Tặng quà tinh thần cho bạn đời

Chia sẻ

Cuộc sống thời kinh tế thị trường phần nào "vật chất" hóa mối quan hệ tình cảm gia đình. Những món quà tặng cho nhau vào mỗi dịp kỷ niệm cũng được người ta nhìn nhận giá trị thiên về vật chất nhiều hơn giá trị tinh thần. Không ít người quan niệm quà tặng vật chất giá trị lớn thì tình cảm của người tặng đối với người nhận cũng theo đó "đậm đà" hơn.

1. Tôi có một cô đồng nghiệp, vào những dịp kỷ niệm, mấy chị em chúng tôi lúc nào cũng "lác mắt" với những món quà chồng cô tặng vợ. Nào là trang sức có giá trị lớn, túi xách hàng hiệu, quần áo thời trang.

Trên trang cá nhân facebook, zalo của cô thường xuất hiện những hình ảnh của các món quà vật chất cùng bảng giá của nó để định vị "giá trị tình cảm" của anh dành cho vợ. Cô kể, chồng xem việc tặng quà cho vợ là cách làm tăng tình cảm trong cuộc sống hôn nhân. Với anh, chỉ cần vợ vui, dù tốn kém bao nhiêu anh cũng "chịu chi".

Khi quần áo, điện thoại, túi xách, trang sức đắt tiền trở nên "bình thường hóa" trong cuộc sống của cô, anh chuyển sang tặng quà cho vợ bằng chuyển khoản ngân hàng. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại thấy cô lên mạng xã hội "cảm ơn chồng" bằng hình ảnh chụp tin nhắn số tiền lớn vào tài khoản vợ. Hàng trăm bình luận khen chồng cô là người đàn ông tuyệt vời nhất thế gian, "hiếm có khó tìm"… Với nhiều người đó mới là người đàn ông yêu vợ "đúng nghĩa".

Chú trọng yếu tố vật chất, nhiều người đã xem nhẹ quà tặng tinh thần trong cuộc sốnghôn nhân  	Ảnh minh họaChú trọng yếu tố vật chất, nhiều người đã xem nhẹ quà tặng tinh thần trong cuộc sống hôn nhân.  Ảnh minh họa

Mấy chị em chúng tôi vẫn thường mang chuyện đó về kể cho chồng mình nghe, lấy đó "làm gương". Để rồi sau đó những câu chuyện chốn công sở của bọn tôi lại xen kẽ sự uất ức của vài cô đồng nghiệp sau trận cãi nhau với chồng, vì chuyện quà tặng của chồng mình lúc nào cũng chỉ thiên về tinh thần nhiều hơn, chẳng có giá trị vật chất mấy. Những món quà nặng giá trị vật chất của chồng cô đồng nghiệp cứ thế khiến cho những món quà có giá trị về tinh thần của chồng chúng tôi bị xem nhẹ.

2. Sẽ chẳng ai tin nếu một ngày người chồng tuyệt vời ấy lại… "bỏ vợ". Tâm sự với tôi sau khi ly hôn, cô kể về cuộc sống hôn nhân lúc nào cũng tràn ngập những món quà chồng tặng cho mình. Hóa ra, những món quà có giá trị vật chất lớn ấy không hẳn mang đến cho cô hạnh phúc thật sự. Thời gian đầu, giá trị lớn của những món quà ấy đúng là khiến cuộc đời cô "nở hoa" mỗi ngày. Nhưng sau này, cô cảm nhận đời sống vật chất càng nhiều thì đời sống tinh thần giữa hai vợ chồng lại bị thu hẹp lại. Mỗi tháng anh có thể chuyển khoản cho vợ hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, nhưng không ngồi ăn cùng vợ trọn vẹn một bữa cơm ấm cúng.

Anh luôn lý giải để có tiền mua quà giá trị tặng vợ thì phải ra ngoài giao tiếp, quan hệ làm ăn. Mọi khó khăn trong cuộc sống của cô, anh giải quyết bằng tiền. Mỗi khi cô buồn, anh tặng quà, tặng tiền cho vợ vui. Nhưng để nói một lời động viên ấm áp, lắng nghe tâm tư của vợ hàng ngày thì anh không để ý đến.

Cứ thế, đời sống tinh thần của cô ngày càng cô đơn bên anh chồng tuyệt vời trong mắt thiên hạ. Những món quà vật chất lớn nhưng không thể gắn kết tình cảm vợ chồng mỗi ngày. Khi sự thấu hiểu lẫn nhau ít dần đi thì sự thông cảm, lắng nghe từ nhau cũng vơi bớt, tình yêu vợ chồng dành cho nhau cứ thế cạn dần, cuối cùng là đổ vỡ. Cô bảo giá như anh chồng giàu có của mình cũng biết tặng quà tinh thần cho vợ như anh chồng nghèo của chị lao công trong cơ quan thì hôn nhân của họ đã không đi vào ngõ cụt.

3. Chồng của chị lao công trong cơ quan làm "nghề" xe ôm, thường đứng đón khách cách cổng cơ quan tôi chừng 5m. Hàng ngày, anh đèo vợ đến công ty, chiều đón vợ về. Cuộc sống của những người lao động nghèo thường tảo tần hơn nên chúng tôi vẫn dành cho cô sự thông cảm, có món đồ cũ gì còn tốt không dùng đến thì mang cho. Cô bạn có chồng giàu có kia hay mang đồ cho chị lao công nhất nên có phần gần gũi với chị nhiều hơn. Mỗi lần nhận được món đồ nào đó, chị bảo đây là những "quà tặng vật chất" mà mình được nhận, còn lại những món quà lâu nay chị nhận của chồng con chỉ toàn "quà tặng tinh thần".

Mỗi dịp ngày 8/3, chị không có tâm trạng náo nức được chồng tặng quà như những người phụ nữ khác. Hết ngày đón vợ về anh hài hước tặng vợ bông hoa hồng được gấp bằng giấy báo trong lúc rảnh rỗi ngồi chờ khách. Xong bữa cơm tối, anh bảo mấy bố con sắp hàng hát tặng mẹ một bài chúc mừng ngày phụ nữ. Ngày lễ kỷ niệm nào của họ cũng chỉ có tiếng hát, lời ca của mấy bố con. Món quà đó giá trị vật chất không có, chỉ có giá trị tinh thần.

Thế nhưng nhiều năm qua, họ không bao giờ dừng lại việc tặng quà tinh thần cho đối phương. Dù cuộc sống đã bớt khó khăn, việc mua tặng nhau món quà vật chất không còn quá khó như trước. Mỗi lần nhận, ai cũng vui và trân trọng nên cuộc sống của họ ít mâu thuẫn, mà có thì cũng nhanh chóng được hóa giải.

Ngẫm lại, trong hôn nhân, giá trị của những món quà vật chất đôi khi không thể đo đếm được bằng những món quà tinh thần mà gia đình và bạn đời mạng lại. Một cử chỉ âu yếm, sự quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu dù nhỏ của bạn đời đôi khi mang đến những niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu và trân quý. Bởi vậy, chớ xem thường những món "quà tinh thần" mà chạy theo những thứ viển vông.

NGUYỄN MINH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.