Tết thời Covid-19: Dù xa hay gần, chỉ cần bình an!

Chia sẻ

Tết Nguyên đán Nhâm dần năm nay khá đặc biệt, bởi mọi người đón Tết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng hơn bao giờ hết. Năm nay, nhiều người sẽ không đi chúc Tết, cũng ít đổ ra đường đến các tụ điểm đường hoa, phố đi bộ... dù thời tiết rất đẹp. Thậm chí, có nhiều gia đình trẻ phải đón Tết xa quê.

Dù ở đâu, các nghi thức đón Tết đã ít nhiều thay đổi, tiết giảm để phù hợp với tình hình dịch bệnh song Tết Nguyên đán của người Việt vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp như: đoàn viên, cầu chúc năm mới bình an, may mắn…

Báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ ý kiến của các chuyên gia để có cái Tết an toàn, khoẻ mạnh nhưng vẫn giữ được giá trị văn hoá Tết cổ truyền.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc): Covid-19 không thể cướp Tết của chúng ta!

Hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 khiến cho nhiều người ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có mối quan hệ giữa các thành viên gia đình. Những giá trị về hình thức cũ đã không còn được như trước. Tết năm nay, gia đình tôi không thể đông đủ, bởi các con cháu đang sinh sống và làm việc ở xa không thể về quê đón Tết cùng mẹ. Tôi cũng đã cao tuổi, không thể đi sắm sửa mai đào đón Tết… Thế nhưng, các con tôi vẫn luôn gọi điện, video call về cho mẹ, quan tâm mẹ từ xa.Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc)Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc)

Không chỉ có tôi, ở nhiều gia đình, ảnh hưởng kinh tế, sự xa cách cũng làm cho nhiều người gặp khó khăn khi Tết đang đến gần. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ, cả nước đang cùng nhau học cách sống chung, thích ứng an toàn với Covid-19. Trong những ngày Tết sắp đến, Covid-19 có thể còn “hoành hành” hơn nữa, nhưng chắc chắn nó sẽ không thể cướp Tết của chúng ta.

Chúng ta hãy có cái nhìn, cách sống tích cực để đón Tết an vui, gắn bó tình cảm gia đình. Những ngày Tết đến Xuân về, hãy dành thời gian chăm lo cho gia đình, sử dụng mạng xã hội kết nối với nhau, thực hiện 5K bảo vệ sức khoẻ, tiêm chủng đầy đủ. Trong cái Tết đặc biệt Nhâm Dần năm nay, không đi chúc Tết, hạn chế đi chùa hoặc hạn chế tham gia các lễ hội dân gian truyền thống cũng là một nét văn hoá! Nét văn hoá của những người biết dẹp đi sự vô tâm, hời hợt và thói ích kỷ, để có trách nhiệm về sự an toàn của cộng đồng.

 Xuân năm mới, tôi hi vọng mọi người tiếp tục giữ vững tinh thần chủ động, bình tĩnh, trách nhiệm và đoàn kết để vượt qua mọi thách thức, hãy giữ gìn sức khoẻ, ý thức chống dịch, đồng thời bằng những sáng kiến giúp gia đình đón Tết đầm ấm, để các con có một tuổi thơ tốt đẹp, tình cảm vợ chồng vẫn được vun đắp... Hãy tin tưởng rằng, khi hoa đào nở, Xuân đến Tết về, những ngày tốt đẹp sắp tới cũng đang được mở ra…

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học (báo Nhân dân): Sẽ có nhiều người không thể về quê đón Tết…

Tết Nguyên đán là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí người Việt từ người già đến trẻ nhỏ. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, mọi người sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Gia đình Việt Nam vốn trọng chữ hiếu. Con cháu kính hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác. Năm nay, dịch bệnh căng thẳng đã ảnh hưởng đến sự đoàn tụ, gặp gỡ, gây cản trở đến việc con cái tỏ lòng kính hiếu đến bề trên, như để thắp hương người đã khuất, biếu quả ông bà, bố mẹ...

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn HọcNhà văn, nhà báo Nguyễn Văn HọcĐặc biệt với nhiều người con làm ăn xa quê, điều kiện kinh tế khó khăn sẽ khó đoàn tụ với gia đình. Ở nhiều khu công nghiệp, người ta động viên công nhân ở lại địa phương làm việc trong dịp Tết, hoặc có địa phương mong công nhân, người lao động xa quê không về quê để khỏi làm dịch trở nên nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, các gia đình vẫn phải thông cảm, chia sẻ cho nhau. Người ở xa quê với người ở quê thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại và các phương tiện kỹ thuật khác. Ngày nay, điện thoại thông minh phổ biến, các con có thể chúc Tết qua chat có hình để dễ dàng nói chuyện và tương tác, nhìn thấy nhau. Các thành viên gia đình động viên nhau nhớ nề nếp quê, gia phong, phong tục đẹp dòng họ ngày Tết để mãi nhớ về cội nguồn.

