“Sát thủ” thầm lặng trong gia đình

Chia sẻ

Việc quan tâm đến người thân khi có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, tâm thần vì những áp lực cuộc sống vẫn chưa được coi trọng trong các gia đình hiện nay. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới các bi kịch mẹ giết con, con sát hại cha mẹ ngày càng gia tăng.

Hiện trường vụ án con trai bị tâm thần giết mẹ ở Quảng NgãiHiện trường vụ án con trai bị tâm thần giết mẹ ở Quảng Ngãi (Ảnh: Dân trí)

Bi kịch đau lòng khi thủ phạm là người thân

Thời gian gần đây, các vụ án mẹ có dấu hiệu bị trầm cảm, tâm thần, ra tay sát hại con nhỏ diễn ra không ít. Gần nhất, ngày 26/4 vừa qua, tại huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) diễn ra nghi án mẹ ruột ra tay sát hại con trai 6 tuổi, dẫn tới cái chết thương tâm của đứa trẻ vô tội. Theo những người dân gần nhà nghi phạm, trước đó người mẹ này đã có những triệu chứng của bệnh tâm thần. Trước đó, ngày 13/3/2019, một người mẹ ở Bạc Liêu cũng sát hại con gái 4 tuổi của mình. Người mẹ này cũng đã có dấu hiệu bị bệnh tâm thần và được người thân đưa đi viện khám, lấy thuốc về điều trị tại nhà. Hay vụ việc, người mẹ bị trầm cảm sau sinh sát hại con 35 ngày tuổi diễn ra ở Hà Nội năm 2017.

Điểm lại, bi kịch người có biểu hiện trầm cảm/tâm thần (hoặc bị bệnh trầm cảm, bệnh tâm thần) sát hại con cái, cha mẹ ngày càng gia tăng. Có những thời điểm, những án mạng gia đình liên quan đến bệnh tâm thần, trầm cảm xảy ra liên tục khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Điển hình như: vụ con trai giết mẹ ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) ngày 23/10/2019. Nạn nhân là bà Hồ Thị A (78 tuổi) đã bị đứa con trai Hồ Ngọc Anh (30 tuổi) sát hại. Khi được người chú đưa ra công an tự thú, Hồ Ngọc Anh khai do trong đầu lúc nào cũng nghe tiếng thì thầm bảo phải giết cha mẹ nên khoảng 17 giờ ngày 23/10/2019, hắn đã dùng rựa chém người mẹ đang dọn lúa ngoài sân. Trước khi gây án, Hồ Ngọc Anh được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt thể căng trương lực. Trong 10 năm nay, hắn đã nhiều lần nhập viện điều trị. Mỗi lần bệnh thuyên giảm, hắn lại trở về sống cùng gia đình.

Hay vụ việc con gái bị trầm cảm nhưng không được người thân quan tâm đưa đi chữa trị đã giết hại mẹ mình ở TP Hồ Chí Minh ngày 6/6/2019. Do lấy chồng chung sống không hạnh phúc, cô ly hôn rồi quen với một người đàn ông đã có gia đình. Sự việc bị phát hiện, vợ người đàn ông đã tìm đến đánh ghen khiến cô bị sốc tâm lý dẫn tới trầm cảm, sống lủi thủi cùng mẹ mình và ra tay sát hại bà.

Những bi kịch đau lòng này đều có một điểm chung đó là sự chủ quan, hoặc thiếu kỹ năng chung sống với người thân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, trầm cảm trong các gia đình. Việc phòng ngừa những "sát thủ" thầm lặng này không được nhiều người quan tâm, vô tình thúc đẩy những hành vi phạm tội của người bệnh khi họ mất kiểm soát bản thân.

Cần có kỹ năng chung sống an toàn với người thân bị bệnh tâm thần

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, trong những thập niên gần đây, những căn bệnh như: trầm cảm, lệ thuộc rượu, lệ thuộc (nghiện) ma túy đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ những người có các bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên do các rối loạn tâm thần là một trong các nhóm bệnh không lây nhiễm nên mọi người đều chủ quan khi người thân có những dấu hiệu của bệnh. Sau khi đưa đi thăm khám, người nặng được điều trị ở bệnh viện, người nhẹ về nhà uống thuốc và sống chung với gia đình. Thậm chí còn có tình trạng mặc cảm khi người thân bị bệnh tâm thầm, sợ ảnh hưởng đến công việc, hạnh phúc của các thành viên khác, một bộ phận gia đình âm thầm giấu giếm việc người thân mắc bệnh, không đưa đi chữa trị. Tuy nhiên, việc trang bị kiến thức chung sống với người có dấu hiệu/người bị tâm thần lại không được chú trọng trong các gia đình, nên nhiều bi kịch đau lòng đã diễn ra.

Do đó để phòng ngừa các bi kịch này, theo chuyên gia Đinh Đoàn, mỗi một người, mỗi một gia đình hãy nâng cao hiểu biết chung sống an toàn với người thân bị tâm thần, trầm cảm. Cần phát hiện sớm, trao đổi với những người xung quanh để có thêm hiểu biết, động viên và đưa người thân đi khám ở các phòng khám tâm lý hay các trung tâm, bệnh viện tâm thần càng sớm càng tốt. Che giấu bệnh tật, không tìm cách chạy chữa, vừa làm bệnh trầm trọng hơn, có khi còn rước họa vào thân nếu một ngày nào đó "cơn dại" của người bệnh bùng phát, khiến họ có những hành vi phạm pháp.

Khi chung sống với người bệnh, mỗi người phải xây dựng kế hoạch an toàn cho bản thân và gia đình. Luôn luôn theo dõi, giám sát, phát hiện những hành vi bất thường của người rối loạn tâm trí để có hành động kịp thời. Không bao giờ giao con nhỏ cho người bệnh trông coi, không để người bệnh ở nhà một mình, hạn chế tối đa việc người bệnh đi lại sang nhà hàng xóm, trong khu dân cư. Bố trí cho người đang rối nhiễu tâm trí được ở phòng riêng, trong phòng không để những vật dụng có thể trở thành vũ khí tấn công như dao, kéo, chai lọ, gậy gộc. Học một vài động tác tự vệ, khống chế người rối nhiễu khi người bệnh lên cơn hung hãn, tấn công bản thân mình hay người trong gia đình.

Thường xuyên đưa người bệnh đi tái khám, ngay cả khi đã được bác sĩ cho ra viện. Bởi nhiều trường hợp, sau một thời gian điều trị, những dấu hiệu lâm sàng tạm thời hết hoặc hạn chế, tuy nhiên bệnh chưa khỏi hẳn. Nếu cảm thấy không an toàn khi chung sống với người rối nhiễu tâm trí, hãy đưa người đó tới bệnh viện kiểm tra và đề nghị bệnh viện cho người đó được điều trị nội trú. Đừng quên, sống với người rối nhiễu tâm trí, người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt hay đang trong giai đoạn chữa trị là mạo hiểm như để bom xăng trong nhà, không biết nó sẽ phát nổ lúc nào - chuyên gia Đinh Đoàn khuyên.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.