu, trung thực, các chị được gia chủ rất yêu mến, coi như người mẹ thứ hai của con em mình. Tình cảm đó sâu đậm đến mức hàng chục năm sau khi các chị về nước, gia chủ Đài Loan vẫn tìm kiếm để mong hội ngộ. Hai câu chuyện xúc động đầy tình người dưới đây đã được phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô ghi lại.

Nước mắt ngày hội ngộ  - ảnh 1

Gặp lại “người mẹ thứ 2” sau hơn 10 năm xa cách
Vào năm 2000, bà Lê Thị Nhạn, sinh năm 1962, quê ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) quyết định sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Chồng sức khỏe yếu, 3 con đang tuổi ăn học, bà Nhạn hy vọng với sự tần tảo của mình ở xứ người, bà có thể giúp gia đình cải thiện cuộc sống.

Tại Đài Loan, bà làm giúp việc cho một gia đình 3 thế hệ gồm cả người già và 2 cháu nhỏ, 1 cháu mới 1 tuổi rưỡi và 1 cháu 2 tuổi rưỡi. “Việc nhà nhiều nên tôi luôn chân, luôn tay suốt ngày. Tôi xác định mình đi làm để kiếm tiền nên phải trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ. Tôi coi gia đình người Đài Loan như người thân, hàng ngày giúp họ vun vén, lo toan mọi việc thật chu đáo, tuyệt đối không tơ hào một cái kim, sợi chỉ. Đồ đạc gia chủ để đâu nguyên đó”- bà Nhạn kể lại. 

Trong số các thành viên trong gia đình, bà Nhạn đặc biệt quan tâm tới hai cháu nhỏ. Hàng ngày, khi bố mẹ các cháu đi làm, bà ở nhà chăm chút cho các cháu từng ly, từng tý. Vì các cháu bé biếng ăn nên bà nghĩ ra cách nấu làm nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa lại đổi một món rồi cẩn thận xúc từng thìa cháo, sữa…, cố gắng dỗ dành các cháu ăn hết suất. Lúc hai cháu nhỏ ốm, sốt, bà thay bố mẹ cháu bồng bế, dỗ dành. Cũng vì thế mà các cháu cũng quấn quít, bện hơi bà Nhạn.

Sau 7 năm trời, dưới bàn tay chăm bẵm, nâng niu của bà, hai đứa trẻ đều lớn lên khỏe mạnh, thông minh. Ngày bà về lại Việt Nam, cả gia đình người Đài Loan đều khóc nhớ, không nỡ chia tay bà. Một năm sau, cả nhà gia chủ lại cất công sang tận Việt Nam để thăm người phụ nữ Việt từng làm bảo mẫu tại nhà mình.

Riêng với cô bé Wang Rou Yu được bà Nhạn chăm sóc năm nào, hình ảnh của người bảo mẫu Việt Nam sâu sắc tới nỗi sau hơn 10 năm xa cách, vừa qua, Rou Yu đã quyết định tìm mọi cách để gặp lại bà. Thông tin về bà, địa chỉ nơi ở tại Việt Nam qua thời gian đã không còn nữa, cô đã đăng bài và hình bà Nhạn lên facebook và nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ tìm kiếm. Thế rồi điều kỳ diệu như trong truyện cổ tích đã xảy tới, con trai bà Nhạn vô tình đọc được bài viết đó trên facebook và nhìn thấy hình của mẹ mình ngày còn làm bảo mẫu ở Đài Loan. Rất nhanh sau đó, anh giúp mẹ kết nối và một cuộc gặp gỡ qua mạng xã hội giữa bà Nhạn và Rou Yu đã mau chóng diễn ra. “Dì nhớ con quá, dì muốn ôm con”- đó là những lời đầu tiên mà bà Nhạn đã nói khi thấy Rou Yu trên màn hình. Còn Rou Yu thì òa khóc nức nở vì từ lâu, cô đã coi bà như người mẹ thứ hai của mình.

