Sự cần thiết duy trì mô hình Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những nỗ lực của mình, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, việc duy trì mô hình Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình không chỉ là sự thay đổi cơ học mà còn ảnh hưởng lớn về nhiều mặt, đặc biệt là tác động mạnh mẽ đến nhận thức về công tác dân số của hệ thống cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Thống nhất các hoạt động dân số

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình hình thành từ năm 1961 và từng có giai đoạn dài là cơ quan thuộc Chính phủ (1984-1991), đặc biệt thời kỳ (1991-2007) là cơ quan ngang Bộ trực thuộc Chính phủ. Đây cũng là giai đoạn công tác dân số được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả nhất, thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/HNTW sớm 10 năm và chấm dứt thời kỳ dài, liên tiếp không đạt được mục tiêu về dân số do Đại hội IV-V-VI đề ra.

Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số được thống nhất từ trung ương đến địa phương, đã sắp xếp tinh gọn, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Hiện nay, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang hoạt động ổn định và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân số theo các quy định của Đảng, của pháp luật và yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Tổng cục Dân số đã phân cấp, phân quyền cho địa phương về tổ chức, cán bộ và một số nhiệm vụ chuyên môn. Tổng cục Dân số thỏa mãn các điều kiện có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, những nhiệm vụ đặc thù, cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương như điều tiết mức sinh, tốc độ gia tăng dân số, quy mô dân số của cả nước, của các vùng; chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm an ninh phương tiện tránh thai; chỉ tiêu, quy hoạch và quản lý sàng lọc trước sinh, sơ sinh cấp quốc gia, khu vực; quản lý hệ cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số với dữ liệu của gần 100 triệu người dân Việt Nam… Hàng năm, Tổng cục đều có văn bản giao những chỉ tiêu này cho các tỉnh, thành phố.

Tổng cục Dân số hiện đang là đại diện tư cách thành viên Việt Nam tại một số tổ chức quốc tế: Là đầu mối tham gia và thực hiện mọi nghĩa vụ, quyền lợi tư cách thành viên Việt Nam tại tổ chức Các đối tác về Dân số và Phát triển và là đại diện tư cách thành viên Việt Nam tại Trung tâm Tuổi già Năng động và Sáng tạo ASEAN (được thành lập theo Hiệp định thành lập Trung tâm do 10 quốc gia thành viên ASEAN ký kết năm 2020).

Giữ bộ máy được vững mạnh và phát triển

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 khóa XII của Đảng, khi đề cập công tác dân số, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc”.

Khi nhiệm vụ về công tác dân số đã được giao cho Bộ Y tế hoặc độc lập (bao gồm cả về tổ chức), Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm riêng đặc biệt đối với công tác dân số: Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, thì cũng ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, thì cũng ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Gần đây, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đồng thời cũng ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Sự cần thiết duy trì mô hình Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - ảnh 1
Cán bộ dân số chăm sóc sức khỏe cho người dân (ảnh minh họa)

Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra chủ trương chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Đây là sự đổi mới chính sách dân số với những nhóm mục tiêu rất lớn: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Như vậy, mục tiêu của Đảng ta về công tác dân số hiện tại và giai đoạn tới là rất lớn (gồm 6 nhóm mục tiêu, 25 chỉ tiêu).

Trước đây, chỉ với một mục tiêu giảm sinh, nước ta có Ủy ban Quốc gia Dân số - cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - cơ quan ngang bộ. Hiện nay với chính sách dân số mới, bao gồm nhiều nhóm mục tiêu mới, chỉ tiêu mới, giải pháp mới, cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, quyết liệt từ cơ quan trung ương nên việc duy trì Tổng cục Dân số thuộc Bộ Y tế càng cần thiết. Hơn nữa, Nghị quyết số 21-NQ/TW đã nhấn mạnh quan điểm tổ chức bộ máy làm công tác dân số phải “phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ” mà trọng tâm trong thời kỳ này là “chuyển sang dân số và phát triển”. Những nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân số được quy định tại Pháp lệnh Dân số 2003 và 2008 (sửa đổi).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 phê duyệt Đề án "Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển", trong đó mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 là “giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số” và “tiếp tục giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số” cho giai đoạn 2026-2030 nhằm thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác dân số đến năm 2030 mà Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra. Đồng thời, ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Dân số và Phát triển. Do đó, việc duy trì mô hình Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là vô cùng cần thiết để ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay.

Do đó, theo nhiều ý kiến, nếu không duy trì mô hình Tổng cục Dân số không chỉ là sự thay đổi cơ học mà còn ảnh hưởng lớn về nhiều mặt, đặc biệt là tác động mạnh mẽ đến nhận thức về công tác dân số của hệ thống cấp ủy, chính quyền và nhân dân; khó khăn trong việc điều phối, phối hợp liên ngành, đặc biệt là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW; hạn chế sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân số...

Tổng cục Dân số không còn sẽ làm suy yếu, sụp đổ hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gây tâm lý lo lắng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cả nước (13.315 người và 140.007 cộng tác viên dân số), ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TW. Trong khi đó, Thủ tướng mới ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021, trong đó đã khẳng định giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số; gây khó khăn trong việc hoàn thành các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới được đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW; các mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. 

Nếu bộ máy không còn sẽ không có bộ máy tổ chức đủ mạnh để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, phân bố, mức sinh chênh lệch giữa các vùng, các đối tượng; các giải pháp đồng bộ để phát huy các lợi thế dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Điều này sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho phát triển kinh tế-xã hội, như mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lớn sẽ tác động rất xấu đến trật tự, an ninh xã hội, an ninh xuyên biên giới, hơn 4 triệu nam giới không có khả năng xây dựng gia đình, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, đến nòi giống Việt; khó bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư, tạo sức ép đối với công tác quản lý, cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế… tại nơi người di cư đến và sự thiếu hụt lao động, khuyết thế hệ tại nơi người di cư đi;

Đồng thời, gây ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững, lao động việc làm, nhất là ở những khu vực có mức sinh cao, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội; khó khăn cho việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm quy mô dân số của các dân tộc ít người, đặc biệt là các dân tộc dưới 10 ngàn người; đối mặt với các thách thức lớn trong xu hướng tiếp tục gia tăng mắc các bệnh, tật bẩm sinh do rối loạn chuyển hóa, di truyền, chất lượng dân số chậm được cải thiện; không ứng phó kịp thời với giai đoạn già hóa dân số, dân số già với số lượng và tỷ trọng người cao tuổi đang ngày càng tăng lên nhanh chóng, tạo ra gánh nặng lớn về chăm sóc y tế và xã hội, khó khăn trong việc đạt được mục tiêu nước phát triển, thu nhập cao vì “chưa giàu đã già”.

Hạn chế đến việc lồng ghép biến dân số vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, ngành, lĩnh vực, địa phương dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho xã hội và sự phát triển đất nước...

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.