Những người không thể về quê đón Tết cùng gia đình nên giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, ăn uống đầy đủ, tranh thủ tập thể dục để bảo đảm sức khỏe; từ đó, động viên bản thân và người xung quanh tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; tin tưởng vào các cấp có thẩm quyền về việc dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt. Khi cuộc sống trở lại bình thường, chúng ta sẽ lại có cơ hội đoàn tụ gia đình, báo hiếu ông bà, cha mẹ.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Giám đốc công ty TNHH Mạnh Linh School Psychology: Đoàn viên thời Covid-19 cần lựa chọn dựa trên tiêu trí an toàn!

Năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như quan hệ giữa gia đình và xã hội. Một vài ảnh hưởng tích cực có thể kể đến như: gắn kết tình cảm gia đình, các thành viên để ý, chăm sóc và quan tâm nhau nhiều hơn, ngoài xã hội, tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được gia tăng vững bền hơn. Trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng lòng trong văn hoá Việt được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

Chuyên gia tư vấn Trần Thị Mạnh LinhChuyên gia tư vấn Trần Thị Mạnh Linh

Song, dịch bệnh cũng ảnh hưởng mặt trái tới giá trị văn hóa gia đình như: Việc ở nhà làm việc online, con cái học online, người này xâm phạm không gian người kia, kinh tế khó khăn… cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột gia đình. Các phong tục truyền thống văn hóa giảm tối thiểu như: đám cưới online, đoàn viên online… làm cho các mối quan hệ trở nên xa cách…

Tết Nguyên đán đang đến gần. Xưa nay, Tết là để đoàn viên, là lúc các con cháu khắp nơi trở về nhà sum vầy bên gia đình. Nhưng năm nay, dịch bệnh căng thẳng và ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc đón Tết đoàn viên của các gia đình, đặc biệt là gia đình có con/cháu đang làm ăn xa. Nhiều gia đình chọn cách ăn Tết tại chỗ vì xe cộ đi lại khó khăn, các chính sách tiếp nhận người thân đi xa về của các địa phương cũng mỗi nơi một khác.

Không phải gia đình nào cũng có ô tô riêng để về quê, vì vậy việc chọn đón Tết ở nơi xa, họp mặt gia đình online sẽ được ưu tiên lựa chọn. Việc du lịch để cuối năm gia đình có các giây phút bên nhau cũng gần như cắt giảm toàn bộ. Do đó, đoàn viên thời Covid-19 chủ yếu được lựa chọn dựa trên tiêu trí an toàn. Đoàn viên xa, đoàn viên online sẽ là một hình thức phổ biến.

Để giữ gìn nét văn hoá Tết cổ truyền trong đại dịch Covid-19, các gia đình cần đề cao giá trị truyền thống, dù là hình thức trực tiếp hay gián tiếp nhưng đoàn viên trong gia đình vẫn được chú trọng, không bỏ qua. Càng lúc khó khăn thì tinh thần gia đình, tinh thần dân tộc cần nâng cao hơn bao giờ hết. Muốn có được sự thống nhất này cần có “mạch nguồn” từ các tổ chức nhà nước để “thổi bùng” không khí trong nhân dân.

Trong gia đình, vai trò của người trưởng họ được phát huy tối đa để kết nối thành viên trong gia đình, dòng họ. Các thành viên có kế hoạch đón Tết chi tiết rõ ràng, thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau, Người ở gần hương khói tổ tiên thay cho những người ở xa, bố mẹ ông bà ở quê thông cảm, chia sẻ với con cái đi làm nơi thành thị. Mọi. người có sự đồng cam cộng khổ, thấu hiểu chia sẻ với nhau thì dù trực tiếp hay gián tiếp, dù xa hay gần, nét văn hóa Tết cổ truyền trong tinh thần người dân vẫn không thay đổi về giá trị truyền thống của nó.

Những người ở xa không có điều kiện để về quê với đại gia đình trong những ngày Tết vẫn nên giữ tinh thần tết truyền thống trong gia đình ở nơi xa. Họ nên có nhiều chia sẻ và liên hệ thường xuyên qua internet với người nhà, họ cũng cần chủ động đề nghị các kế hoạch đón tết xa nhà, hỏi thăm động viên cha mẹ thường xuyên, giữ trọn đạo hiếu và gia trị truyền thống, tuân thủ theo pháp luật trong phòng chống dịch… Giá trị truyền thống do con người mang lại, vì vậy chỉ cần ta luôn ý thức về nó thì ở đâu giá trị truyền thống vẫn được phát huy.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...