Bà Nhạn cho biết: Khi về nước, bà mang theo một số tranh ảnh do các cháu nhỏ vẽ tặng để làm kỷ niệm. Mấy chục năm qua, bà vẫn giữ gìn những kỷ vật đó. Không ngờ lại có ngày, bà dùng đến chúng. “Gặp lại nhau dù chỉ là qua internet, chúng tôi đều xúc động. Rou Yu không nghĩ tôi vẫn giữ những bức tranh thời nhỏ mà cháu đã từng vẽ. Chúng tôi đã hẹn nhau, một ngày không xa sẽ sang thăm nhau theo một cách thích hợp. Tôi rất mừng vì Rou Yu ngày xưa giờ đã trường thành, ngoan ngoãn, có ý thức, âu cũng là đáng với tình yêu thương, sự tận tâm tôi dành cho các cháu”.

Bà Nhạn chia sẻ thêm: “Tôi không biết nói đến những điều to tát. Tôi chỉ biết rằng, khi ra nước ngoài, mỗi cử chỉ, hành động của tôi đều là đại diện cho hình ảnh của Việt Nam. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng sống, làm việc thật tốt, trung thực, trách nhiệm để người dân ở các nước nhìn vào đều phải thừa nhận và tôn trọng con người Việt Nam”.

“Cảm ơn cô, người bảo mẫu Việt Nam!”
Một câu chuyện cảm động khác cũng được một phụ nữ Việt Nam bình dị viết lên trong thời gian bà làm việc ở nước ngoài, nhưng đã mang một ý nghĩa lớn, giúp lan tỏa hình ảnh đẹp của dân tộc Việt Nam với bạn bè thế giới. Khoảng năm 2005, bà Lê Thị Thu, sinh năm 1972, hiện ở đảo Cô Tô, sang làm giúp việc cho gia đình của cháu Bội Dư ở khu Tín Nghĩa, thành phố Cơ Long, Đài Loan (Trung Quốc). Năm đó, Bội Dư mới 5 tuổi, còn em trai Dư vừa chào đời. Cũng với tấm lòng của một phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bà Thu đã cẩn thận chăm chút cho hai cháu bé Đài Loan như con cháu ruột của mình. Bà còn dạy Bội Dư hát, đưa cháu đi chơi, tỉ mỉ trông chừng để Thu luôn được an toàn. Nhìn vào mắt người bảo mẫu, dù còn nhỏ, từ ngày đó, Bội Dư đã có thể cảm nhận tình cảm, sự tận tâm của người giúp việc Việt Nam dành cho mình. 

Hàng chục năm sau, khi đã trở thành sinh viên đại học Trung Hưng, Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc), nỗi mong ước được hội ngộ với người bảo mẫu Việt Nam càng lớn dần. Song lúc đầu, mong ước của cô tưởng chừng bế tắc vì thông tin cô còn giữ về người bảo mẫu quá ít ỏi ngoài cái tên là dì Thu (A Qiu). Sau đó, Bội Dư đã tìm tới Đài Phát thanh Đài Loan để cậy nhờ. Thấu hiểu ý nguyện tốt đẹp của Bội Dư, Đài Phát thanh Đài Loan đã thực hiện một chương trình phát sóng giúp cô tìm kiếm người bảo mẫu Việt Nam. Sau đó, cộng với sự giúp sức của cộng đồng mạng, một lần nữa, cái kết đẹp đã tới khi bà Thu và Bội Dư tìm thấy nhau và có cuộc trò chuyện đầy cảm xúc qua mạng internet.

 Bà Thu vẫn còn nhớ rõ hồi chăm sóc Bội Dư bà mới 42kg, còn nay đã thêm 10kg. Thậm chí, bà cũng giữ được cả chiếc áo đã từng mặc và chụp chung với Bội Dư lúc mới 5 tuổi. Bội Dư thì khắc ghi từng cử chỉ ân cần, tận tâm như người mẹ mà bà Thu dành cho chị em cô. “Cảm ơn cô, người bảo mẫu Việt Nam”-  chính là những lời mà Bội Dư đã dành cho bà sau hàng chục năm cô ấp ủ trong lòng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.